Chủ động chuẩn bị nguồn hàng để tránh tăng giá đột biến

Thứ Hai, 08/01/2018, 08:46
Nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm Tết Nguyên đán 2018 dự kiến tăng từ 10-15% so với các tháng thường trong năm, ngay từ thời điểm này, nhiều doanh nghiệp phân phối và các đơn vị bán lẻ đã dự trữ hàng hóa nhằm chủ động về giá và nguồn hàng.


Để tránh đầu cơ găm hàng trục lợi, tăng giá đột biến, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ nhu cầu dân sinh đón Tết. Đây cũng là lúc mà thực phẩm bẩn, thực phẩm nhập lậu tuồn vào tiêu thụ mạnh nhất trong năm.

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Mặt hàng Tết năm nay phong phú về chủng loại và chất lượng, từ bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát đến các các loại thực phẩm thiết yếu và đồ khô. 

Một số doanh nghiệp phân phối đã tăng sản lượng sản xuất từ 10-20% so với dịp Tết năm trước với hy vọng nhu cầu tiêu dùng Tết năm nay sẽ tăng. Đây cũng là thời điểm mà một số doanh nghiệp đang chạy nước rút trong việc sơ chế nguồn hàng, tìm đại lý bán lẻ nhằm hạn chế tăng giá thành.

Người dân ở Tân Sơn (Phú Thọ) nuôi gà nhiều cựa cung cấp cho thị trường Tết.

Theo Công ty cổ phần Sài Gòn food thì để chuẩn bị cho Tết, công ty đã sản xuất hơn 800 tấn thành phẩm với 16 sản phẩm mới. Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Việt Nam ngay từ giữa năm đã triển khai chuẩn bị nguyên vật liệu, dự kiến đưa ra thị trường hơn 3.000 tấn thịt lợn và thịt bò tươi sống, tăng 30% so với năm trước; hơn 3.500 tấn thực phẩm chế biến các loại, tăng 15% so với Tết năm ngoái với tổng giá trị hàng hóa hơn 650 tỷ đồng. 

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Sơn (Phú Thọ), năm nay 1.300 hộ dân nuôi gà nhiều cựa ở huyện Tân Sơn sẽ cung ứng ra thị trượng một lượng gà nhiều cựa tương đối lớn, tăng hơn so với năm ngoái. Gà nhiều cựa Tân Sơn là giống gà quý, hiếm, không chỉ ngon mà nó còn được dùng để biếu và cúng ông bà tổ tiên vào đêm giao thừa và mùng 1 Tết để có thêm nhiều may mắn.

Dạo quanh một vòng ở thị trường Hà Nội, chúng tôi được một số tiểu thương cho biết, lo sợ thời điểm cận Tết nhiều mặt hàng tăng giá nên từ 2 tháng trước họ đã đặt hàng để dự trữ bán Tết. 

Chị Nguyễn Thị Oanh ở chợ Bưởi cho biết, các mặt hàng khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương do đặt hàng sớm nên không tăng giá. “Mình toàn bán cho khách quen nếu Tết mà tăng giá cao quá ngày thường khách bỏ chạy hết nên phải đặt buôn trước. Chính vì vậy mà năm nào nhà mình cũng đắt hàng”. 

Các doanh nghiệp bán lẻ, chợ, siêu thị cũng đã chuẩn bị hàng hóa Tết với mục đích không để thiếu hàng, chống nâng giá, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội thì công ty đã dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như gà, thịt bò, trứng, hải sản… với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước. Tết năm nay, Hapro phục vụ tại bán hàng tại 77 điểm bán lẻ của Hapro, 22 phiên chợ hàng Việt Nam và 100 chuyến bán hàng ở nông thôn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương việc bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017, Sở Công Thương Hà Nội đã chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán với tổng giá trị hàng hóa khoảng 26 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Hà Nội sẽ cung ứng trên 193 nghìn tấn gạo, 50 nghìn tấn thịt lợn, 14 nghìn tấn thịt gà, 13 nghìn tấn thịt bò và 200 triệu quả trứng giá cầm cho Tết. Để người tiêu dùng mua hàng đúng giá, đúng chất lượng, TP Hà Nội và các doanh nghiệp bán lẻ tổ chức bán hàng Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm.

Theo ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) thì địa bàn Hoàn Kiếm tập trung nhiều điểm bán buôn, bán lẻ hàng hóa phục vụ Tết. Năm nay, hàng hóa có xuất xứ trong nước chiếm lĩnh thị trường, nhất là bánh kẹo. 

Những năm trước, bánh kẹo của Trung Quốc còn xuất hiện trên thị trường, nhưng năm nay bày bán rất ít. Tuy nhiên, bánh kẹo, rượu bia, mứt Tết và một số lương thực, thực phẩm thiết yếu không rõ nguồn gốc, nhập lậu vẫn có nhiều khả năng đưa vào thị trường, vì vậy Đội Quản lý thị trường số 2 đang tập trung triển khai kiểm tra, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm.

Trần Hằng
.
.
.