Thể thao Việt Nam với Olympic: Điều kiện “cần” có thúc đẩy điều kiện “đủ”?

Chủ Nhật, 29/05/2016, 08:29
Vận động viên thi đấu có thành tích quốc tế, đặc biệt trong các đại hội thể thao quan trọng, chắc chắn được thưởng tương xứng. Với đấu trường Olympic, một số môn bắt đầu treo thưởng để vận động viên nỗ lực hết mình tranh tài mang về một kết quả tốt nhất. Dù thực tế, với thể thao Việt Nam, giành được một chiếc huy chương trong thi đấu Olympic vẫn còn vô vàn khó khăn.

Thưởng bộn tiền

Việc bắn súng sớm tìm được “Mạnh Thường Quân” và treo tổng thưởng lên tới 2,2 tỉ đồng cho kết quả Olympic 2016 đã cho thấy, các môn thể thao đang chủ động tìm tài trợ  nhằm động viên tinh thần cao nhất cho vận động viên. Đây là điều kiện “cần” quan trọng. 

Đội bắn súng tự tin khi được treo thưởng lớn và quyết giành huy chương Olympic.

Trong mức treo thưởng cho xạ thủ bắn súng tại Olympic 2016, nếu vận động viên giành được HCV, họ có thể nhận thưởng tới 2 tỉ đồng. Khoản thưởng trên là chưa kể các mức thưởng theo quy định của Nhà nước tại Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu (giành HCV Olympic nhận thưởng 160 triệu đồng, HCB là 80 triệu đồng/huy chương và HCĐ là 60 triệu đồng/huy chương). 

Ngoài môn bắn súng, nhiều môn như cầu lông, cử tạ, điền kinh, đua thuyền rowing, thể dục dụng cụ, bơi lội, đấu kiếm, vật... trong khả năng vận động của mình chắc chắn sẽ công bố một số mức thưởng riêng cho tuyển thủ đạt kết quả tại Olympic 2016. Nhìn lại lịch sử, thể thao Việt Nam có Trần Hiếu Ngân giành HCB ở Olympic 2000 tại Australia, Hoàng Anh Tuấn đoạt HCB ở Olympic 2008 tại Trung Quốc. 

Khi về nước, họ đã được tưởng thưởng những mức thưởng (khi đó) gần như là cao nhất cho vận động viên của thể thao thành tích cao. Từ việc được thưởng tiền, rồi nhận cấp đất và tăng lương gia tăng chế độ lương làm việc. Qua ngần ấy năm, nền kinh tế đã có sự phát triển và thay đổi nhiều. 

Cũng như, thể thao Việt Nam không gia tăng quá nhiều về số VĐV dự Olympic nhưng đã chất lượng hơn về chuyên môn. Số tiền thưởng tăng dần qua nhiều năm là điểm mừng. Tuy nhiên, nếu chỉ trông vào mức thưởng 160 triệu đồng/HCV mà đang được quy định theo Nhà nước thì hẳn sẽ khó đánh giá đúng hết sự nỗ lực của vận động viên khi làm nên kết quả kỳ tích đó.

Thực tế, thể thao Việt Nam chỉ đang mơ ước một ngày tương lai giành được HCV tại Olympic. Trong năng lực hiện tại và đội ngũ vận động viên hiện có, chúng ta biết khả năng của mình tới đâu nên giành suất chính thức dự Olympic qua đó phấn đấu đạt huy chương đã là đáng khen ngợi. 

Theo tìm hiểu, trước ngày đoàn thể thao Việt Nam lên đường dự Olympic 2016, Tổng cục TDTT sẽ tổ chức lễ xuất quân và cũng có công bố mức thưởng cho vận động viên đạt kết quả huy chương. Tiền thưởng nhiều hay ít phụ thuộc hoàn toàn ở khả năng kêu gọi tài trợ của ngành thể thao.

Chờ điều kiện “đủ”

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn đã khẳng định: “Chúng ta đi thi đấu Olympic là đấu trường không phải dành cho cọ xát mà ở đó chỉ có thắng hoặc thua. Vì vậy, vận động viên góp mặt là nỗ lực hết mình để đạt kết quả cao nhất của bản thân”.

Có mặt trong lễ công bố mức treo thưởng cho kết quả Olympic 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường (hai người đạt suất chính thức Olympic 2016 cho bắn súng Việt Nam) đều chung quan điểm, đó là tập luyện và ổn định tâm lý cho mục tiêu lọt vào chung kết nội dung trước rồi mới tính tới thi đấu chung kết ra sao. 

Người làm thể thao đều biết bắn súng và cử tạ là môn thể thao Việt Nam có triển vọng giành huy chương ở Olympic 2016. Còn nhớ, ASIAD 16-2010, Hoàng Xuân Vinh đứng trước cơ hội giành chiếc HCV lịch sử khi chỉ còn lượt bắn cuối. Đáng tiếc, viên đạn cướp cò trượt hồng tâm và Xuân Vinh chỉ có HCB. Olympic 2012, xạ thủ này chỉ cách chiếc HCĐ nội dung 50m súng ngắn thể thao 0,1 điểm tại chung kết. 

Yếu tố tâm lý trong bắn súng vô cùng quan trọng và chỉ người trực tiếp thi đấu tại Olympic mới hiểu cảm giác áp lực như thế nào. Cử tạ đã chọn xong những con người đi Olympic 2016 thi đấu. Hai niềm hy vọng số 1 là Vương Thị Huyền (48kg nữ) và Thạch Kim Tuấn (56kg nam). 

HLV Huỳnh Hữu Chí từng phân tích: “Nếu tâm lý vận động viên không vững thì ngay trong khởi động đã bị khớp chứ chưa nói ra thi đấu. Tranh tài tại Olympic còn áp lực hơn cả vô địch thế giới”. Không run, không sợ, bỏ được áp lực tâm lý thì điều kiện “đủ này” sẽ giúp cử tạ và bắn súng chắc chắn đạt hiệu suất cao tại Olympic 2016 được tranh tài ở Rio de Janeiro (Brazil) vào tháng 8 tới đây.

Bóng ma Doping

Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vừa xác nhận và công bố 23 vận động viên từng dự Olympic 2012 tại London (Anh) đã dính doping sau khi tiến hành kiểm tra lại mẫu thử đã lấy cách đây 4 năm. Đây là các vận động viên của 5 môn thể thao và tới từ 6 quốc gia khác nhau. Thông qua quá trình phân tích các mẫu máu (đã được giữ đông lạnh) và mẫu nước tiểu được bảo quản thì kết quả dương tính được công khai. Nhằm đảm bảo lại một kết quả trong sạch nhất, IOC đã cho kiểm tra phân tích lại 265 mẫu thử từng được lấy của các vận động viên tại Olympic 2012 và 23 trong số đó bị dính doping. Điều này cho thấy rằng, không phải vận động viên đã vượt qua cuộc kiểm tra và sau một thời gian dài có thể yên tâm bởi khi công nghệ càng phát triển hơn, mẫu thử được lưu trữ vẫn bị kiểm tra lại, qua đó kết quả thi đấu hoàn toàn bị hủy bỏ. (Diệu Phương)


Diệu Phương
.
.
.