“Biến” gió biển thành những dòng điện sạch

Thứ Ba, 09/03/2021, 08:29
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trên các công trường điện gió ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) trở nên nhộn nhịp trở lại theo tiến độ xây dựng, sớm đưa các nhà máy điện gió (NMĐG) vào vận hành, khai thác thương mại.


Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Sóc Trăng nằm ở vùng hạ du châu thổ Cửu Long, có chiều dài bờ biển khoảng 72km, không chỉ được biết đến là xứ sở của “Gạo ngon nhất thế giới”, mà mọi người còn nhắc đến vùng đất này với những dự án NMĐG lớn, được đầu tư với quy mô công nghiệp”. 

Theo ông Chiêu, kết quả khảo sát của các nhà đầu tư trong, ngoài nước cho thấy, vùng ven biển Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn về điện gió. Tốc độ gió (ở độ cao 120m) tại khu vực bãi bồi ven biển đạt trung bình 8,3m/s (ở độ cao 60m, tốc độ gió trung bình là 6,5m/s). Ước tính, các khu vực ven biển trên địa bàn Sóc Trăng có thể phát triển các dự án điện gió trong đất liền, ngoài khơi tương đương công suất 7.000MW. 

Sóc Trăng đã được Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch với 20 dự án điện gió, tổng công suất 1.435MW. Các dự án này đang triển khai; dự kiến tháng 10/2021 đưa vào vận hành 8 dự án, các dự án còn lại sẽ đưa vào vận hành những năm 2022-2023. Đặc biệt, các dự án NMĐG trên địa bàn Sóc Trăng đều thực hiện đăng ký Chứng nhận tiêu chuẩn vàng cho các mục tiêu toàn cầu (GS4GG), là bộ tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững. 

Ông Logan Wiliam Knox, đại diện chủ đầu tư NMĐG Lạc Hòa và NMĐG Hòa Đông (tổng công suất 60MW, vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng), cho biết: “Chúng tôi tìm đến Sóc Trăng vì đây là địa phương có tiềm năng rất lớn từ năng lượng gió. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc phát triển nguồn năng lượng này sẽ mang lại những giá trị bền vững, lâu dài, không chỉ phục vụ phát triển KT-XH, mà còn là giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả”.

Một trong những đột phá chiến lược được Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu định hướng đến năm 2030 là xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vùng châu thổ Cửu Long và quốc gia. 

Để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và tạo những đột phá riêng, Bạc Liêu đã chủ động đề xuất Chính phủ rút cụm nhà máy nhiệt điện than Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Tổng sơ đồ điện VII). Đây được coi là tiền đề quan trọng, tạo nên những sức hút mới cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong, ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. 

Với mục tiêu phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Bạc Liêu đã tích cực mời gọi đầu tư và trở thành địa phương thu hút nhiều dự án động lực nhất về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. 

Đến nay, Bạc Liêu đã hoàn thành NMĐG Bạc Liêu với quy mô công suất 99MW đang hoạt động ổn định, với tổng sản lượng điện lũy kế phát lên lưới đạt trên 1,1 tỷ kWh. Đồng thời, triển khai khởi công, thi công nhiều dự án điện gió, gồm: NMĐG Đông Hải 1, Đông Hải 2; Hòa Bình; NMD0G Bạc Liêu giai đoạn 3; xây dựng NMĐG Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1… Ngoài ra, Bạc Liêu còn thu hút thêm 19 dự án điện gió khác, tổng công suất hơn 4.000MW, hiện đang chờ bổ sung vào quy hoạch.

Đức Văn
.
.
.