Chưa thống nhất mức độ giảm bớt quy định về kinh doanh gas

Thứ Hai, 03/04/2017, 08:57
Sau 2 lần hội thảo với nhiều ý kiến tranh luận nảy lửa xung quanh dự thảo Nghị định về kinh doanh khí, Bộ Công Thương đã có tổng hợp các ý kiến để chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo chính thức. 


Theo đó, vấn đề “cởi” bỏ quy định đến đâu để người tiêu dùng không bị thiệt hại (khi phải mua bình gas với giá 350.000 đồng trong khi giá gốc chỉ 230.000 đồng) nhưng vẫn đảm bảo quản lý, chống cưa tai, mài bình, sang chiết lậu... vẫn còn chưa đi đến thống nhất.

Báo cáo kết quả hội thảo lấy ý kiến về Nghị định này lên Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Vụ Pháp chế cho biết: Các doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào 2 quan điểm trái chiều. Thứ nhất là ủng hộ các điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP hiện hành. 

Một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đã đầu tư điều kiện theo Nghị định 107 trước đây cho rằng các quy định của Nghị định số 19 là phù hợp; loại bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định 19 là “cởi quá đà”, sẽ làm cho ngành gas “loạn”, tình trạng gian lận (như: cắt tai, mài bình, sang chiết lậu…) diễn ra thường xuyên, trong khi đó, quy định mới chưa thể hiện được công cụ để kiểm soát, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 Đã đến lúc giảm bớt quy định để thị trường gas cạnh tranh hơn?

Mặt khác, DN cũng cho rằng kinh doanh khí là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nhà nước không cấm sáp nhập, vì vậy, các doanh nghiệp cần “bắt tay” để đáp ứng điều kiện tại Nghị định 19. Điểm đáng chú ý nhất là các DN này cho biết họ đã bỏ hàng trăm tỷ đồng đầu tư theo quy định cũ để đạt điều kiện kinh doanh, nếu loại bỏ hoặc giảm điều kiện như dự thảo hiện nay thì họ sẽ bị thiệt hại rất lớn; đồng thời, vai trò của Nhà nước cũng không rõ ràng nếu “cởi” bỏ các điều kiện kinh doanh tại Nghị định 19.

Luồng ý kiến thứ 2 là nhiệt liệt ủng hộ các điều kiện kinh doanh quy định tại dự thảo Nghị định, hoan nghênh Bộ Công Thương đã lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, có những phản ứng tích cực, kịp thời. Các doanh nghiệp này cho rằng thị trường đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp lớn, hệ thống phân phối đang được “bảo kê”. 

Việc quy định như dự thảo hiện nay tránh được tình trạng “lũng đoạn” khi giá gốc 1 bình gas là 230.000 đồng – 250.000 đồng, nhưng qua hệ thống phân phối đến tay người tiêu dùng lên đến 350.000 đồng – 370.000 đồng. Bên cạnh đó, việc bãi bỏ các quy định thương nhân kinh doanh khí phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. 

Các doanh nghiệp lớn sẽ không còn độc quyền, các trạm nạp, trạm cấp khí độc lập đang kinh doanh hợp pháp sẽ không phải đóng cửa hoặc bán lại, sáp nhập trạm cho các thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hoặc thương nhân phân phối khí. Các trạm nạp đang ký hợp đồng chiết nạp thuê cho các doanh nghiệp khác sẽ giảm nguy cơ phải bị phạt và bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do bất cập tại Nghị định 19.

Trước các luồng ý kiến này, Bộ Công Thương cho biết sẽ báo cáo Chính phủ đầy đủ, trung thực các ý kiến trong Tờ trình dự thảo Nghị định về kinh doanh khí. Theo dự kiến, ngày 10-4 tới, Bộ Công Thương sẽ gửi xin ý kiến các Bộ, ngành và các tổ chức có liên quan. Sau khi tổng hợp ý kiến, Ban Soạn thảo và Tổ biên tập sẽ họp thông qua dự thảo để gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào đầu tháng 5 và trình Chính phủ dự thảo Nghị định vào ngày 15-5. 

Tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ ra những điểm bất cập của Nghị định 19 hiện hành (cũng do Bộ này chủ trì, soạn thảo và mới có hiệu lực vài tháng). Đó là việc quy định điều kiện đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000m3 đối với LPG; 60.000m3 đối với LNG; 200.000 Sm3 đối với CNG, có số lượng chai LPG với tổng dung tích chứa tối thiểu 3.930.000 lít... là quá lớn gây khó khăn cho thương nhân trong quá trình tiếp cận đầu tư và duy trì điều kiện kinh doanh. Quy định thương nhân xuất, nhập khẩu khí sở hữu, đồng sở hữu cầu cảng là can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chưa phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp... 

Việc buộc các trạm nạp, trạm cấp khí phải thuộc “sở hữu” của thương nhân đầu mối và có sự phân biệt và gây khó khăn cho các trạm nạp, trạm cấp khí đã tồn tại độc lập kinh doanh hợp pháp, buộc các trạm này phải phá sản hoặc mua bán, sáp nhập cho các thương nhân đầu mối...

Nam Phương
.
.
.