Xúc cảm Euro 2012 của nữ PV yêu bóng đá

Thứ Hai, 25/06/2012, 09:26
Tiểu Huyền được biết đến như một nữ phóng viên thể thao hiếm hoi "ăn bóng đá, ngủ bóng đá và say bóng đá…" chẳng khác gì những nam đồng nghiệp. Euro này, Tiểu Huyền bận bịu với những buổi lên sóng hàng ngày của nhà đài VTV, song trong những giờ phút rảnh rỗi xa xỉ, Tiểu Huyền vẫn kịp ghi lại những xúc cảm đặc biệt của mình về một kỳ Euro nhiều màu sắc. Và Tiểu Huyền đã gửi tới Báo CAND một bài viết - một xúc cảm như thế. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

"Tháng 6 nóng như đổ lửa, cây sấu già thả chiếc lá xanh..."

Những ngày tháng 6 nóng nực, tắm mình vào không khí Euro nhiều lúc thấy tâm hồn mình bỗng như rượi mát. Nhưng điều gì ở Euro làm mình có cảm giác rượi mát như thế chứ? Tự hỏi rồi tôi tự trả lời: Đó là sự đáng yêu của các fan hâm mộ trên bốn phía khán đài!

Euro này, tôi chú ý đặc biệt tới sắc vàng - xanh của các CĐV Thụy Điển. Với việc cả 3 trận đấu của Thụy Điển đều diễn ra tại Kiev, người ta đã được chứng kiến sắc vàng - xanh Thụy Điển làm rực rỡ cả một góc thủ đô Ukraina. Vấn đề đáng nói nằm ở chỗ: mặc dù đội bóng của các cổ động viên này  đã bị loại ngay vòng đấu bảng, thì dấu ấn họ để lại đâu chỉ có cú vô lê tuyệt đỉnh của Zlatan Ibrahimovic cùng một trận cầu tuyệt đẹp trước "ông kẹ" Pháp, mà còn là cách người hâm mộ và các cầu thủ Thụy Điển tri ân với nhau, và cả lời cảm ơn Kiev nữa. Vậy thì đó đâu  phải là một lời chia tay bi kịch? Tôi vẫn thấy ở Kiev có những người hùng trong lòng những người hâm mộ Thụy Điển, những người đã nói lời  cảm ơn Ibra và các đồng đội và rồi lại bay bổng mơ về World Cup hai năm nữa.

Nếu xét về sự lạc quan thì chắc sẽ chẳng ai lạc quan hơn các cổ động viên Cộng hòa Ireland. Sắc xanh lá - màu áo của Ireland vốn tượng trưng cho hòa bình và họ, những CĐV đáng yêu của Ireland cũng đã thể hiện một sự hiền hòa rất đặc trưng. Có lẽ việc phải chờ đợi tới 24 năm mới được quay trở lại đấu trường châu lục đã khiến cho họ trở nên kiên nhẫn, dù đội bóng của họ đã thua cả 3 trận ở vòng đấu bảng và chỉ ghi được duy nhất 1 bàn mà thôi. Đội tuyển Ireland có thể bị loại bởi những Tây Ban Nha, Italia hay Croatia vì  sự chênh lệch quá lớn về trình độ, nhưng các cổ động viên Ireland thì vẫn luôn tự hào bởi đội bóng của họ đã thi đấu hết mình.

CĐV Irceland với một màu xanh quyến rũ.

Nhìn những khoảnh khắc rất hồn nhiên của các CĐV tại Euro mà chợt ngẫm nghĩ về giá trị của quả bóng tròn. Từ thuở đầu xuất hiện, bóng đá vốn chỉ là một trò chơi mà chúng ta vẫn nói vui là 22 cầu thủ tranh nhau một quả bóng. Rồi khi bóng đá bắt đầu phát triển thì nó mang đến niềm vui đích thực cho mọi người xem. Nhưng dần dà, bóng đá không còn đơn giản như thế nữa. Đôi khi người ta đánh đồng tình yêu bóng đá với những thương vụ thâu tóm đội bóng, mua sắm rồi chuyển nhượng cầu thủ mà chắc hẳn là các ông chủ Ả Rập rồi Mỹ, Nga cũng không thể ném tiền qua cửa sổ mà không hề toan tính. Bóng đá còn có một  mối liên hệ chặt chẽ với chính trị và đời sống, nơi mà đôi khi chỉ một  sai lầm thôi người ta có thể phải trả giá bằng cả tính mạng mình. Tức là bóng đá bây giờ không còn là những niềm vui đơn thuần nữa, mà đôi khi bị chính trị hóa và… kinh tế hóa.

CĐV Hy Lạp với chiếc mũ chiến binh giàu ấn tượng.

Ngay tại Euro này, khi đội tuyển Đức gặp Hy Lạp ở vòng Tứ kết, bên cạnh những yếu tố chuyên môn hay chút kí ức người ta dành cho Otto Rehagel - vị huấn luyện viên người Đức đã từng đưa Hy Lạp lên ngôi vô địch tại Euro 2004, chủ đề được nhắc đến nhiều nhất lại là vấn đề công nợ châu Âu mà Đức - nền kinh tế mạnh nhất châu Âu được coi là "chủ nợ" của đất nước Hy Lạp. Thậm chí, báo chí nước ngoài còn nhắc đến việc Hy Lạp chuẩn bị phải rời khối đồng tiền chung châu Âu eurozone nhiều hơn cả việc Hy Lạp có thể phải rời Euro 2012. Nhưng thực ra thì khi ra sân, liệu các cầu thủ có nghĩ đến những vấn đề như thế, và trên khán đài, liệu các cổ động viên có bận tâm nhiều đến thế? Câu trả lời là "không". Ở trên sân, người ta còn mải mê dõi theo và hòa chung nhịp đập của trái bóng tròn Tango 2012 đấy chứ.

Giống như cách mà trẻ con yêu thích một thứ gì đó, chúng luôn có lý do rất ngây ngô của riêng mình. Chẳng hạn như thằng bé Su - cháu tôi, hồi năm 2010, khi mọi người bận tranh cãi giữa Uyên Linh hay Văn Mai Hương, ai xứng đáng là Vietnam Idol thì câu trả lời của cậu nhóc là Lều Phương Anh. Còn tại Euro 2012, khi tôi hỏi "cháu thích đội tuyển nào?" thì câu trả lời mà tôi nhận được cũng rất bất ngờ. Đó là đội tuyển Hy Lạp. Chẳng phải là vì Hy Lạp từng vô địch Euro 2004 đâu, vì khi đó Su còn chưa ra đời. Lý do của cậu bé là vì những chiếc mũ chiến binh của các cổ động viên Hy Lạp trên khán đài. Và như thế, cậu bé đã vui mừng khi Hy Lạp thắng và vượt qua vòng đấu bảng như thể vừa vô địch. Niềm vui mà bóng đá mang lại cho Su mùa hè này chỉ có thế, rất giản dị và ngây thơ, nhưng tôi thấy đó mới là vẻ đẹp nguyên bản của bóng đá.

Như cách trẻ con yêu trái bóng tròn, xin hãy để bóng đá là một trò chơi mang lại niềm vui thuần khiết, thay vì phủ lên nó những sắc màu chính trị. Và may mắn sao, trong những ngày tháng 6 oi nồng, thức đêm xem Euro chúng ta đã được nhìn thấy những khoảnh khắc bóng đá thuần khiết như thế. Những khoảnh khắc giống như những cây sấu già thả chiếc lá xanh trong những câu hát về tháng sau: "Tháng Sáu nóng như đổ lửa/ Cây xấu già thả chiếc lá xanh…"

Tiểu Huyền
.
.
.