Chứng khoán tái lập kỷ lục: Nên mua hay bán cổ phiếu?

Thứ Hai, 26/03/2018, 08:48
Chứng khoán liên tục tăng và vượt đỉnh lịch sử được lập từ năm 2007. Hàng nghìn nhà đầu tư đang thắng lớn trên thị trường. Vậy có nên mua cổ phiếu vào thời điểm này? Liệu có rủi ro nào mà nhà đầu tư sẽ phải đối mặt? Thị trường có lại một lần nữa bong bóng xì hơi như trong lịch sử?

Việc chỉ số VN-Index tái lập và vượt đỉnh lịch sử năm 2007 đã hâm nóng thị trường đầu tư tài chính trong tuần vừa qua. Tài sản của hàng chục tỷ phú liên tục tăng cao, hàng nghìn nhà đầu tư khác cũng “vỡ bẫm” theo đồ thị của “hàn thử biểu” VN-Index.

Trong bối cảnh vàng, USD ảm đạm, bất động sản đòi hỏi vốn lớn lại nhiều rủi ro thanh khoản, lãi suất ngân hàng thấp và cũng không thực sự là nơi trú ẩn quá an toàn cho tài sản, nhiều nhà đầu tư đang “sốt ruột” muốn hướng dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, sau khi tăng điểm lịch sử chứng khoán lại đối mặt với phiên lao dốc mạnh khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Theo phân tích của các chuyên gia Rồng Việt Securities, mặc dù VN-Index đã bứt phá thành công đỉnh lịch sử, tuy nhiên đa phần hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" vẫn diễn ra khi chỉ có số ít mã vốn hóa lớn tăng điểm, trong khi phần lớn cổ phiếu vẫn chìm trong sắc đỏ.

Đầu tư chứng khoán đòi hỏi phải có kiến thức và thông tin.

Do đó, phiên bán tháo hôm thứ sáu vừa rồi có lẽ chỉ là hệ quả tất yếu của nỗi lo điều chỉnh từ phần đông các nhà đầu tư. Tuy giảm sâu nhưng sau đó lực cầu mạnh dần lên và hấp thụ tốt lượng cung giá thấp.

Đây có thể chỉ là nhịp điều chỉnh thông thường và là cơ hội để giải ngân ở vùng giá thấp. Bản thân các nhà đầu tư nên tiếp tục tập trung sự chú ý vào các cổ phiếu dẫn dắt trong các ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và dầu khí trong thời gian tới đây.

Thực tế, dù tái lập đỉnh của năm 2007 - thời điểm mà nhà nhà chơi chứng khoán, người người chơi chứng khoán và “ai chơi cũng trúng”, nhưng so với cách đây 11 năm, thị trường đã phát triển một cách mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng.

Sự tăng trưởng của thị trường đều có nền móng vững chắc từ sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như sức khỏe của doanh nghiệp. Việc đầu tư cổ phiếu theo đó cũng có sự phân hóa: dù thị trường tăng, nhưng “lộc” không rải đều cho tất cả mà theo kiểu “nước chảy chỗ trũng”, người lãi vẫn lãi, mà người lỗ vẫn lỗ, không còn “cào bằng” như năm 2007.

Điều dễ nhận thấy là, thị trường tăng trưởng mạnh suốt thời gian qua chỉ nhờ những mã cổ phiếu Bluechip (Loại cổ phiếu blue chips (BCs) thường được hiểu là có thu nhập ổn định, cổ tức thấp và độ rủi ro thấp) và nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Và dòng tiền tiếp tục tập trung sự chú ý vào cổ phiếu vốn hóa lớn. Thị trường tiếp tục phân hóa mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu khi dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã đẩy định giá của nhóm này cao vượt trội so với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Bởi vậy, việc đầu tư cổ phiếu bây giờ chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, nắm bắt được thông tin thị trường. “Chứng khoán là kênh đầu tư đặc thù, đòi hỏi những người chơi phải có kiến thức và thông tin nên nó không dành cho những nhà đầu tư nghiệp dư nhảy vào theo phong trào”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, chỉ 1 năm về trước, rất nhiều người nghĩ về mốc đỉnh lịch sử của VN-Index là không tưởng, nhưng hôm nay đã là sự thật. Nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đã được cải thiện đáng kể trong 2 năm qua và chắc chắn năm nay thị trường chứng khoán sẽ là năm tốt nhất kể từ khi thành lập đến nay.

Ông Hưng phân tích, điều này mang đến cơ hội cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Với các doanh nghiệp có nền tảng bền vững, hoạt động minh bạch thì đây là cơ hội rất tốt để huy động vốn mở rộng quy mô phát triển, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhà nước bán bớt tỷ lệ sở hữu Nhà nước để tái cơ cấu hệ thống quản trị đưa doanh nghiệp lên tầng cao mới giống như VNM, REE, GMD, NSC... đã tận dụng được cơ hội trong quá khứ.

Nhưng đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp cần lưu ý tránh đi vào vết xe đổ của một số doanh nghiệp đình đám một thời huy động vốn dễ dàng trong khi đội ngũ cũng như hệ thống quản lý không đáp ứng được sẽ dẫn tới rủi ro sụp đổ.

Với nhà đầu tư, thực sự đây là lúc mà lòng tham sẽ dễ dàng được đẩy lên cao, nhiều cơ hội đầu tư kiếm lời trên thị trường chứng khoán chúng ta được nghe chào mời và tự nhìn thấy hàng ngày. Nhưng hãy lưu ý, thị trường chứng khoán vốn rất khắc nghiệt, mỗi người phải tự lựa chọn một nguyên lý quản lý rủi ro riêng cho mình, kinh nghiệm của những năm qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã chỉ ra người thành công là người kiểm soát rủi ro tốt nhất chứ không phải là người kiếm được nhiều nhất khi thị trường tăng.

“Tóm lại, năm nay là một năm có nhiều cơ hội cho tất cả các thành viên tham gia thị trường chứng khoán, nhưng cần có chiến lược rõ ràng để quản lý rủi ro, điều quan trọng nhất là biết hạn chế lòng tham”, ông Hưng khuyến nghị.

Lệ Thúy
.
.
.