Bài 2: Đổi mới từ nền tảng thực tiễn của kinh tế đất nước

Thứ Sáu, 23/03/2018, 08:26
Xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất theo kiểu nông dân và nông thôn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ nên kinh tế tư nhân (KTTN) ở nước ta còn manh mún, phân tán chiếm phần đông. Đây cũng là điểm yếu trong sự liên kết cạnh tranh của KTTN ở nước ta trong thời hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Nhận rõ điểm yếu từ thực tế khách quan này cần có giải pháp đồng bộ để tạo bước phát triển, đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường…

Đi lên từ điểm xuất phát thấp

Ra ngõ gặp doanh nhân, cách nói của nhiều người trong thời kỳ đổi mới, doanh nghiệp, doanh nhân ra đời khá nhiều như nấm mọc sau mưa. Thế nhưng trong số nhiều ấy có bao nhiêu doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn hiệu quả, phát triển bền vững ở nước ta hiện nay? 

Trong điều kiện nền kinh tế nước ta, bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn KTTN có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, hàng hóa có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, KTTN nói chung và doanh nghiệp tư nhân (DNTN) ở Việt Nam nói riêng muốn có chỗ đứng vững trong điều kiện cơ chế thị trường phát triển sâu rộng trong thời hội nhập kinh tế thế giới, còn nhiều việc phải làm.

Kinh tế tư nhân ở TP Hồ Chí Minh cần chủ động hội nhập quốc tế.

Thực tế, trong tổng số gần 500 ngàn doanh nghiệp của nước ta đang hoạt động mà DNTN chiếm phần lớn thì doanh nghiệp vừa và lớn dưới 10 ngàn, còn lại phần lớn là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, trong xu thế hội nhập toàn cầu, có sự cạnh tranh khốc liệt, chủ sở hữu các doanh nghiệp, các hộ kinh tế cá thể... phải làm sao để không phải bị thua thiệt ngay trên “sân nhà”. 

Từ những câu chuyện cạnh tranh công nghệ phần mềm của Uber, Grab... với việc kinh doanh của các hãng taxi truyền thống đã bị thua thiệt ngay trên “sân nhà”. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị thua trên thị trường do sản xuất, chế biến chưa đáp ứng sự cạnh tranh cao theo tiêu chuẩn quốc tế vì công nghệ lạc hậu…

Không chỉ thế, một đất nước chiếm phần lớn sản phẩm từ nông nghiệp nhưng chúng ta lại thua thiệt với các nước khác trong khu vực bởi quy mô, cách thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; công tác quản lý, điều hành sản xuất chưa khoa học, thiếu chuyên nghiệp; việc kiểm soát hàng hóa, sản phẩm cả trong nước và nước ngoài xâm nhập vào thị trường cũng chưa đảm bảo yêu cầu… 

Việc huy động sức mạnh toàn dân tham gia sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế tập trung, có hệ thống liên kết theo chuẩn quốc tế vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện một cách bài bản. Đó còn là vấn đề quan trọng trong việc huy động vốn, nguồn lực để đầu tư, giảm giá thành nhằm cạnh tranh cao. 

Khi Uber, Grab đưa công nghệ phần mềm vào kinh doanh tại Việt Nam đã huy động được sức mạnh nguồn lực của nhiều người, nhiều thành phần tham gia, từ sinh viên đến nông dân, tư thương… cũng sắm, thuê xe để tham gia đầu tư làm ăn một cách nhiệt tâm.

Bởi cái lợi đem lại một cách cụ thể, thiết thực, cách làm này đã tận dụng được mọi nguồn lực về vốn, lao động, không phân biệt thành phần xã hội cùng tham gia làm ăn trên một mô hình công nghệ hiện đại, nhằm đem lại quyền lợi thiết thực trước mắt cho các cá nhân. 

Chủ sở hữu kinh doanh công nghệ không tự bỏ vốn nhiều để đầu tư phương tiện mà huy động nguồn lực và vốn của các cá nhân tự nguyện tham gia, liên kết một cách chặt chẽ...

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, KTTN ở Việt Nam tuy có bước phát triển về số lượng nhưng còn rất yếu kém về chất lượng. Hiện KTTN chiếm khoảng 40% cơ cấu GDP của nền kinh tế, nhưng trong số đó đóng góp của DNTN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp khoảng 11%, còn lại khoảng hơn 30% là nông dân, hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể…

Điều đó cho thấy đóng góp quan trọng của KTTN ở nước ta hiện nay lại rơi vào những hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ (hơn 30%) chứ không phải các DNTN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. 

Nhưng thực tế, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất nhỏ lẻ luôn phải chịu yếu thế trong kinh doanh, không thể cạnh tranh được trong nền kinh tế thị trường, có sự hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Một nhược điểm nữa của KTTN trong nước là các tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp lớn thường kinh doanh chạy theo lợi nhuận trước mắt, còn thiếu tầm chiến lược, gặp gì làm đó, làm theo phong trào, chạy theo cơ chế chính sách nhất thời mà chưa chú trọng tính bền vững của thương hiệu hình thành từ các sản phẩm mang tính cạnh tranh quốc tế nên khi gặp phải sự bất ổn kinh tế thì dễ rơi vào cảnh lao đao, thậm chí phải phá sản. 

Ví dụ như doanh nghiệp chạy theo “cơn sốt” của bất động sản nên khi “vỡ bong bóng” thì trở nên thua lỗ nhanh chóng và không thể cứu cánh được. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân “nổi đình, nổi đám” nhưng vốn rất mỏng, làm ăn lệ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng là chính, chưa tự lập được nguồn vốn sở hữu tự chủ của doanh nghiệp tạo ra nên rất nguy hiểm và rất khó cạnh tranh. 

Doanh nghiệp kinh doanh trong vốn nợ nhưng lãi suất vay vốn tại các ngân hàng ở Việt Nam còn khá cao so với nước ngoài nên kéo theo giá thành sản phẩm, hàng hóa, chi phí cao…

Năng động mới có thể hội nhập

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng đặt câu hỏi với các doanh nghiệp, tập đoàn KTTN ở Việt Nam rằng: “Nút thắt” cần phải giải quyết vướng mắc nào để KTTN phát triển? Vì sao KTTN ở Việt Nam chưa phát triển mạnh? Nhà nước và bản thân doanh nghiệp phải làm gì để KTTN phát triển tốt?... 

Đó thực sự là nỗi trăn trở của Chính phủ, doanh nhân và người dân Việt Nam hiện nay phải làm sao để phát triển kinh tế đất nước một cách nhanh chóng mà bền vững trên một nền tảng kinh tế-xã hội trong điều kiện thực tế của đất nước ta đang có.

Tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh vừa qua, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh kiến nghị, để nâng cao tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, cần xây dựng chiến lược phát triển các ngành sản xuất chủ lực, lựa chọn các mặt hàng mang tính đặc trưng và có lợi thế cạnh tranh cao. 

Ở thế mạnh của mỗi nơi, vùng miền phải phát triển tập trung đúng chủ lực và có sự liên kết chuỗi chặt chẽ từ đầu tư sản xuất đến chế biến tiêu thụ và đáp ứng chuẩn quốc tế. 

Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phát huy thế mạnh các mặt hàng cây ăn trái, nuôi trồng thủy hải sản; vùng Tây Nguyên đẩy mạnh phát triển cây nông nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu... Tuy nhiên, phải ưu tiên cho các ngành hàng, sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng, hạn chế mở rộng sản xuất công nghệ cũ, lạc hậu. 

Muốn làm điều đó phải tạo sự liên kết, thu hút vốn nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động; xây dựng lại hệ thống sản xuất trong nước, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Phía Nhà nước cần hỗ trợ, đổi mới về cơ chế chính sách, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, phân cấp cho địa phương hình thành tổ công tác chuyên ngành về đất đai, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp - người sản xuất để giải quyết nhanh những vấn đề cấp thiết từ cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, bảo vệ quyền thương hiệu sản phẩm, đảm bảo tính pháp lý cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. 

Doanh nghiệp tiếp tục cải tiến, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, giá thành hợp lý để cạnh tranh trên thị trường...

Ông Bùi Xuân Huy – Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland cho rằng: Vấn đề hội nhập luôn là cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Cơ hội khi các “cánh cửa” rộng mở thì chúng ta có thêm thị trường, tạo động lực phát triển. Sự hòa nhập sẽ giúp các doanh nghiệp Việt nhận thức được sự thiếu sót và có thêm nhiều kiến thức để chỉnh sửa khiếm khuyết của mình trên nhiều phương diện. Thách thức vì sự canh tranh sẽ rất khốc liệt, tác động mạnh đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chưa chuẩn bị sẵn sàng; điều này có thể làm chúng ta bị thua thiệt ngay trên “sân nhà”. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ để sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 sẽ diễn ra rất nhanh và đa dạng, do vậy nếu không muốn bị tụt hậu và bị đào thải, doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi về nhận thức; nâng cao năng lực quản trị, bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình hóa số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh... Một trong những chiến lược quan trọng là đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.

Chúng tôi đã đầu tư hơn 100 tỉ đồng vào dự án Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP (Enterprise Resource Planning) được sự tư vấn và triển khai trực tiếp từ SAP (Công ty phát triển phần mềm ERP) và sự hợp tác của Công ty GCS. Ngày 13-7-2017, Tổ chức đánh giá chứng nhận TUV Rheinland đã chính thức cấp GIẤY CHỨNG NHẬN ISO 27001 cho hệ thống quản lý an ninh thông tin của Novaland, hiệu lực đến ngày 11-7-2020. Đây cũng là một ví dụ cho nỗ lực không ngừng tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ.

Đặng Ngọc Như
.
.
.