Cạnh tranh hàng ngoại tại thị trường nội địa

Thứ Hai, 17/05/2021, 07:55
Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu (XK) được hưởng ưu đãi thuế quan. Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ các nước này nhập khẩu (NK) vào Việt Nam cũng được hưởng thuế suất ưu đãi. Việc hàng ngoại nhập ồ ạt vào thị trường nội địa đã tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa hàng Việt và hàng NK để giành thị phần...

Với Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% số dòng thuế NK, tương đương 64,5% kim ngạch XK của EU ngay khi EVFTA có hiệu lực (ngày 1/8/2020). Tiếp đó, sau 7 năm là 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch XK từ EU sẽ được miễn thuế. 

Tương tự, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)... Việt Nam cũng cam kết giảm thuế hàng loạt mặt hàng theo lộ trình đối với hàng hóa NK từ các nước. Theo ghi nhận thị trường bán lẻ, ngoài hàng Việt là chủ lực thì hàng ngoại đang chiếm thị phần lớn tại thị trường nội địa là hàng Thái Lan. Hàng Thái Lan có ở các hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống... và người tiêu dùng (NTD) Việt cũng khá ưa chuộng.

Chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ quận 7) cho rằng, hàng Thái nổi tiếng với hàng mỹ phẩm. Chị sử dụng mỹ phẩm Thái từ nhiều năm nay. Lúc trước hàng Thái chưa bán nhiều tại Việt Nam, chị sử dụng chủ yếu mỹ phẩm Thái xách tay. Hiện nay thì có nhiều cửa hàng, siêu thị mini chuyên bán mỹ phẩm với các thương hiệu nổi tiếng của Thái nên chị mua trực tiếp, giá khá mềm, tương đương với hàng Việt giá chỉ từ 30.000 đồng.

Hàng ngoại bán tại các hệ thống phân phối.

Nắm bắt tâm lý NTD Việt nên nhiều nhà đầu tư Thái đã “thâu tóm” thị trường bán lẻ Việt Nam. Hiện, sản phẩm Thái đã chính thức bước vào thị trường Việt Nam thông qua các kênh như siêu thị MegaMarket, Big C, hệ thống cửa hàng tiện lợi Bmart, Robinson... NTD kỳ vọng, với Hiệp định RCEP ký kết tháng 11/2020, gồm 15 nước tham gia, trong đó có Thái Lan thì thời gian sắp tới, hàng NK từ Thái Lan vào Việt Nam sẽ được giảm giá do được hưởng ưu đãi thuế nhưng các DN trong nước lại lo ngại khi hàng Thái Lan giá rẻ sẽ cạnh tranh gay gắt với hàng Việt ngay tại “sân nhà”.

Không chỉ hàng Thái, nhiều loại nông sản, thực phẩm từ EU có giá rẻ bất ngờ cũng đổ vào thị trường nội địa được NTD Việt ưa chuộng. Tại siêu thị Big C, táo Gala, táo Delicious (Pháp) giá chỉ 35.900 đồng/kg, có khi giảm chỉ còn 29.900 đồng/kg, được tiêu thụ khá mạnh. Tại các hệ thống siêu thị, các cửa hàng chuyên bán hàng NK, rất nhiều thương hiệu sữa tươi NK từ EU cạnh tranh gay gắt trên thị trường như: Sữa tươi Silena (Pháp) giá 29.000 đồng/hộp 1L, sữa tươi Promess (Pháp) giá 30.000 - 31.000 đồng/hộp1L, sữa tươi Mlekovita (Ba Lan) giá 26.000 đồng/hộp 1L… giá này bằng hoặc thấp hơn sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước…

Thực tế cho thấy, tâm lý sính ngoại của NTD Việt vẫn còn khá phổ biến, trong khi đó không ít sản phẩm Việt chưa chinh phục NTD bằng chất lượng. Chính vì vậy, với việc giảm thuế đối với số lượng lớn hàng NK trong thời gian tới, NTD sẽ được hưởng lợi nhất, đặc biệt là hàng xuất xứ EU nổi tiếng về chất lượng và đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Trong khi đó, nhiều DN trong nước lo ngại vì áp lực cạnh tranh, bởi hơn 90% DN Việt Nam là nhỏ và vừa. Lo ngại nhất đó là các DN Thái “bắt tay” với các hệ thống phân phối trong nước do người Thái làm chủ để giảm giá sâu nhiều mặt hàng nhằm chiếm thị phần nội địa.

Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Bột Mì (Vikybomi) khẳng định: “Đối thủ chính của Vikybomi hiện nay là các DN đến từ Thái Lan có cùng dòng sản phẩm làm từ bột mì”. Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Phát nhìn nhận: “Với hàng NK giảm thuế, phần lớn là hàng nông sản, thủy sản, đó là những ngành hàng lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các DN là nhỏ, vừa, thậm chí siêu nhỏ nên rất cần được hỗ trợ nguồn vốn vay để DN đầu tư máy móc, nghiên cứu thị trường, để tăng khả năng cạnh tranh với hàng NK”.

Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của đề án là giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ hơn 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% các kênh phân phối truyền thống. Nhiều NTD cho rằng, để NTD tiêu thụ mạnh mẽ hàng Việt thì song song thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì DN cũng cần sản xuất ra sản phẩm chất lượng để “Hàng Việt Nam chinh phục NTD Việt Nam”. Có như vậy hàng Việt mới cạnh tranh được với hàng ngoại ngay tại “sân nhà”.

T.Hà - T.Giang
.
.
.