Các nhà bán lẻ “nội” và “ngoại” cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Việt Nam

Thứ Năm, 08/11/2018, 09:42
Tại hội thảo xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam từ 2018-2020, tổ chức ngày 7-11 tại TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia trong và ngoài nuớc nhận định, ngành bán lẻ của Việt Nam là một trong những ngành hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp (DN) nước ngoài vào đầu tư.

Hiện, thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang cạnh tranh hết sức khốc liệt và chuyển mình theo xu hướng thế giới. Vì vậy, các nhà bán lẻ trong nước cần nhìn nhận để có thể định vị mình trên bản đồ bán lẻ Việt Nam cũng như nhanh chóng cập nhật xu hướng bán lẻ quốc tế.

Theo bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc đối tác nhà bán lẻ của Nielsen, xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam chỉ số niềm tin của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam ngày càng chi tiêu hơn vào các nhóm hàng điện tử tiêu dùng, dược phẩm, du lịch, bất động sản… điều đó cho thấy xu hướng nâng tầm cuộc sống.

Việt Nam vẫn là thị trường nổi bật, phần lớn là bán lẻ truyền thống. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ của kênh bán lẻ với 26% thị phần, tốc độ tăng trưởng 11,8%. Còn bán lẻ truyền thống chiếm 76% nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%.

Hội thảo bán lẻ tổ chức ngày 7-11, thu hút các công ty nghiên cứu thị trường, diễn giả quốc tế và hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Nói về “cuộc đua” thị phần của các nhà bán lẻ ngoại và nhà bán lẻ nội tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpaner Việt Nam cho biết: Các nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam rất sớm, nhưng mô hình siêu thị và đại siêu thị của các nhà bán lẻ nước ngoài (Big C, Lotte Mart, Aeon, MM Mega Market) cộng lại, số lượng chưa bằng Co.op Mart (Co.op Mart hiện có 100 siêu thị tại Việt Nam, trong khi các nhà bán lẻ của nước ngoài cộng lại con số chỉ có vài chục).

Các nhà bán lẻ của nước ngoài đi vào thị trường Việt Nam chủ yếu bằng mô hình cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi và đại siêu thị. Như vậy, trong bối cảnh cạnh tranh, các nhà bán lẻ nội và ngoại đã tập trung nhiều ở phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini.

Một điều thú vị là từ trước giờ chúng ta nói các nhà bán lẻ ngoại phát triển rất mạnh tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện thời thị phần kênh bán lẻ đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh, chuỗi bán lẻ nội chiếm 73% và 27% là chuỗi ngoại. Như vậy, các nhà bán lẻ nội vẫn chiếm thị phần khá cao là 3 /4, trong khi các nhà bán lẻ ngoại chỉ chiếm 1/4. Khoảng 3 năm gần đây, các nhà bán lẻ nội vẫn duy trì được thị phần hàng tiêu dùng nhanh phân phối cho người tiêu dùng (NTD), tăng từ 72% (năm 2016) lên 73% (năm 2017).

Phân tích về động lực tăng trưởng của DN bán lẻ ngoại tại thị trường Việt Nam, các chuyên gia cho rằng: Các DN ngoại đã có những bước thâm nhập rất bài bản. Họ tập trung vào mô hình các cửa hàng tiện lợi với nhiều tiện ích cho nhu cầu của NTD Việt Nam; mô hình bán lẻ đa kênh tích hợp, tức là làm sao NTD tới bất cứ cửa hàng nào của họ đều có trải nghiệm mua sắm.

Ví dụ như Aeon, phát triển mô hình thương mại phức hợp; Emart, Lotte Mart phát triển mô hình đại siêu thị, cộng mua hàng online với app mua hàng, website. Họ thực hiện theo chiến lược tích hợp các mô hình mua sắm đa kênh cho NTD. Mặt khác, hàng ngoại nhập và hàng nhãn riêng; thực hiện những chương trình dành ưu đãi cho NTD, như làm thẻ thành viên dành cho khách hàng...

Trước áp lực cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ nội và ngoại tại thị trường trong nước, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Coop (SGC) cho biết, nhà bán lẻ ngoại tập trung vào đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, còn SGC tập trung nhiều vào mảng siêu thị và siêu thị mini. Theo số liệu của các đơn vị nghiên cứu, tư vấn độc lập, hiện mảng siêu thị SGC chiếm khoảng 98% thị phần, riêng cửa hàng tiện lợi Co.op Smile, Cheers cũng xuất hiện hai năm gần đây và đang trong quá trình chỉnh sửa để phục vụ khách hàng tốt hơn. Mảng đại siêu thị hiện nay sân chơi thuộc về các tập đoàn nước ngoài, SGC chưa định hình mình phát triển mảng đại siêu thị vì tiềm lực tài chính có giới hạn.

“Để bắt kịp, SGC đang từng bước áp dụng công nghệ mới trong các quá trình quản trị, vận hành, đã cho chạy thử nghiệm website thương mại điện tử và sẽ ra mắt trong vài tháng tới; áp dụng các app mới sử dụng trên ĐTDĐ và đầu tư vào trung tâm dữ liệu để phòng hờ tình trạng sập mạng, hỗ trợ khâu phân tích dữ liệu khách hàng không bị gián đoạn; tích hợp, kết nối các phần mềm đang ứng dụng trong hệ thống với nhau hướng tới sự hợp nhất số liệu”, ông Dũng chia sẻ.

Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Jason Moy, Giám đốc điều hành của Công ty Boston Consulting Group (BCG) Singapore cho rằng, bán lẻ thế giới và bán lẻ Việt Nam đều thay đổi rất nhanh. Nhà bán lẻ cần tập trung vào tiếp thị số và các ứng dụng bán hàng online. Đây là xu hướng chung giúp nhanh chóng tiếp thị đến cho khách hàng những cái họ muốn, làm cho những trải nghiệm dễ dàng hơn và thuận tiện hơn.

Thúy Hà
.
.
.