Bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ người dân

Thứ Ba, 31/03/2020, 16:22
Trước lo ngại việc thực hiện cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc sẽ dẫn đến việc thiếu lương thực, thiếu hàng thiết yếu, người dân ở Hà Nội đã đổ xô ra các siêu thị, cửa hàng tiện ích để mua hàng tích trữ từ trưa cho tới chiều ngày 31/3. 


Trước diễn biến này, Bộ Công thương cho hay, đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp phân phối lớn thực hiện hàng loạt biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống, theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly.

Hà Nội không thiếu hàng hoá thiết yếu

Trong trưa, chiều ngày 31/3, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích như Vinmart+, Bác Tôm… có hiện tượng người dân chen lấn mua hàng. Trước lo ngại này, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, mỗi tháng bình thường, tổng giá trị hàng hóa thiết yếu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng. 

Mở các kho hàng, điểm bán hàng dã chiến, điều tiết cung ứng hàng hóa từ các tỉnh về trong thời gian ngắn nhất đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá cho người dân.

Trên cơ sở đó, trong tháng có dịch, các doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa, sẵn sàng cung ứng cho thị trường tăng gấp gần 3 lần, với tổng giá trị khoảng 64.000 tỷ đồng. Hiện, lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày. Bên cạnh đó, Sở Công Thương chủ động cùng các doanh nghiệp liên hệ với các tỉnh, thành phố để đưa hàng hóa về Hà Nội phục vụ nhân dân trong thời gian ngắn nhất.

Theo đại diện của Central Group, nhà bán lẻ này cũng đã chuẩn bị nguồn hàng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện, Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị BigC, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành... đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300% đến 500% so với bình thường. Hệ thống Co.opmart tăng lượng hàng hóa dự trữ với trị giá 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ phục vụ nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opmart Hà Nội cho biết, lượng khách đến mua sắm tại hệ thống Co.opmart Hà Nội, Coopmart food sôi động hơn ngày hôm qua (30-3), các mặt hàng rau, của quả, đồ hộp, thực phẩm, tiêu thụ mạnh. Hàng hoá tại siêu thị dồi dào, giá cả ổn định. 

Hiện, để phòng chống dịch hiệu quả, hệ thống đã triển khai bán hàng qua điện thoại để hạn chế tập trung chỗ đông người, người dân yên tâm mua sắm hàng hoá, tiết kiệm thời gian. Trong khi đó, đại diện truyền thông Tập đoàn BRG cho biết, trong ngày hôm nay (31/3), hệ thống bán lẻ của tập đoàn ghi nhận hoạt động mua sắm sôi động hơn, có hiện tượng người dân mua hàng tích trữ. Tuy nhiên, “mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. 

Lượng hàng hóa chúng tôi đã chuẩn lớn gấp 3 lần bình thường nên người dân không lo thiếu. Ngoài ra, từ ngày 1/4, chúng tôi mở thêm 10 điểm bán hàng nhu yếu phẩm lưu động nữa để phục vụ nhân dân,”đại diện BRG cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đã xây dựng phương án dự trữ, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân. 

Theo đó, thành phố đã đưa ra các kịch bản cụ thể để cung ứng hàng hóa cho phù hợp với diễn biến thực tế, chia làm 5 cấp độ. Do đó, người dân hoàn toàn có thể yên tâm, không cần tích trữ và không lo khan hiếm các loại hàng hóa tiêu dùng thông thường. Cụ thể, cấp độ 1 là có trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn. Cấp độ 2 là khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn. 

Cấp độ 3 là trên địa bàn có từ 20 đến trên 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên và có nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện. Cấp độ 4 là trên địa bàn có hơn 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc bệnh, 30 quận, huyện, thị xã đều có khu cách ly. Cấp độ 5 là trên địa bàn có từ hơn 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc bệnh khiến cho khoảng trên 2 triệu người dân thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao; khi đó người dân trên địa bàn chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm, lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân trên địa bàn tăng đột biến.

Ở cấp độ 1, 2, 3, các doanh nghiệp thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các đơn vị cung ứng mặt hàng mà Hà Nội đang xảy ra biến động để đưa về Hà Nội.

Đối với cấp độ 4 và 5, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối dồn tổng lực hàng hóa về địa bàn Thủ đô; mở thêm các kho dự trữ hàng, các điểm bán trên các quận, huyện, thị xã; trong trường hợp cần thiết phải mở các kho hàng dã chiến tại các vùng ngoại thành, điều tiết cung ứng hàng hóa từ các tỉnh về trong thời gian ngắn nhất. Huy động thêm các phương tiện để vận chuyển hàng hóa. Với mỗi cấp độ cụ thể, Sở Công Thương đã có phương án điều phối và cung ứng hàng hóa, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.

Mở thêm hàng loạt điểm bán lưu động, dã chiến phục vụ người dân

Bộ Công Thương cho biết, đến nay, các địa phương đã hoàn thiện phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang....

Căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế, các địa phương và doanh nghiệp phân phối sẽ xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly. 

Để đẩy mạnh cung ứng hàng hóa ra thị trường, ngoài các điểm bán hàng của các siêu thị, các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Cùng đó, tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly nếu có.

Về việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương, Bộ Công thương cũng đã có các phướng án. Trường hợp phong tỏa nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động. Các doanh nghiệp sẽ đăng ký danh sách các xe vận tải cung ứng hàng hóa đến các cơ quan chức năng để cung cấp cho ngành giao thông, Công an hỗ trợ cho phép lưu thông đến các điểm bán hàng. 

Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, các xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy hàng cung ứng cho địa bàn cách ly. Ngay cả trong trường hợp chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động: Bộ Công Thương sẽ đề nghị các lực lượng quân đội, công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn.

Về bố trí các điểm bán hàng, ngoài các điểm hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…).

Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.

Lưu Hiệp
.
.
.