Ba khu vực kinh tế tăng trưởng suy yếu

Thứ Bảy, 13/07/2019, 09:37
Đây là nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR, tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II-2019, được công bố vào sáng 11-7.

Doanh nghiệp gặp khó tăng cao

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II-2019 đạt mức 6,71%, trong 6 tháng đầu năm đạt 6,76% – các chỉ số đều thấp hơn so với cùng kì năm 2018. 

“So với 6 tháng đầu năm 2018, cả ba khu vực kinh tế đều tăng trưởng chậm lại. Thứ nhất, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,69% thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2018, tuy nhiên những nhóm ngành chủ lực vẫn tăng trưởng ổn định. Thứ hai, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu, ở mức 2,39%. 

Dịch tả lợn châu Phi lan trên diện rộng và thời tiết khắc nghiệt tại miền Bắc và miền Nam khiến năng suất và sản lượng lúa vụ đông xuân giảm, do đó ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 1,3% (yoy). Thứ ba, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 8,93% (yoy), thấp hơn mức 9,1% của cùng kỳ 2018”, TS Thành công bố số liệu báo cáo.

Theo Tổng cục Thống kê, cơ cấu đóng góp của các khu vực kinh tế vào GDP đang di chuyển theo xu hướng thể hiện tính thị trường nhiều hơn: đóng góp của khu vực nhà nước ngày càng giảm, còn 27,67% (năm 2018), trong khi đóng góp của khu vực FDI và ngoài nhà nước ngày càng tăng lần lượt đạt 20,28% và 42,08%. 

Số lượng việc làm mới tăng cao nhưng lao động có xu hướng dịch chuyển ra khỏi ngành công nghiệp. Kết quả khảo sát về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II cho thấy, chỉ có 45,2% số DN tham gia khảo sát đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn so với quý I. Số DN kinh doanh khó khăn lại lên tới 16,5%, cao hơn so với mức dự báo là 10,6%. 

Điều này cho thấy, cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại, số DN gặp khó khăn ngày một tăng cao. Tuy nhiên, tín hiệu vui là số DN tạm dừng hoạt động giảm mạnh 14.096 DN, thấp hơn 44,4% so với cùng kì năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm chỉ có 44.996 DN tạm ngừng hoạt động. 

Đáng chú ý, lao động có xu hướng chuyển dịch ra ngoài khu vực công nghiệp, lao động hoạt động trong khu vực FDI tăng ổn định, trong khi khu vực nhà nước có quy mô lao động ngày càng giảm, đi liền với quá trình thu hẹp khu vực này.

Chỉ số tồn kho tăng cao tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm.

Lạm phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng trở lại

Quý II-2019, CPI bình quân tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 0,74% so với quý I-2019. Trong tháng 6-2019, CPI giảm xuống mức thấp từ đầu năm đạt 2,16% và 0,09%. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, CPI bình quân tăng 2,64%  – mức tăng thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Đáng chú ý, lạm phát lõi có xu hướng tăng từ 2018 đến nay, bình quân đạt 1,91% trong quý II-2019 và 1,87% trong 6 tháng đầu năm. Điều này dự báo xu hướng tăng giá của nhóm hàng hóa sau khi loại bỏ các biến động giá năng lượng và lương thực thực phẩm. 

“Nhìn chung, nền kinh tế sẽ đứng trước nhiều khó khăn trong việc kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm khi áp lực của bệnh dịch khiến cung thịt lợn ngày càng thu hẹp, giá xăng dầu biến động liên tục và giá hàng hóa dịch vụ giáo dục luôn tăng ở mức cao trên 6% trong vòng hai năm qua”, báo cáo nhận định

Thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng ước đạt 597.786 tỷ đồng, bằng 51,2% so với dự toán pháp lệnh, tăng 12,5% dựa theo Báo cáo của Tổng cục Thuế. Đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước là nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách này được dự kiến sẽ giảm dần theo thời gian dưới tác động giảm thuế từ các FTA, cụ thể giảm thu do ảnh hưởng từ FTA trong năm 2019 được ước tính khoảng 13.820 tỷ đồng. Cơ cấu thu thuế từ các khu vực kinh tế còn tồn đọng nhiều vấn đề. 

Thứ nhất, cơ cấu thu thế chưa hợp lý: nhóm DN và tổ chức ngoài quốc doanh mặc dù chỉ chiếm khoảng 8% cơ cấu GDP nhưng chiếm tới hơn 36,35% (năm 2018) nguồn thu thuế từ sản xuất kinh doanh. Gánh nặng từ thiếu hụt nguồn thu thuế của nhóm hộ gia đình (chiếm 1,85% tổng thu) đang dồn quá lớn vào DN tư nhân. Thứ hai, nguồn thu từ phía DN nhà nước chỉ đạt khoảng 27,86% tổng thu, không tương xứng với nguồn vốn đầu tư từ nhà nước (33,35%).

Với mức tăng trưởng đạt 6,71% của quý II, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. Tuy nhiên, trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Nhật – Hàn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, và các liên kết kinh tế mới… tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới. 

NHNN cần tiêu hành tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài. Tỷ lệ lạm phát bình quân quý II đang ở mức vừa phải (2,65%), tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng gần đây. 

Tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu từ quý 1 đến CPI có thể kéo dài tới 2-6 tháng. Trong bối cảnh đó, VEPR đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế quý III là 7,06%, quý IV là 7,17%, cả năm là 6,96%. Còn với lạm phát, quý III vào khoảng 3,38% và quý IV sẽ là 4,21%.

Hà An
.
.
.