Vấn đề thể lực trong bóng đá Việt Nam:

Đoạn ngắn, đoạn dài

Thứ Bảy, 04/04/2015, 09:15
Ông Toshiya Miura đã làm nên một cuộc cách mạng thể lực với nền bóng đá, điều đó rõ như ban ngày. Nhưng đấy là một cuộc cách mạng mang nặng tính chất "ngắt ngọn", và chắc chắn chúng ta sẽ không thể phát triển lâu dài, bền vững nếu chỉ có những cuộc cách mạng "ngắt ngọn" như thế.

Cần nhắc lại rằng trước thềm Asiad 17 một năm về trước, khi ông Miura lần đầu tiên cầm quân ĐT Olympic và "ép" các cầu thủ vào những bài tập không bóng nặng nề thì đã lờ mờ xuất hiện những lời kêu ca. Nhưng vì các cầu thủ Olympic mang tâm lý phải lao vào tập luyện để chứng tỏ với dư luận mình không thua kém gì lứa đàn em U.19 - đội bóng gây sốt thời điểm ấy nên những kêu ca không bị phát triển một cách quá đà.

Điều tương tự cũng xảy ra trong quá trình chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2014 của ĐTVN. Và mọi thứ bị đẩy tới mức cao trào trong suốt quá trình chuẩn bị của ĐT U.23 cho vòng loại giải U.23 châu Á vừa rồi.

Lần này thì đã có những cầu thủ "bắn tin" cho báo giới về những phương pháp huấn luyện mà theo mình là  "không phù hợp với thể trạng của con người Việt Nam" mà Miura áp dụng. Và không chỉ dừng lại ở cấp độ cầu thủ, ngay cả một số chuyên gia gạo cội của bóng đá Việt Nam cũng ít nhiều đề cập tới chuyện "ông Miura ép các cầu thủ tập nặng ngay sau giai đoạn nghỉ Tết là rất có vấn đề".

Cầu thủ U.23 Việt Nam tiến bộ rõ rệt về thể lực dưới thời Miura. Ảnh: H.M.

Thực tế, đã có 12 cầu thủ lần lượt bị chấn thương, và theo đánh giá của giới chuyên môn thì nguyên nhân chủ yếu của những chấn thương đều đến từ những bài tập nặng. Thế nhưng rốt cuộc những cầu thủ trụ lại sau cuộc cách mạng thể lực của Miura đều đã chơi bóng một cách khỏe khoắn trước những đối thủ được nhận diện là có nền tảng thể lực dạt dào như Malaysia, Nhật Bản.

Từ ĐTQG đến ĐT Olympic có thể đưa ra kết luận ban đầu: phương pháp huấn luyện thể lực của Miura đã tỏ ra hiệu quả trong những lần ĐT hội quân. Nhưng kết luận ấy liệu có đủ tính thuyết phục để chúng ta tin rằng phương pháp Miura thực sự phù hợp với cầu thủ Việt Nam, và vì thế cần phải nhân rộng phương pháp này không chỉ ở cấp độ ĐTQG hay không?

Giờ là lúc bộ phận chuyên môn của VFF kết hợp với Viện Khoa học TDTT cần phải ngồi lại với nhau để đưa ra câu trả lời chính thức về vấn đề này. Và nếu câu trả lời đi theo chiều hướng tích cực thì liệu phương pháp Miura cần thiết phải được nhân rộng ở cấp độ CLB?

Xem U.23 Việt Nam thi đấu, chúng ta có cảm giác các cầu thủ đã có thể chạy trung bình khoảng 8km/trận, trong khi con số này ở V.League chỉ vào khoảng 5,6km (thống kê của cựu trưởng giải Tanaka Koji). Vậy thì phải làm gì để chỉ số này được tăng cao ở chính cái mặt bằng V.League, chứ không chỉ ở mặt bằng ĐT?

Hy vọng những nhà chuyên môn VFF có thể nhìn vào những thành công trong "đoạn ngắn" của HLV Miura để từ đó tìm ra những phương án phù hợp nhằm cải cách cả một lộ trình dài.

Cánh tay phải của Miura vẫn đi cùng ĐT U.23

Thông tin từ VFF cho hay, chuyên gia thể lực Kubo Shinichi - người đã được HLV Miura mang theo trong suốt thời kỳ huấn luyện ĐTVN và ĐT U.23 Việt Nam vừa qua sẽ tiếp tục sát cánh cùng ĐT U.23 trong thời gian chuẩn bị cho SEA Games 28 tới.

Thực tế, ông Kubo Shinichi là một chuyên gia trị liệu, chữa thương, chứ không phải là một chuyên gia thể lực đúng nghĩa. Mọi bài tập thể lực của ĐT đều do HLV Miura soạn thảo, nhưng vai trò và sự đóng góp của ông Kubo Shinichi  vào thành công chung của ĐT là không thể phủ nhận. (Ngọc Anh)


Diệp Xưa
.
.
.