Đa dạng thị trường xuất khẩu nông thủy sản

Thứ Tư, 08/03/2017, 08:14
Ngày 7-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp nông thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dưới tác động của biến động kinh tế thế giới 2017”. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Trung Quốc là thị trường có sức hút rất lớn đối với các sản phẩm nông thuỷ sản nhưng còn nhiều tiềm ẩn rủi ro.

Theo TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ, trước năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu cá tra Việt Nam chiếm khoảng 3-5%/tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thì đến năm 2015 đã tăng lên 10%. Trong năm 2016, con số này đã tăng lên 18% và đã vượt qua EU để trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Và nhiều tín hiệu cho thấy, năm nay, Trung Quốc sẽ thành khách hàng lớn nhất của Việt Nam đối với mặt hàng này.

Ông Phạm Minh Thiện - Tổng Giám đốc Công ty Cỏ May lý giải do thị trường Trung Quốc đông dân nên có sức hút với nhiều loại nông thuỷ sản của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều thương nhân Trung Quốc sang nước ta thu mua nông sản, làm nông dân ồ ạt trồng, tới mùa thu hoạch rộ thì họ lại không mua, làm hàng hoá giảm giá.

TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, thành viên của Ủy ban Chính sách phát triển Liên hiệp quốc nhìn nhận, việc xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn. Theo như cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) thì mức thuế của nước ta xuất khẩu vào Trung Quốc từ 0-5%, nhưng quốc gia này lại áp thuế 13-17%.

Ngành Nông nghiệp Việt Nam còn chịu nhiều rủi ro, nông dân vẫn là người thiệt hại.

Bên cạnh đó, sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của các nước ASEAN. Việc xác minh năng lực doanh nghiệp Trung Quốc chưa được chú trọng và còn nhiều hạn chế, thiếu thông tin tổng thể về thị trường Trung Quốc như chính sách xuất nhập khẩu, nhu cầu thị trường, hệ thống thương nhân để kết nối và giao dịch...

“Nông dân phải từ bỏ sản xuất theo kiểu truyền thống là chạy theo số lượng, chuyển sang sản xuất theo tín hiệu thị trường, có hợp đồng, khách hàng. Nông dân và doanh nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị có sự tham gia của viện, trường, ngân hàng, sản xuất nông nghiệp sạch, có sản phẩm chất lượng để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật... thay vì chỉ dựa vào thị trường Trung Quốc”, TS Lê Đăng Doanh khuyến cáo.

Như Anh
.
.
.