Cạnh tranh bình đẳng để khu vực tư nhân có thể lớn mạnh

Thứ Bảy, 12/11/2016, 06:27
Các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mặc dù đã cổ phần hóa và thoái vốn khá mạnh trong thời gian gần đây, song quy mô vẫn còn rất lớn và vẫn đang hấp thu phần lớn nguồn lực của đất nước, từ đó tạo ra sự chèn ép, lấn át khu vực tư nhân khiến khu vực này vốn đã ọp ẹp lại càng trở nên khó khăn do thiếu nguồn lực để phát triển...


Nhiều nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra một thực trạng rất đáng lo ngại. 

Đó là khu vực Nhà nước, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mặc dù đã cổ phần hóa và thoái vốn khá mạnh trong thời gian gần đây, song quy mô vẫn còn rất lớn và vẫn đang hấp thu phần lớn nguồn lực của đất nước, từ đó tạo ra sự chèn ép, lấn át khu vực tư nhân khiến khu vực này vốn đã ọp ẹp lại càng trở nên khó khăn do thiếu nguồn lực để phát triển.

Theo số liệu thống kê của CIEM, tính riêng 781 doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước năm 2014 thì tổng tài sản đã hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn, Tổng công ty và công ty mẹ - con chiếm 90%.

Còn nếu tính toàn bộ các DN có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn sở hữu lên đến 5.408 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 257 tỷ USD, cho thấy một nguồn lực rất lớn vẫn đang nằm trong tay DNNN với tỷ lệ sở hữu vốn của nhà nước trong DN vẫn rất lớn.

Tạo dựng sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp có thể phát triển.

Không chỉ có vậy, dòng tiền và vốn đầu tư vẫn đổ mạnh vào khu vực nhà nước khiến vốn tín dụng cho tư nhân bị thu hẹp, giá vốn vay tăng cao, hạn chế rất lớn tới cơ hội tiếp cận tín dụng của khu vực này.

Tại báo cáo nghiên cứu về chính sách cạnh tranh của Việt Nam vừa công bố, TS Đặng Quang Vinh, Nghiên cứu viên CIEM một lần nữa đã chỉ ra rằng, DNNN hiện còn chiếm rất nhiều lợi thế từ độc quyền kinh doanh nhiều lĩnh vực trọng yếu trong nền kinh tế, tiếp cận và được phân bổ phần lớn nguồn lực vốn, đất đai, đồng thời lại được nhà nước bảo hộ, không phải cạnh tranh quốc tế, trong khi đó, khu vực tư nhân vẫn đang gặp rất nhiều rào cản, khó khăn trong gia nhập thị trường.

Ông Vinh dẫn các số liệu khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015 cho thấy, 30% doanh nghiệp tư nhân cho biết, việc chính quyền địa phương ưu ái DNNN gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của họ, nhất là trong lĩnh vực khai khoáng và xây dựng.

Sự tham gia của DNNN làm cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) khó tiếp cận tín dụng hơn. Xét về gia nhập thị trường, các DNTN đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với nhiều rào cản và hạn chế cạnh tranh với hơn 267 ngành kinh doanh cần được cấp phép và thủ tục cấp phép thực tế thường rất phức tạp và tốn kém.

TS. Warren Mundy, Ủy viên Hội đồng Ủy ban năng suất, chuyên gia tư vấn về cạnh tranh của Australia cho rằng, đối với trường hợp cụ thể ngành điện của Việt Nam, điện là lĩnh vực đặc thù đòi hỏi đầu tư lớn,  nên quy mô DN hoạt động trong ngành này cũng lớn, từ đó sẽ hạn chế số DN tham gia.

Cần nhận thức rõ đặc điểm đó để xây dựng chính sách cạnh tranh hợp lý và giảm độc quyền tự nhiên nhà nước trong lĩnh vực này. Điểm mấu chốt ở đây không phải là DN cạnh tranh với nhau mà trọng tâm là lợi ích người tiêu dùng và các ngành kinh tế được hưởng từ ngành này.

Theo đó lợi ích tổng thể cần có được là nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao năng lực trạnh tranh của các ngành thương mại, tái phân bổ vốn công đến các khu vực khác, từ đó gián tiếp tạo cơ hội cho khu vực tư nhân được tham gia và hưởng lợi cũng như mang lại kết quả tốt hơn cho người tiêu dùng.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển cho rằng, để thực hiện được thị trường cạnh tranh lành mạnh thì vai trò quản lý trung lập bình đẳng rất quan trọng. 

Xét trên góc độ cạnh tranh giữa các khu vực DN, để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng thì DNNN phải chịu sự điều chỉnh về cạnh tranh, về môi trường, như các DN khác, không được ưu đãi khi tham gia các hoạt động mua sắm chính hoặc các thỏa thuận thương mại, không được quy định có các hoạt động của mình, phải bị quản lý và cũng sẽ bị phạt bị khiếu kiện như các DN khác.Nhà quản lý và lãnh đạo DN cũng phải bị phạt như các giám đốc trong khu vực kinh tế tư nhân. 

Theo các chuyên gia thuộc Cơ quan cạnh tranh của Australia, để khắc phục sự chèn lấn của DNNN tới khu vực tư nhân thì không có cách nào khách cần tạo dựng được sân chơi cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN với DNTN, từ đó mới giúp thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh.

TS. Đặng Quang Vinh cũng chia sẻ quan điểm này khi đưa ra đề xuất cần tạo dựng sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp; cải cách thể chế về gia nhập thị trường, giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; loại bỏ các rào cản không cần thiết trong các ngành còn lại…

L.Hiệp
.
.
.