Chủ nhà cho thuê kinh doanh gặp khó

Thứ Tư, 27/05/2020, 07:24
Mọi hoạt động xã hội đã trở lại bình thường, nhưng khác với cảnh nhộn nhịp mua bán ở những con phố sầm uất trước đây, không ít cửa hàng mở cửa trở lại như lấy lệ. Thậm chí sau cả tháng lệnh cách ly toàn xã hội được gỡ bỏ, nhiều cửa hàng chưa mở cửa trở lại. Cửa hàng không có khách, chủ cho thuê nhà cũng phải tìm mọi cách để thích nghi như miễn, giảm tiền thuê nhằm giữ chân khách thuê.


Chấp nhận miễn, giảm tiền thuê

Đang sở hữu hai địa điểm cho thuê kinh doanh trên phố Xuân Thủy và Trần Bình (Cầu Giấy), chị Nguyễn Thúy Vân (Vĩnh Phúc, Ba Đình) cho biết, nhìn cảnh buôn bán ế ẩm của khách thuê mà chị cũng sốt ruột thay. Tại cửa hàng của chị Vân đang cho thuê kinh doanh thời trang trên đường Xuân Thủy, từ đợt dịch đến nay đã nhiều lần khách thuê đề cập đến chuyện có thể sẽ phải trả lại nhà vì khó trụ vững.

“Mình là chủ nhà nhưng vẫn phải động viên khách cố gắng để vượt qua đợt khó khăn này. Hợp đồng tiền nhà ký năm một, nhưng để hỗ trợ cho khách mình cũng đã phải miễn 3 tháng tiền thuê đợt dịch vừa rồi. Nếu kinh doanh còn khó khăn thì sẽ tính toán cách thức hỗ trợ khác. Cũng phải hỗ trợ cho người ta vì họ là khách hàng lâu năm. Hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn này thì cả hai bên cùng có lợi”, chị Vân cho hay.

Trong khi đó, khu đất trên phố Trần Bình được chị Vân cho thuê để khách đầu tư mở quán bia hơi. Dù cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch, nhưng sau dịch, tình hình đã khả quan hơn nên cả khách thuê và chủ đất đều cảm thấy dễ thở hơn đôi chút.

Một trường hợp người thuê xả kho, trả cửa hàng trên phố Nguyễn Lương Bằng.

Ảnh hưởng của đại dịch đang khiến không ít chủ có nhà cho thuê rơi vào “thế khó”. Khi đầu tư để mua căn nhà trên phố Nguyễn Lương Bằng để cho thuê, chị Phạm Thúy Nga (Đống Đa) cũng phải vay thêm ngân hàng số tiền không nhỏ, trong khi khách thuê lại đang muốn trả lại mặt bằng.

“Khách thuê để mở cửa hàng điện gia dụng, nhưng kinh doanh ế ẩm nên vợ chồng tôi cũng đã hỗ trợ bằng cách giảm 50% tiền thuê nhà. Nếu kinh doanh còn khó khăn chúng tôi vẫn chấp nhận hỗ trợ, nhưng khách thuê vẫn muốn trả lại nhà nên chủ nhà cũng tiến thoái lưỡng nan do hiện nay tìm kiếm được khách thuê hợp lý là không đơn giản”, chị Nga chia sẻ.

Kinh doanh ế ẩm, tình trạng khách thuê trả lại mặt bằng đang rất phổ biến ở những địa điểm có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như khu vực trung tâm Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, trục đường Kim Mã, khu vực Cầu Giấy và Đống Đa.

Đây là những địa điểm thường được biết đến với tình trạng luôn hiếm mặt bằng cho thuê và giá thuê tương đối cao, nhưng đã có một lượng lớn khách thuê trả lại mặt bằng. Bên cạnh đó, chỉ cần dạo qua một vài website chuyên về cho thuê mặt bằng kinh doanh thì danh sách chủ nhà tìm khách thuê trong tháng 5, tháng 6 dài như vô tận nhưng vẫn không dễ tìm được khách thuê thời điểm này.

Chưa thể phục hồi ngày một ngày hai

Theo khảo sát của Savills Việt Nam (đơn vị chuyên về tư vấn, quản lý bất động sản) về khách thuê bán lẻ trong quý I/2020 cho thấy, 57% lượng người tham gia mong muốn chủ nhà giảm 40-50% giá thuê và 31% yêu cầu miễn giá thuê. Việc giảm giá quá nhiều cũng tạo sức ép lên chủ nhà.

Khảo sát cho thấy có sự miễn cưỡng đối với việc giảm giá thuê quá nhiều, phần lớn kiến nghị đưa ra các giải pháp hài hòa trong hỗ trợ về giá, về thanh toán và áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định.

Theo bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao dịch vụ cho thuê thương mại Savills Hà Nội, thực tế này là hệ quả của hai nguyên nhân chính, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của chủ thuê. “Khu vực trung tâm Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ thường được biết đến với tình trạng luôn hiếm mặt bằng cho thuê và giá thuê tương đối cao.

Tuy vậy, dịch bệnh COVID-19 đã khiến gần 50% số lượng khách thuê trả lại mặt bằng. Hơn nữa, lệnh đóng cửa, kiểm soát biên giới của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nguồn cung cấp hàng cho các hoạt động kinh doanh tại khu phố trung tâm, khiến cho việc tiếp tục bán là gần như không thể”, đại diện Savills Hà Nội nhận định.

Bà Trang cho rằng, trên khía cạnh vĩ mô về sự phát triển của thị trường bán lẻ sau dịch bệnh, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tình trạng kiểm soát COVID-19 của các nước trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là Trung Quốc. Việc xử lý dịch bệnh của những nước này sẽ tác động đến sự phục hồi thị trường bán lẻ trong nước. Nếu nguồn hàng và việc kiểm soát dịch bệnh tại đây vẫn chưa đạt được mức độ an toàn tuyệt đối, bất động sản thương mại vẫn sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian không thể tính theo ngày, mà theo tháng.

Mới đây, theo khảo sát nhanh với gần 200 khách thuê mặt bằng bán lẻ để đo lường phản ứng của thị trường trước dịch COVID-19 của CBRE, kết quả cho thấy 79% khách thuê tham gia khảo sát lo ngại môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ xấu hơn. Bên cạnh đó, 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10% đến 30% trong năm 2020, 61% khách thuê cho biết chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà và 27% hy vọng được chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng từ COVID-19.

Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc CBRE Việt Nam, không giống như các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản cần thời gian dài hơn để nhìn thấy những tác động đáng kể do dịch bệnh. Thị trường sẽ chứng kiến sự sụt giảm hơn nữa về giá thuê trong 3-6 tháng tới đây.

Phan Hoạt
.
.
.