Bàn cách mới để “cầm cương” giá sữa

Thứ Tư, 12/04/2017, 09:38
Sau khi Thủ tướng chính thức đồng ý bỏ trần giá sữa kể từ 1-4-2017, Bộ Công Thương đã chính thức lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư Quy định về đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trao đổi với báo chí ngày 11-4, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Kể từ 1-4-2017, chỉ khi doanh nghiệp (DN) có điều chỉnh giá hiện hành đang bán thì mới phải thực hiện việc kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp.

Cho đến thời điểm hiện nay, mới có 2 DN gửi kê khai giá mới là Công ty Sóng Thần và Cô gái Hà Lan. Nhìn chung giá có xu hướng giảm so với trước đây với mức giảm từ 3-10% tùy từng sản phẩm. Các mặt hàng khác vẫn ổn định.

Việc thay đổi cách thức quản lý thị trường sữa sẽ có lợi cho người tiêu dùng.

Cũng theo ông An, vẫn như trước đây, có 8 DN lớn sẽ thực hiện kê khai giá tại Bộ Công Thương, các DN còn lại sẽ thực hiện kê khai giá, thông báo giá tại Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nơi DN có trụ sở chính.

Về dự thảo Thông tư mới, ông Nguyễn Lộc An cho biết, Bộ Công Thương sẽ quản lý giá bán lẻ sản phẩm hàng hóa cuối cùng đến người tiêu dùng trong toàn hệ thống phân phối của DN. Sau khi DN đầu mối thực hiện hoàn tất việc kê khai giá sản phẩm hàng hóa của mình, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố công khai giá bán lẻ này trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở mức giá này, các cơ quan chức năng trên các địa bàn sẽ cùng với DN đầu mối giám sát mức giá bán lẻ này trên toàn hệ thống phân phối của DN.

Thời gian tới, Bộ Công Thương dự kiến trong trường hợp chính sách thay đổi và các yếu tố đầu vào (như giá nguyên liệu, tỷ giá, giá nhập khẩu...) biến động, làm tăng hoặc giảm giá trong phạm vi 5% thì DN gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh mới cho cơ quan nhà nước trước khi điều chỉnh giá.Trường hợp vượt mức 5%, DN sẽ phải thực hiện kê khai giá theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của giá kê khai. 

Báo cáo của Bộ này gửi Chính phủ cũng cho biết: Giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên thị trường trong nước quý I nhìn chung ổn định.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa lớn nhất từ thị trường như New Zealand (31%), tiếp sau là Singapore (15%) và một số nước khác như Mỹ, Úc, Ailen, Hà Lan... nên giá sữa nguyên liệu không chịu ảnh hưởng lớn của giá tăng tại thị trường Nam Mỹ.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, do lượng tiêu thụ không tăng, giá nhập khẩu ổn định, nguồn hàng của các DN còn khá dồi dào, nên khi Nhà nước kết thúc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá (nhưng vẫn có sự giám sát thông qua việc kê khai giá), giá sữa trong nước sẽ khó có hiện tượng tăng tự do, bất hợp lý. 

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ quản lý thị trường sữa của mình, Bộ Công Thương đã làm việc với các DN nhập khẩu, phân phối sữa lớn trên cả nước gồm: Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (VN); Công ty TNHH Mead Johnson Nutritions VN; Công ty TNHH TNHH Phân phối Tiên Tiến; Công ty TNHH Nestle VN; Công ty CP Sóng Thần Hà Nội. Các DN cho biết việc áp mức giá tối đa trong thời gian dài (2 năm 9 tháng) như vừa qua đã khiến hoạt động kinh doanh của họ gặp khó khăn, nhất là trong việc phát triển thị trường tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc có khá nhiều DN nhập khẩu, phân phối trực tiếp các sản phẩm sữa mua từ nguồn sữa tiêu thụ nội địa của nước xuất khẩu (cùng hãng sữa, cùng dòng nhưng bao bì, thành phần có thể khác nhau một vài thông số), cùng với tâm lý ưa chuộng sản phẩm nội địa của nước xuất khẩu đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh của các DN phân phối chính thức.

Ngày 14-4 tới, Bộ Công Thương sẽ chính thức tổ chức hội thảo về vấn đề này để bàn sâu thêm về các điểm còn có ý kiến khác nhau của dự thảo thông tư.

Giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm

Theo Bộ Công Thương, trong quý I/2017, giá sữa tại thị trường châu Úc và Tây Âu (là hai thị trường cung cấp sữa lớn) giảm do tại 2 thị trường này đang bắt đầu vào mùa thu mua sữa, nguồn cung dồi dào theo quy luật chung hàng năm. Giá sữa bột gầy và giá sữa nguyên kem (giá FOB) tại tuần cuối tháng 3 có mức giảm chung từ 6 - 15% so với đầu tháng 1. 

Riêng tại thị trường Nam Mỹ, giá có xu hướng tăng. Mức giá tăng chung cho cả sản phẩm sữa bột gầy và nguyên kem tuần cuối tháng 3 so với đầu tháng 1 là 7,2% - 24%. Nguyên nhân tăng giá do lũ lụt tại Argentina gây bất lợi cho ngành sữa tại nước này. 

Tại Brazil sản lượng sữa giảm. Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế vẫn tác động xấu tới thị trường Nam Mỹ, một vài công ty đã đóng cửa và giảm nhân sự. Tuy nhiên, việc tăng giá tại thị trường Nam Mỹ cũng không gây ảnh hưởng lớn tới giá sữa nguyên liệu nhập khẩu do Việt Nam nhập khẩu từ các thị trường chính là New Zealand và Singapore. 

Vũ Hân
.
.
.