Bức tranh thị trường lao động:

Thất nghiệp dài hạn tăng mạnh

Thứ Bảy, 06/04/2019, 08:12
Đây là nhận định được đưa ra trong Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam do Bộ LĐ- TBXH và Tổng cục Thống kê công bố sáng 4- 4. Theo thông tin này, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Đáng chú ý nhất là việc số người thất nghiệp dài hạn (thất nghiệp 12 tháng trở lên) có tỷ lệ rất cao, chiếm 34,42% tổng số người thất nghiệp và hiện vẫn đang tăng qua từng quý.

Thu nhập của người lao động tăng

Một trong những điểm sáng của thị trường lao động thời gian qua là hơn 54,5 triệu người có việc làm đến hết quý 4/2018, tăng gần 500 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong số lao động có việc làm, tỷ trọng nam chiếm hơn 52%, khu vực thành thị chiếm 33%. Cả nước hiện có khoảng 24 triệu người làm công hưởng lương.

Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động, xã hội, điểm nhấn đáng chú ý là thu nhập của người lao động có sự tăng trưởng đều đặn. Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương là 5,88 triệu đồng, tăng gần 100 nghìn đồng theo quý và tăng gần 500 nghìn đồng so với năm trước.

Lao động thất nghiệp dài hạn đang có xu hướng tăng lên. Ảnh minh họa: CTV

“Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong hầu hết các ngành đều tăng, đặc biệt ở những ngành có nhiều lao động làm việc như: sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, ngành sản xuất điện tử, thiết bị điện… Cũng có một số ngành có thu nhập bình quân tháng giảm như: khai khoáng, nông nghiệp, dệt nhưng chỉ là giảm so với bình quân quý trước đó. Nếu tính theo năm thì thu nhập của người lao động ở các ngành này vẫn có sự tăng trưởng”, ông Vinh cho biết.

Một điểm đáng chú ý nữa cũng cần được nhắc đến là tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm cũng có những tín hiệu tích cực. Thất nghiệp giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Thất nghiệp ở nhóm lao động có “trình độ đại học trở lên” giảm mạnh. Tính đến nay, thất nghiệp ở nhóm có trình độ “đại học trở lên” có khoảng 136 nghìn người, giảm so với quý trước 16 nghìn người.

Trong khi đó, nhóm có trình độ “trung cấp” thất nghiệp giảm rất ít và vẫn đang ở con số gần 70 nghìn người thất nghiệp. Tuy vậy, nhóm có trình độ “cao đẳng” và “sơ cấp nghề” thì trong tình trạng ngược lại. Nhóm có trình độ “cao đẳng” thất nghiệp tăng hơn 6 nghìn người, ở mức 81,4 nghìn người thất nghiệp và nhóm “sơ cấp nghề” hiện cũng có hơn 27 nghìn người thất nghiệp, tăng 1,6 nghìn người.

Hy vọng thất nghiệp dài hạn giảm vào quý 4/2019

Mặc dù tình trạng thất nghiệp được cải thiện nhưng số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) lại tăng cao, chiếm 34,42 trong tổng số người thất nghiệp. Theo ông Đào Quang Vinh, đây là một nét “chấm đen” trong bức tranh chung về thị trường lao động Việt Nam hiện nay. Ông Vinh lý giải, nguyên nhân tăng tỷ lệ này là do những người thất nghiệp khi quay trở lại thị trường lao động thì phải đáp ứng được nhiều yếu tố khác nên họ phải tham gia đi học thêm. Do thời gian đi học dài làm cho tỷ lệ thất nghiệp dài hạn tăng lên.

Bên cạnh đó, bản thân thị trường lao động hiện nay đang có sự thay đổi về yêu cầu nên có sự cạnh tranh giữa người bị mất việc làm và người mới tham gia thị trường lao động. Bên cạnh đó, cũng cần phải nghiên cứu sâu hơn về vai trò của các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm trong việc hỗ trợ cho người thất nghiệp có điều kiện tiếp cận được các thông tin về việc làm, biết được các nhu cầu tuyển dụng để xin việc, để có câu trả lời thỏa đáng hơn cho xu hướng thất nghiệp dài hạn đang tăng lên này.

Lao động thất nghiệp dài hạn đang có xu hướng tăng lên.

Theo ông Đào Quang Vinh, từ nay đến cuối năm 2019, lỷ lệ thất nghiệp dài hạn này có giảm được hay không chưa thể dự báo được. “Nếu nhìn theo xu hướng, trong suốt 4 quý vừa rồi thì tỷ lệ này tiếp tục tăng. Nếu nhìn theo thực tiễn, tôi cho rằng quy trình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tốt hơn, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm đang có những bước củng cố, mở rộng hệ thống dịch vụ, tăng cường về chất lượng, cũng như hệ thống thông tin về thị trường lao động đang tốt lên. Kết nối về cung cầu tốt hơn, hy vọng đến cuối 2019 tỷ lệ lao động thất nghiệp dài hạn sẽ giảm xuống. Có thể một trong hai quý tới chưa giảm nhưng đến quý 4 của năm 2019 thì hy vọng sẽ có xu hướng đảo chiều”, ông Vinh nói.

Đang lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo

Cũng tại buổi thông tin cập nhật về thị trường lao động, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, lao động qua đào tạo hiện nay là hơn 22%, tương ứng với khoảng 400- 500 nghìn người có bằng cấp, chứng chỉ tăng thêm mỗi năm từ 2014 đến nay. Mong muốn của chúng ta là phải tăng được số lao động đã qua đào tạo này lên nhưng nhiều khi quá quan trọng, coi đó như là chỉ tiêu để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực thì chưa hẳn đã đúng.

“Với chúng tôi, những người làm về lao động việc làm thì coi đó cũng chỉ là bề nổi, bởi đằng sau câu chuyện được đào tạo thì công việc tương xứng, phù hợp với trình độ được đào tạo như thế nào mới quan trọng. Ở các nước, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm phù hợp với chuyên môn, trình độ được đào tạo tăng lên, nhưng ở Việt Nam hiện nay, những lao động có công việc phù hợp với trình độ được đào tạo đang có xu hướng giảm xuống. Điều đó cho thấy chúng ta đang có sự lãng phí trong việc đào tạo”, ông Diệp nói.

Phan Hoạt
.
.
.