Chăn nuôi gia cầm còn tình trạng mất cân đối cung cầu

Chủ Nhật, 14/04/2019, 01:25
Thông tin trên được đưa ra tại “Hội nghị Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gia cầm” để bàn các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi gia cầm trong giai đoạn hiện nay do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 12-4.

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết: Theo số liệu thống kê của ba năm (2016-2018) thì tổng sản lượng thịt gia cầm chiếm 17,5-19% so với tổng sản lượng thịt các loại, tăng trưởng bình quân qua ba năm đạt 6,83%. Thịt gà tăng trưởng bình quân 6,46%, trong đó thịt gà nuôi công nghiệp tăng 8,89%. Thịt thủy cầm tăng cao tới 8,09% trong đó thịt vịt tăng 8,75%, ngan tăng trưởng bình quân 5,49%, ngỗng tăng trưởng cao nhất là gần 22%. 

Sản lượng thịt gia cầm đạt gần 1,1 triệu tấn, thịt gà gần 840 nghìn tấn chiếm 76,5%, thịt thủy cầm gần 258 nghìn tấn chiếm 23,5%. Chăn nuôi gia cầm đã tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến cả về con giống và trang thiết bị, để cho ra những sản phẩm có chất lượng. 

Mặc dù vậy, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận, chăn nuôi gia cầm còn hạn chế trong liên kết sản xuất, còn tình trạng mất cân đối cung - cầu do chăn nuôi nông hộ còn nhiều, giá thành sản phẩm còn cao, dịch bệnh luôn đe dọa.

Tìm giải pháp để thúc đẩy chăn nuôi gia cầm phát triển.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, với dân số 97,2 triệu người (năm 2019) và nền kinh tế tăng trưởng ổn định, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng của chăn nuôi gia cầm. So với các nước trong khu vực, Việt Nam tiêu thụ thịt gà ở mức chưa nhiều và còn có xu hướng tăng cao. Mặt khác, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, sản lượng tiêu thụ trứng gà của người dân Việt Nam còn rất thấp, chỉ ở mức 89 quả/người/năm. 

Trong khi đó ở các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia sản lượng này ở mức 125-340 quả/người/năm. Người Israel ăn trứng nhiều nhất thế giới, trung bình là 404 quả/người/năm. Ngoài ra, ngành sản xuất bánh kẹo, thực phẩm chế biến trong nước cũng đang phát triển, đẩy tăng nhu cầu trứng gia cầm các loại. Các dự báo cũng cho thấy, việc sản xuất và tiêu thụ trứng sẽ tăng mạnh trong những năm tới vì Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng và hội nhập nhanh vào nền kinh tế quốc tế. Đó chính là cơ hội lớn để đẩy mạnh ngành chăn nuôi gia cầm vươn ra thị trường thế giới.

Tại hội nghị, các tham luận của đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy sản xuất và hướng đến xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Cụ thể, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho hay, việc kiểm soát tốt dịch cúm gia cầm và xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh là hết sức quan trọng.

Ngoài ra, cần tổ chức kiểm soát các vi sinh vật khác, loại bỏ các chất tồn dư độc hại trong sản phẩm để đảm bảo y êu cầu nhập khẩu của các nước, đặc biệt là các nước khó tính như Nhật Bản, Australia, Singapore. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH De Heus đề xuất, đầu tiên phải xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh và có các cơ chế phù hợp bảo vệ những trang trại chăn nuôi, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn đối với những nhà nhập khẩu của các nước.

Trước các ý kiến nói trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến định hướng rõ, để phát triển ngành chăn nuôi gia cầm, trước mắt, cần phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao như: trứng muối, thịt gà, thịt vịt đã qua chế biến nhiệt (thí dụ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước ASEAN). Tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn có chứng nhận chất lượng. 

Đồng thời cần đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm đi các thị trường trên thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm (Koyu United, CP...). Đồng thời tiếp tục mở thị trường và xuất khẩu sản phẩm gia cầm vào các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines…

Nhật Uyên
.
.
.