Ai đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư?

Thứ Năm, 03/06/2021, 07:37
Sau nhiều tháng liên tục nghẽn lệnh trên thị trường chứng khoán, sự cố đóng cửa sàn giao dịch TP Hồ Chí Minh (HOSE) vào chiều 1/6/2021 đã khiến giới đầu tư tài chính xôn xao.

Dù giao dịch đã được thực hiện trở lại, song nhiều nhà đầu tư vẫn bất bình và đặt câu hỏi: Ai đền bù thiệt hại cho họ?

Chiều 1/6, lần đầu tiên, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh phải đóng cửa ngừng giao dịch. Nguyên nhân là trong phiên giao dịch sáng 1/6, giá trị giao dịch chứng khoán tại HOSE vượt mức 21.700 tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử HOSE chủ động tạm ngừng giao dịch để bảo vệ an toàn hệ thống.

Dù đại diện sàn HOSE là ông Lê Hải Trà đã “đăng đàn” trả lời các câu hỏi của báo chí, giải thích lý do và kêu gọi “sự cảm thông, bình tĩnh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường”, song câu chuyện vẫn khiến cho nhiều người bức xúc.

Việc thị trường liên tục nghẽn lệnh, đặc biệt là trong 1 tuần trở lại đây khiến nhà đầu tư thiệt hại vì liên tục rơi vào cảnh giao dịch “bịt mắt dò đường”, nhất là vào các phiên chiều, hệ thống phần lớn “đơ toàn tập”.

Nguyên nhân được cho là một lượng tiền lớn ồ ạt đổ vào thị trường, khiến cho sàn HOSE rơi vào trạng thái "đơ", "nghẽn", "loạn giá". Nếu như thời điểm nghẽn lệnh cách đây 3 tháng, phải tới phiên chiều bảng điện mới loạn nhịp thì nay tình trạng này xảy ra phổ biến từ đầu phiên sáng.

Trong nhiều phiên giao dịch, nhà đầu tư đặt lệnh xong phải tới 7-8 phút sau lệnh mới được gửi vào hệ thống, khi ấy giá khớp đã nhảy khác xa lệnh đặt của nhà đầu tư. Cũng có rất nhiều trường hợp giá khớp đã tăng nhưng bảng điện HOSE vẫn hiển thị mức giá thấp, khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh “bán hớ”.

Nhà đầu tư thiệt hại khi HOSE đóng cửa giao dịch vì quá tải.

Trước tình trạng “sập cầu giao” trên sàn HOSE, giới đầu tư đã nhiều lần bày tỏ phẫn nộ. Cuối tháng 3, HOSE có công bố thông tin trên website về việc nghẽn lệnh và cho biết tình trạng này xảy ra khi có sự gia tăng đột biến số lệnh từ các công ty chứng khoán vào Sở.

Theo đó, trong TOP 20 công ty chứng khoán hàng đầu, có lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất là trên 3 lần, bình quân là 5-6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13-18 lần.

Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng quá tải hệ thống. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng khi đầu tư chứng khoán, họ đã phải đóng hàng loạt phí, thuế nên họ xứng đáng được hưởng dịch vụ tốt.

Theo thống kê của anh Vinh Hoàng - một nhà đầu tư cá nhân thì anh đã phải đóng gần chục loại thuê, lệ phí khi giao dịch. Thứ nhất là phí giao dịch chứng khoán hay còn được gọi là phí môi giới chứng khoán. Thứ 2 là phí lưu ký chứng khoán. Đây là loại phí được thu để nhằm duy trì hệ thống lưu trữ thông tin cổ phiếu cho khách hàng.

Thứ 3 là thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phiếu. Thứ 4 là thuế thu nhập cá nhân từ việc nhận cổ tức tiền mặt. Và các loại thuế phí giao dịch chứng khoán khác theo quy định, áp dụng trong các trường hợp cụ thể như thuế phí liên quan đến vấn đề cho nhận, thừa kế chứng khoán; phí chào mua công khai; phí dịch vụ tin nhắn SMS, mua dịch vụ bảo mật Token; phí khi khách hàng ứng tiền trước khi họ bán chứng khoán; phí giao dịch ngoài sàn giao dịch…

“Việc nghẽn lệnh đã khiến chúng tôi gặp nhiều thiệt hại, giờ lại thêm dừng giao dịch, mà không có một lời xin lỗi từ phía cơ quan chức năng”, anh Hoàng bức xúc.

Có cùng tâm trạng, một nhà đầu tư khác là anh Vũ Mạnh cho biết, anh dự định đặt lệnh bán vào phiên giao dịch chiều 1/6, để đến ngày 4/6 là ngày thứ 6, khi tiền về sẽ rút tiền trả ngân hàng. Tuy nhiên, do lệnh đóng cửa bất ngờ vào chiều 1/6 khiến kế hoạch của anh bị đổ bể. “Như thế này thì thứ hai tuần sau mới có tiền, vậy ai chịu trả lãi cho tôi trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật?”, anh Mạnh chất vấn.

Chia sẻ những nỗi bức xúc của các nhà đầu tư trước tình trạng này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng nhận định nhà đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn, không chỉ là tâm lý mà còn thiệt hại bằng tiền. Còn đối với nhiều công ty muốn niêm yết lên HOSE nhưng không được thì quyền lợi của cổ đông các công ty này cũng bị thiệt hại.

“Khi hệ thống giao dịch hoạt động bình thường thì nhà đầu tư yên tâm đầu tư, nhưng khi hệ thống nghẽn lệnh thì họ phải phòng thủ, tìm cách bảo toàn vốn. Rõ ràng tình trạng nghẽn lệnh trên hệ thống giao dịch HOSE đã ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin”.

Được biết, để tránh sự cố như đã xảy ra, phiên giao dịch ngày 2/6, các công ty chứng khoán lớn đồng loạt thông báo khách hàng hạn chế hủy, sửa lệnh. 

Cụ thể, theo thông báo của SSI, hiện nay, trong những thời điểm giá trị giao dịch trên thị trường tăng mạnh, đặc biệt là trên sàn HOSE, tính ổn định của hệ thống giao dịch và tính chính xác của thông tin lệnh có khả năng bị ảnh hưởng.

Vì vậy, khách hàng hạn chế thực hiện sửa/hủy lệnh sàn HOSE để chủ động theo dõi được đầy đủ và chính xác thông tin tình trạng lệnh. Còn FPTS thông báo, để giảm thiểu tình trạng nghẽn lệnh, FPTS tạm thời chặn hủy, sửa với các lệnh sàn HOSE…

Hà An
.
.
.