World Cup xa hay gần?

Chủ Nhật, 15/02/2015, 11:09
Ông Toshyia Miura - HLV trưởng ĐTVN khi trả lời phỏng vấn một đài truyền hình Nhật Bản quê mình đã không ngại trách những nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam không dám đặt mục tiêu World Cup.

Ông Miura làm người ta nhớ đến ông Dido, người từng bất ngờ ngồi lên ghế thuyền trưởng ĐT Việt Nam năm 2001, và cũng là người trở nên nổi tiếng với câu nói: "Tôi mơ sẽ cùng ĐT Việt Nam tham dự VCK World Cup". Câu hỏi đặt ra: với nền bóng đá này, World Cup xa hay gần?

Trước khi ông Miura trách giới lãnh đạo bóng đá nước nhà, và trước khi ông Dido mơ mộng, có lẽ cả hai ông đều chưa từng nghe kể là ở nhiệm kỳ 3 VFF, các quan chức đã đặt ra mục tiêu World Cup cho ĐTQG nam. Hồi ấy, khi người ta chỉ vừa công bố "năm 2022, ĐT nam Việt Nam cố gắng dự World Cup" là nhiều nhà báo chuyên theo dõi mảng bóng đá đã đặt ra câu hỏi: "Có phải, bệnh đại ngôn trong bóng đá xứ mình đã trở nên trầm trọng?".

Nếu câu chuyện ở VFF khoá 3 là quá xa xôi thì có thể kể đến câu chuyện mới nhất, ở ngay VFF khoá 7, liên quan trực tiếp đến đương kim chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Chẳng là trong một lần thăm hỏi, giao nhiệm vụ cho ĐT U.19 Quốc gia - một ĐT gắn liền với một thế hệ cầu thủ được đào tạo theo công nghệ châu Âu của Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG thì ông Dũng cũng bày tỏ hy vọng những cầu thủ này sẽ giúp bóng đá Việt Nam có mặt ở VCK World Cup 2018.

Khi bị nhiều nhà báo nhận xét là: "Cứ nghĩ đến chuyện viển vông, phi thực tế", ông Dũng lập tức phản lại: "Đã sống là phải có hy vọng, có ước mơ". Như thế có nghĩa, từ nhiệm kỳ 3 đến nhiệm kỳ 7 VFF thì cái đích World Cup đã được chuyển dịch từ "mục tiêu chiến lược" thành "ước mơ chiến lược".

Quả đúng là với chúng ta, gắn vào hai chữ "World Cup" xa vời kia hai chữ "ước mơ", thay vì hai chữ "mục tiêu" sẽ dễ nghe hơn nhiều. Và quả đúng là một con người cũng như một tập hợp con người - một nền bóng đá luôn cần nuôi cho mình một ước mơ chiến lược. Nhưng nói như HLV cựu trào Lê Thụy Hải thì một cậu bé chưa tốt nghiệp cấp 1 lại cứ mơ thi đỗ đại học thì buồn cười lắm. Vả lại, quan trọng hơn: chúng ta mơ mộng, nhưng chúng ta đã làm gì cho giấc mơ của mình?

Hy vọng với HLV Miura (trái), bóng đá Việt Nam sẽ có nhiều vết son trong năm mới. Ảnh: H.M.

Lại phải mượn những nhận xét khách quan của những ông thầy ngoại từng hành nghề ở Việt Nam để trả lời câu hỏi này. Năm 1998, khi lần đầu tiên tới Việt Nam, chứng kiến một nền bóng đá làm tất cả để ĐTQG có thành tích ở sân chơi khu vực nhưng lại bỏ lỏng giải VĐQG cùng mảng đào tạo cầu thủ trẻ, thầy Áo Alfred Riedl từng nói một câu nổi tiếng: "Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc".

Một nhà báo thể thao cựu trào hồi ấy nói thêm: "Nhưng cái nóc cũng đâu có sáng sủa gì". Còn bây giờ, khi mới chỉ "ngửi mùi" V.League - cái nôi cung cấp con người cho ĐTQG thì thầy Nhật Miura đã thốt lên: "Đấy là một giải đấu kinh khủng".

Từ 1998 đến 2014 là gần 20 năm, thế mà những nhận xét vẫn vang lên một cách tàn nhẫn như vậy đấy. Tất nhiên, lời ông Riedl, ông Miura không phải là lời của thánh, nên không hoàn toàn đúng 100%, nhưng những ai hiểu thực trạng bóng đá Việt Nam và hiểu cách tổ chức, điều hành nền bóng đá đều thống nhất những gì hai ông này nói đều mang tính trực quan sinh động khá cao.

Tính đến những năm 2000 này mà cả nước mới chỉ có duy nhất một Hoàng Anh Gia Lai sử dụng công nghệ đào tạo nước ngoài để tạo nên một lứa cầu thủ hy vọng có thể tiệm cận với nước ngoài, trong khi hãy nhìn sang bóng đá Nhật - nền bóng đá chúng ta đang lấy làm khuôn mẫu: Ở đó, có rất nhiều học viện bóng đá hiện đại như học viện HAGL JMG.

Thế mới có chuyện, nếu ĐT U.19 Nhật Bản là tập hợp tinh hoa của nhiều học viện gộp lại thì ĐT U.19 Việt Nam thực chất lại là ĐT của một Học viện tăng cường. Từ đó mới dẫn đến chuyện: người Nhật luôn thừa con người, thừa tài năng để đối phó và thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau, trong khi với U.19 Việt Nam, khi những "phương án 1" như Công Phượng, Xuân Trường, Đông Triều không thể ra sân là lập tức cả một hệ thống có vấn đề.

Ai cũng biết, mặt bằng xã hội Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội Nhật, nên bộ máy điều hành tổ chức và hệ thống nền bóng đá Việt Nam nói chung cũng thấp hơn người Nhật rất, rất nhiều. Và vì thế ai cũng biết: chỉ khi nào chúng ta đạt trình độ tương đương người Nhật thì giấc mơ World Cup mới trở nên gần gũi.

Tuy nhiên, giấc mơ World Cup xa rời với ĐTQG nam bao nhiêu thì ngay trong năm 2014 vừa rồi nó lại gần gũi với ĐTQG nữ và ĐT U.19 nam bấy nhiêu. Do "bà chị" CHDCND Triều Tiên bị đình chỉ thi đấu vì "dính" doping mà đột nhiên một suất dự World Cup bóng đá nữ lại "rơi" xuống đầu các đội bóng Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar.

Và trong cuộc cạnh tranh với những người hàng xóm, ĐT nữ Việt Nam đã rất thuận lợi khi "lôi" được giải đấu về sân mình, lại "ép" được đối thủ vào một lịch thi đấu bất lợi hơn mình. Thế nhưng trong trận quyết đấu với Thái Lan, dù đã thi đấu bằng tất cả khả năng có thể, các cô gái nhà ta vẫn chịu trận rõ ràng.

Đến Asiad 17 tại Hàn Quốc, khi nữ Việt Nam dưới thời thầy nội Mai Đức Chung thắng lại nữ Thái Lan thì ông chủ tịch Liên đoàn mới tiếc nuối: "Giá mà ông Chung dẫn dắt ĐT sớm hơn thì có thể mọi thứ đã khác rồi...".

Với ĐT U.19 Quốc gia cũng thế, ngày các cầu thủ ra quân ở VCK U.19 châu Á - giải mà chúng ta đặt mục tiêu lọt vào top 4 để tham dự VCK World Cup U.20 thế giới vào năm sau thì ông bầu Đoàn Nguyên Đức, kiêm trưởng đoàn ĐT đã "lên lớp" cả tiếng đồng hồ. Ông khẳng định, so với những Hàn Quốc, Nhật Bản, các cầu thủ được đầu tư không thua kém gì, rồi khẳng định niềm tin lứa cầu thủ hy vọng này sẽ làm nên chuyện lớn.

Ngay sau đó, khi U.19 Việt Nam vỡ đến 6 bàn trước U.19 Hàn Quốc, vỡ không hẳn vì quá yếu kém về chuyên môn mà vì đều bị "tâm lý" khi ra trận thì ông Đức đã thừa nhận: "Tất cả lỗi là ở tôi". VCK U.19 châu Á thất bại cho thấy chúng ta dường như không chỉ thấp hơn đối thủ ở phương diện chất lượng tinh binh, mà còn thấp hơn ở cả những phương diện khác liên quan đến việc chỉ đạo tinh thần, tư tưởng.

Năm 2014, bóng đá Việt Nam gãy nặng hai mục tiêu World Cup của ĐT nữ QG và ĐT U.19 QG, còn cái giấc mơ "Các cầu thủ U.19 đưa bóng đá Việt Nam có mặt ở VCK World Cup 2018" của ông chủ tịch Liên đoàn có lẽ cũng sẽ gãy, bằng cách này hay cách khác.

Năm 2015, có lẽ bóng đá Việt Nam không nên nghĩ tới chuyện World Cup nữa, cũng đừng quá chạnh lòng nếu lại nghe HLV trưởng ĐTQG Toshyia Miura trách móc chúng ta "không dám mơ cao".

Năm 2015, thực tế hơn và quan trọng hơn: hãy nghĩ đến chuyện cải cách mạnh mẽ những lò đào tạo trẻ cùng hệ thống thi đấu giải VĐQG để đến một ngày nào đó chúng ta có thể đàng hoàng sở hữu một cái quyền tưởng là rất đơn giản nhưng thực chất lại không hề đơn giản:

Quyền được ước mơ!

Phan Đăng
.
.
.