Nóng bỏng buôn lậu ở tuyến biên giới Lạng Sơn:

Bài cuối: Chặn hàng lậu - cần giải pháp căn cơ

Thứ Sáu, 18/01/2019, 08:48
Càng giáp Tết là thời điểm hoạt động buôn lậu gia tăng, đặc biệt là các mặt hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả là đội quân mang vác hàng ở khắp các nơi về biên giới Lạng Sơn cũng như chính cư dân ở biên giới.

Lợi nhuận từ việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng nhái rất cao nên cứ dân khu vực biên giới không có việc làm ổn định, thu nhập thấp dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.

Sản xuất hàng giả vì được trả công cao

Không chỉ sản xuất ở nước sở tại, đối tượng người Trung Quốc đã thuê nhà xưởng ở huyện Cao Lộc, mang dây chuyền sản xuất sang để sản xuất hàng giả. Đại tá Hoàng Anh, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT), Công an tỉnh Lạng Sơn cho chúng tôi biết, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ở Công ty cổ phần Hoa Việt (đường Ngô Quyền, TP Lạng Sơn) để điều tra. 

Ông chủ của công ty là người Trung Quốc, thuê nhà xưởng ở sát biên giới thuộc huyện Cao Lộc, đăng ký kinh doanh sản xuất pin của Trung Quốc nhưng lại dán nhãn mác của các hãng nổi tiếng như Toshiba, Maxell. Hoạt động sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Sau khi nhận được tin báo, Phòng CSKT phối hợp với Đội 7, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất, phát hiện La Tuấn Vũ (Hòa An, Cao Bằng) đang thực hiện việc gắn nhãn mác hiệu Toshiba lên pin tiểu trên dây chuyền sản xuất của Công ty Hoa Việt. 

Kiểm tra xưởng và kho chứa hàng (phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn), phát hiện và tạm giữ các tang vật có dấu hiệu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gồm: pin Toshiba, pin Maxell, pin trần chưa gắn nhãn, đang nằm trên dây chuyền gắn nhãn mác Toshiba, Maxell; vỏ thùng, vỏ hộp carton, tem mã vạch, tem dán hình tròn in chữ Maxell, Toshiba…

Vụ việc mới đây nhất, ngày 9-1, Phòng CSKT tạm giữ 2 xe ôtô vận chuyển hàng nghi giả mạo nhãn hiệu. Hàng giả, hàng nhái tập trung vào các mặt hàng giày dép, quần áo, mỹ phẩm, dầu gội, mì chính, thuốc tân dược… 

Theo Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn thì thủ đoạn hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi như đặt in, dán nhãn hàng hóa, nhãn phụ hàng hóa bằng tiếng Việt vào hàng hóa ngay từ bên kia biên giới; tách rời nhãn riêng, hàng hóa riêng hoặc tách rời từng thành phần cấu thành hàng hóa để vận chuyển gây khó khăn cho công tác đấu tranh. 

Theo ông Nguyễn Văn Trường, Cục trưởng Cục QLTT, thì để xác định mặt hàng đó là hàng giả phải có kết quả giám định, chi phí cho giám định hiện rất cao, nếu không có sự phối hợp của các hãng sản xuất thì rất khó đấu tranh. 

Năm 2018 và những ngày đầu năm 2019, Cục QLTT Lạng Sơn đã đấu tranh, ngăn chặn được nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh hàng giả mạo. Điển hình là kiểm tra Siêu thị Đồng Tiến (TP Lạng Sơn) phát hiện 71 loại hàng hóa (gồm 4.000 sản phẩm) do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. 

Trong đó có nhiều loại hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike, Puma, Adidas. Đại diện doanh nghiệp là ông Trần Lệnh Thương không xuất trình được các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của toàn bộ số hàng hóa trên. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ra quyết định xử phạt 4 hành vi vi phạm với số tiền 410 triệu đồng, buộc Công ty cổ phần Thương mại Siêu thị Đồng Tiến tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Mỗi ngày, cư dân mang vác 1-2 chuyến hàng qua biên giới.

Cần có giải pháp lâu dài

Không chỉ ở biên giới Lạng Sơn mà các tỉnh biên giới phía Bắc, Tây Nam, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp vào dịp giáp Tết. Để ngăn chặn hàng lậu vào nội địa, ngoài trách nhiệm quản lý địa bàn biên giới, tăng cường công tác kiểm tra, đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, xuất nhập cảnh trái phép thì còn cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách. 

Theo ông Phan Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh thì chi cục đã chủ động phối hợp với các lực lượng tăng cường quân số chốt chặn 24/24 giờ các ngày trong tuần tại lán trực khu vực chùa Tân Thanh, các đường mòn như Nà Han, Lọ Bon, khu vực Đồi Cao, barie để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng vận chuyển hàng lậu. Nhưng việc mang vác hàng lậu vẫn diễn ra ở những đường mòn, lối mở khác.

Còn Đại tá Hoàng Anh thì cho rằng, hàng lậu tập trung ở Văn Lãng, Cao Lộc khó bắt giữ thì ở huyện Lộc Bình ngăn chặn được. Bằng chứng là có thời gian, huyện Lộc Bình làm tốt công tác ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép trong 1 tháng, hiệu quả mang lại rất cao. 

Không có người qua lại đồng nghĩa cũng không có việc mang vác hàng lậu. Do vậy, lực lượng Biên phòng kiểm soát được người xuất nhập cảnh trái phép ở Văn Lãng, Cao Lộc thì hiện tượng mang vác hàng lậu sẽ giảm. 

Có mặt ở cửa khẩu Cốc Nam, trong mưa rét tê tái, chúng tôi bắt gặp nhiều cụ bà vác hàng qua cửa khẩu làm thủ tục kiểm tra ở bộ phận kiểm soát của Hải quan. Cán bộ Hải quan căn cứ vào danh mục hàng hóa nhập khẩu do Bộ Công thương ban hành để định giá mặt hàng có nằm trong chính sách ưu đãi là 2 triệu hay không. Nếu như trước đây, tại cửa khẩu Cốc Nam có khoảng 700 cư dân biên giới mang vác hàng qua cửa khẩu theo chính sách ưu đãi thì nay đã giảm. 

Ông Nguyễn Quang Bách, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam cho biết, ngay từ đầu năm Chi cục đã sàng lọc đầu nậu, đối tượng là cư dân chuyên mang vác hàng, rà soát lại chính sách ưu đãi cho cư dân biên giới để tạo việc làm, vận động một số doanh nghiệp nhận cư dân vào bốc vác hàng hóa xuất nhập khẩu nên lượng người đi mang vác hàng qua biên giới đã giảm. 

Hiện nay, tại Cốc Nam chỉ còn khoảng 100 hộ cư dân biên giới đi vác hàng. Đây là một giải pháp hay, hy vọng được nhân rộng ở các địa phương có cư dân biên giới.

Theo ông Nguyễn Văn Trường thì giải pháp căn cơ để giảm buôn lậu là phải thúc đẩy nền sản xuất trong nước. Khi nào các mặt hàng sản xuất được trong nước đảm bảo chất lượng, mẫu mã, được thị trường chấp nhận thì đương nhiên hàng nhập lậu sẽ bị triệt tiêu. 

Hiện nay, nhiều ngành nghề sản xuất trong nước đã cũ kỹ, lạc hậu, hàng sản xuất ra không cạnh tranh được với hàng ngoại; hoặc có những mặt hàng trong nước không sản xuất được dẫn tới hàng lậu vẫn có đất sống. 

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu đạt hiệu quả cao, thiết nghĩ ngoài những giải pháp trên cần phải đầu tư trang thiết bị, nâng cao cơ chế cho lực lượng chống buôn lậu thực thi nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Trường, Cục trưởng Cục QLTT Lạng Sơn: Vụ buôn lậu ở xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc là bài học kinh nghiệm để Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn trong năm 2019 xây dựng kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt trong công tác kiểm tra, đấu tranh, xử lý, đặc biệt là siết chặt quản lý hóa đơn, chứng từ để đối tượng đầu nậu không lợi dụng hợp thức hóa hàng hóa.
Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.