Câu chuyên ngày Chủ nhật:

Ông Dũng, ông Đức, ông Miura

Chủ Nhật, 18/01/2015, 09:14
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch VFF là người chủ trương Nhật hoá nền bóng đá, và thế là ông Miura - một HLV người Nhật lập tức sang dẫn dắt ĐTQG Việt Nam. Nhưng đến Việt Nam rồi thì ông Miura lại nói những điều mà có thể là trước đó ông Dũng không nghĩ tới.

Cuối năm ngoái, khi trả lời một đài truyền hình Nhật Bản, ông Miura không ngại chê V.League, và gọi đấy là "một giải đấu kinh khủng". Trong cái nhìn của một nhà cầm quân quen sống trong một xã hội bóng đá nề nếp, kỷ cương như ông Miura thì V.League có vấn đề từ việc "các cầu thủ thể lực quá yếu" đến việc "công tác tổ chức giải đấu quá luộm thuộm".

Ngay sau khi nghe những nhận định thuộc dạng "thẳng như ruột ngựa" này, ông Lê Hùng Dũng đã công khai thể hiện sự đồng tình, và ông bảo một cái nhìn rất thật như thế đáng để những nhà tổ chức như mình lắng nghe.

Thực tình thì ngay cả khi có không đồng tình, ông Dũng cũng rất khó "phê" ông Miura trước dư luận, vì chính ông là người đã mang Miura đến, và trong những ngày gian khó đầu tiên của Miura ở Việt Nam - khi một bộ phận dư luận Việt Nam nghi ngờ kinh nghiệm cầm quân của một người mà trong vòng 1 năm trở lại đây chỉ chuyên làm nghề bình luận bóng đá trên truyền hình thì ông Dũng đã bảo vệ Miura hết mình.

Ông Miura luôn nói thật và không sợ mất lòng.

Mới đây, ông Miura đã ngồi ở sân Long An chứng kiến trận thua đầu tiên của CLB Hoàng Anh Gia Lai trước Đồng Tâm Long An, và sau đó đã nói rất thẳng là "thể lực các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai không đảm bảo". Ông Miura còn nhận xét: "Thế hệ U.19 Hoàng Anh rất giàu kỹ thuật và có triển vọng, nhưng theo tôi, ở thời điểm hiện tại họ chưa đủ đẳng cấp đá V.League".

Ông bầu Đoàn Nguyên Đức - cha đẻ của lứa cầu thủ này lập tức phản bác với lý lẽ: "Tôi thấy các cháu chạy ầm ầm, và không thể nói là các cháu yếu thể lực được". Riêng cái mệnh đề "chưa đủ kinh nghiệm đá V.League" thì ông Đức một mặt tỏ ra tôn trọng với tuyên bố: "Đấy cũng là chuyện bình thường, vì khi xem đá bóng, 100 người sẽ có 100 ý kiến khác nhau" nhưng mặt khác ông cũng tuyên bố rất sắc sảo: "Đừng nói các cháu thiếu kinh  nghiệm, bởi các cháu đã làm gì có kinh nghiệm mà thiếu. Nhưng nếu không cho ra thi đấu thì làm sao các cháu có kinh nghiệm được".

Những tuyên bố này phù hợp với tuyên bố trước mùa giải của ông, rằng khi đôn cả một thế hệ U.19 lên đá V.League ông đã chấp nhận viễn cảnh Hoàng Anh có thể xuống hạng. Và với ông, nhiệm vụ số 1 của các cầu thủ ở mùa giải năm nay không phải là thành tích, mà là cố gắng chơi hay, chơi đẹp, chơi hết sức mình để phục vụ nhu cầu thưởng thức bóng đá của người hâm mộ.

Thật ra điều đáng nói trong câu chuyện này không phải là những tuyên bố của ông Miura và ông Đức, tuyên bố nào có tính thuyết phục hơn, mà là dường như đã có một độ "vênh" nhất định trong quan điểm bóng đá của hai người. Và độ "vênh" ấy cần phải được chỉnh sửa, thống nhất khi cả hai ngồi chung bến, chung thuyền.

Ai cũng biết, bên cạnh tư cách ông chủ Hoàng Anh, ông Đức còn là PCT tài chính VFF nhiệm kỳ 7. Và ai cũng biết ĐT U.23 Quốc gia tham dự SEA Games 28 do ông Miura dẫn dắt có sự góp mặt của phần lớn quân bầu Đức.

Không phải đến bây giờ, mà ngay từ khi cái ý tưởng lấy thế hệ U.19 Hoàng Anh (năm nay đã thành U.20) làm nòng cốt ĐT U.23 dự SEA Games đã có người lo ngại thứ bóng đá có phần bay bướm của những cầu thủ này không phù hợp với triết lý đơn giản, hiện đại của thuyền trưởng Miura. Và vì thế không loại trừ khả năng sẽ có những xung đột về tư tưởng trong quá trình ông Miura làm việc. Lúc ấy, vai trò của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là cực kỳ quan trọng.

Ông Dũng, ông Đức, ông Miura, ba con người với ba thế đứng khác nhau có thể sẽ tạo nên những tính chất quan hệ khác nhau. Nhưng hy vọng là bất chấp những khác biệt thì khi ngồi chung một con thuyền, cả ba sẽ sớm thống nhất để có thể lèo lái con thuyền bóng đá một cách vững vàng.

Diệp Xưa
.
.
.