Bầu Đức bị 'bốc hơi' hơn 347 tỷ đồng

Thứ Hai, 24/08/2015, 18:10
Chứng khoán “lau sàn” đã khiến hàng loạt “đại gia” trên thị trường thủng túi, trong đó “bầu” Long và “bầu” Đức” đứng ở đầu bảng khi đều bị bốc hơi hơn 300 tỷ đồng.

Dù được đánh giá khá tích cực, nhưng động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần trước đã không thể cứu vãn tâm lý của các nhà đầu tư chứng khoán. Đặc biệt, sau khi “đại gia” Vietcombank niêm yết tỷ giá chạm trần, cùng vài thông tin tiêu cực khác đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc khủng khiếp.

Thị trường chứng khoán sáng 24/8 đã chứng kiến sự tháo chạy của hàng loạt các nhà đầu tư trong nước, khiến chỉ số Vn-Index giảm tới hơn 5%, trong khi HSX có tới 94/377 mã giảm sàn- một kỷ lục đen tối trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Toàn bộ cổ phiếu trong rổ VN30 đều giảm, trong đó có 9 mã giảm sàn. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index đã phá đáy 76 điểm của đầu năm, và đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái.

Ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm cổ phiếu ngành dầu khí và chứng khoán, tiếp đến là nhóm cổ phiếu ngành xây dựng. Thậm chí trong phiên, có thời điểm VN-Index giảm tới 35 điểm, tương ứng 6%.

Chứng khoán “lau sàn” đã khiến hàng loạt “đại gia” trên thị trường thủng túi, trong đó “bầu” Long và “bầu” Đức” đứng ở đầu bảng khi đều bị bốc hơi hơn 300 tỷ đồng.

Cụ thể, với hơn 184,3 triệu cổ phần HPG đang nắm giữ, tài sản của đại gia Trần Đình Long  giảm tương ứng hơn 387 tỷ đồng. Trước đó cổ phiếu HPG cũng đã giảm 3 hiên liên tiếp, tổng cộng sau 4 phiên gần đây nhất, “bầu” Long đã mất hơn 737 tỷ đồng.

Tương tự, “bầu” Đức cũng mất hơn 347 tỷ đồng trong phiên ngày 24-8, khi nắm giữ hơn 347 triệu cổ phần HAG, nâng tổng thiệt hại trong 4 phiên liên tiếp của ông “bầu” này lên hơn 730 tỷ đồng.

Đi tìm nguyên nhân đẩy chứng khoán lao dốc, các chuyên gia cho rằng dù vấn đề tỷ giá được giới phân tích trấn an, nhưng dường như nó vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý nhà đầu tư chứng khoán.

Đặc biệt, áp lực tỷ giá một lần nữa lại trở thành mối lo khi sáng 24/8, hàng loạt các nhà băng, trong đó có “đại gia” Vietcombank nâng lên chạm mức trần 22.547 đồng/USD.

Cùng với đó, với việc khối ngoại bán mạnh, nhất là các quỹ ETFs cũng đang gây áp lực mạnh lên thị trường. Bước sang phiên buổi chiều, hoạt động bán tháo còn diễn ra mạnh hơn, khiến hàng trăm mã đồng loạt giảm sàn, do cộng thêm tác động từ việc đỏ bảng của các sàn chứng khoán quốc tế.

Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm 4,61%, chứng khoán Hồng Kông giảm 5,17%, đặc biệt chứng khoán Trung Quốc giảm tới 8,49%. Trong khi chứng khoán châu Âu mới mở cửa cũng đang đồng loạt giảm sâu hơn 2%.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index giảm 29,37 điểm (-5,28%), xuống 526,93 điểm với 249 mã giảm trong khi chỉ có 24 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 174,56 triệu đơn vị, giá trị 3.105 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,14 triệu đơn vị, giá trị 206,79 tỷ đồng. HNX-Index giảm 4,51 điểm (-5,81%), xuống 73,09 điểm với 205 mã giảmtrong khi chỉ có 29 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 70,65 triệu đơn vị, giá trị 697,56 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,3 triệu đơn vị, giá trị 60,84 tỷ đồng…

Ngân hàng “gom” đô, tỷ giá chạm trần

Ngày 24/8, hầu hết các ngân hàng thương mại đều tăng giá USD và đẩy lên kịch trần. Cụ thể, tại ngân hàng Vietcombank, đồng USD được niêm yết giá ở mức 22.500-22.547 đồng, tăng 40 đồng ở chiều mua vào và tăng 7 đồng ở chiều bán ra. Ngân hàng Vietinbank mua bán đồng USD với giá 22.500-22.547 đồng, tăng 30 đồng ở chiều mua vào và tăng 2 đồng ở chiều bán ra. 

Tại BIDV, đồng USD được mua vào với giá 22.510 đồng và bán ra với giá 22.547 đồng, tăng tới 50 đồng ở chiều mua vào và tăng 17 đồng ở chiều bán ra. Trong khi đó, tại ACB, tỷ giá được niêm yết ở mức là 22.527-22.547 đồng, tăng tới 72 đồng ở chiều mua vào và  tăng 2 đồng ở chiều bán ra.

PV
.
.
.