Cần liên kết tìm đầu ra cho sữa ong

Chủ Nhật, 02/07/2017, 11:56
Với lợi thế đặc biệt về điều kiện tự nhiên, nghề “lừa ong lấy sữa” ở Lâm Đồng đang phát triển rất mạnh, tập trung nhiều nhất là huyện Đức Trọng và Lâm Hà.

Nghề chăn nuôi ong mật để lấy sữa mới chỉ thực sự phát triển nhanh tại Lâm Đồng trong vài năm trở lại đây khi nhu cầu sử dụng sữa ong để làm đẹp và tăng cường sức khỏe trên thị trường tăng mạnh.

Anh Trần Văn Phùng, một hộ chăn nuôi ong lấy sữa ở xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng cho biết, cách đây ít năm, thấy một số gia đình trong xã chăn nuôi ong lấy sữa cho thu nhập cao, gia đình anh đã đầu tư 300 triệu đồng mua hơn 100 thùng ong giống về lập trang trại nuôi ong lấy sữa.

Theo anh Phùng, kỹ thuật chăn nuôi ong lấy sữa không phức tạp, so với nghề trồng trọt hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm, nghề nuôi ong lấy sữa ít vất vả hơn. Đàn ong cho sữa quanh năm nên “tiền lúc nào cũng rủng rỉnh”.

Theo chị Trần Thị Thu Vân, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, thực tế chi phí đầu tư để chăn nuôi ong lấy sữa không cao, trung bình mỗi bọng ong giống có giá khoảng 2,5 triệu đồng.

Người chăn nuôi ong lấy sữa lập tổ hợp tác cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp.

Lâm Đồng với điều kiện tự nhiên ưu đãi nên nguồn thức ăn của ong ngoài tự nhiên gần như quanh năm nên tốn rất ít chi phí mua thức ăn cho ong. Nuôi ong lấy sữa cũng ít khi bị dịch bệnh, người chăn nuôi không phải sử dụng các loại hóa chất. Mỗi bọng ong chỉ sau vài tháng cho lấy sữa là có thể thu hồi được vốn. Đó là chưa kể tiền thu về từ việc nhân giống đàn ong để bán.

Tuy nhiên, ít năm gần đây, chỉ tính riêng huyện Lâm Hà và Đức Trọng, theo thống kê sơ bộ đã có gần 1.000 hộ chăn nuôi ong lấy sữa, khi nguồn cung dồi dào thì sản phẩm lại bị thương lái ép giá, đó là chưa kể sữa ong chúa có xuất xứ từ Trung Quốc cũng trà trộn vào với mác “sữa ong chúa Đà Lạt” khiến cho sản phẩm này có thời điểm rớt giá thê thảm.

Ông Nguyễn Thế Toàn, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng cho biết, vào thời điểm giá sữa ong chúa xuống thấp, có khi chỉ 400.000 đồng/lit gia đình ông đã mua tới 2 tủ lạnh để cất trữ sữa ong chờ cho giá sữa ong lên hoặc thương lái tới mua.

“Khi sữa ong xuống thấp, thương lái õng ẹo, chúng tôi phải cầu cứu họ mua với giá rẻ. Dù giá rẻ những vẫn phải bán tháo vì để lâu sợ sữa ong sẽ bị giảm chất lượng!..”-ông Toàn chia sẻ.

Từ năm 2014, hàng chục gia đình chăn nuôi ong lấy sữa tại xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng đã liên kết lại với nhau thành tổ hợp tác sản xuất. Bên cạnh việc giữ ổn định giá cả sản phẩm, chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi, nâng cao chất lượng sữa ong, tổ hợp tác này còn ký kết cung cấp sản phẩm sữa ong chúa lâu dài cho Công ty TNHH Lộc Phát Đà Lạt với giá cao, ổn định.

Nói về sự liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nghề nuôi ong lấy sữa ở Lâm Đồng phát triển mạnh và được doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân là hướng đi tích cực, tạo đà cho việc phát triển bền vững, lâu dài cho nghề nuôi ong.

Theo ông Sơn, đây là mô hình tốt, cần phải nhân rộng, không chỉ trong nghề chăn nuôi ong lấy sữa mà cần phải mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác trong hoạt động sản xuất nông nghiệp để đảm bảo sản phẩm người nông dân làm ra không bị tiểu thương ép giá như nhiều sản phẩm trong những năm qua.

Kim Ngân
.
.
.