World Cup 2014 những điều còn lại

Thứ Ba, 15/07/2014, 14:54
Giao hưởng World Cup năm nay được bắt đầu bằng trường đoạn mang đầy sự ám ảnh, sợ hãi đến mức tuyệt vọng, đầy tai ương của Tây Ban Nha, Italia, Anh. Tiếp đó là những khúc thăng hoa đầy tươi sáng với những niềm kì vọng của Hà Lan, Argentina. Rồi những nốt nhạc bi kịch, những nỗi đau sầu thảm của Brazil... Ngày chia tay, Đức lên ngôi, nó giống như một lời kết hợp lí nhất, hoàn hảo nhất, công bằng nhất để tạo nên bản giao hưởng World Cup đầy quyến rũ.

Lại được học hỏi một vùng đất mới

Đối với tôi, mỗi ngày hội thể thao lớn đều có 2 ý nghĩa: Thưởng thức và học hỏi, tôi thấy World Cup 2014 là một đỉnh cao trên cả 2 phương diện ấy. Chúng ta đã được thưởng thức những trận đấu hấp dẫn, những bàn thắng đẹp, được ngắm nhìn những tài năng xuất chúng, được trải qua những giây phút thắt tim hay nghẹt thở, rồi lưu lại trong tâm tưởng những khoảng khắc sống động nhiều màu sắc. Chúng ta lại được học hỏi và làm quen với một vùng đất hấp dẫn về cảnh quan thiên nhiên, về bản sắc văn hóa, về tính cách con người, những cái luôn gắn bó với bóng đá.

Đặc biệt hơn, năm nay tôi được mời cộng tác với Tin nhanh World Cup, phụ trương của Báo CAND. Khi anh Phan Đăng gọi điện thoại, tôi đã nhận lời ngay, không một phút chần chừ. Vì một lẽ đơn giản: Tôi có 40 năm phục vụ trong quân đội, chúng ta là đồng đội. Sau này, tôi mừng lắm, vì biết tờ báo được đông đảo độc giả đón nhận. Và tôi cũng vui vì mình đã đóng góp được một số bài viết. Không nhiều, nhưng đầy niềm tin yêu, đầy sự tha thiết và mê mải.

Xin cảm ơn, một mùa World Cup cùng Báo CAND.

Messi vẫn đi vào huyền thoại

Cú sút phạt bay vọt lên bầu trời đêm Rio ở phút thứ 123 đã khép lại giấc mơ vô địch của Messi tại World Cup 2014. Thực ra từ 10 phút trước, khi Gotze ghi bàn thắng từ pha lơ đễnh hiếm có của hàng thủ Argentina, hi vọng có "vàng" của số 10 đã không còn. Trên khuôn mặt nhăn nhó lúc đó, thoáng hiện nụ cười cay đắng, cam chịu khi biết rằng, với quỹ thời gian còn vài năm thi đấu đỉnh cao, chức vô địch World Cup gần như đã ngoài tầm với của bản thân.

Chịu kỳ vọng về việc phải làm được những điều kỳ diệu mà Maradona đã làm cách đây 28 năm, Messi gánh trên vai ngàn cân sức ép. Nhưng điều kỳ diệu chỉ đến một lần, bởi ngoài yếu tố thiên tài, may mắn và thời điểm phù hợp, yếu tố rất quan trọng cần có là: Những vệ tinh xung quanh (bao gồm đồng đội và thậm chí cả HLV) phải ở tầm đủ để chuyển hóa hành động phi thường thành kết quả. Maradona đã có điều đó tại Mexico 1986, còn Messi thì không.

Gương mặt thất thần, không biểu cảm của Messi trong lễ trao giải có lẽ là một lời vĩnh biệt cho nỗ lực gần như chạm tới giới hạn thể lực và kỹ thuật của anh. 4 năm nữa, chẳng ai tin rằng xứ sở bạch dương sẽ chứng kiến những pha solo đi qua vài đối thủ của Messi ở tuổi 31. Nhưng dẫu vậy, người ta sẽ vẫn nhớ mãi một huyền thoại, cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2014 có tên Leonel Messi, người gánh cả một đất nước trên vai đến trận chung kết.

Ấn tượng tuổi 22

Tôi ấn tượng với những số phận, những nỗi niềm khác nhau của tuổi 22 ở kỳ World Cup này.

Tuổi 22 của James Rodriguez - Vua phá lưới của giải - với những giọt nước mắt tức tưởi sau trận tứ kết Colombia - Brazil, một trận đấu mà nói như chính Rodriguez thì: "Chúng tôi đã làm tất cả, nhưng không thắng được ông trọng tài".

Tuổi 22 của Neymar với pha ngã sân đau đớn và một chấn thương cột sống kinh hoàng cũng trong trận đấu này. Nghe đâu, nếu vết thương của Neymar chỉ cao hơn chừng 2 cm thì anh đã phải giải nghệ, và tuổi 22 vì thế sẽ là tuổi của kỳ World Cup cuối cùng.

Rồi tuổi 22 của Goetze nữa. Vào sân ở phút 88 trận chung kết, vừa nghe HLV Joachim Loew kích: "Cậu hãy chứng tỏ cậu còn giỏi hơn cả Messi", Goetz thi đấu năng nổ, và đã có một pha đỡ ngực, một cú tung chân không thể gọn ghẽ hơn, làm tung lưới Argentina, mang về chiến thắng sau cùng cho Đức.

Từ Rodriguez đến Neymar và đến Goetz, chúng ta thấy những cung bậc, những nỗi niềm, những ngã rẽ khác nhau của cùng một độ tuổi. 4 năm nữa có lẽ họ tiếp tục có mặt ở một kỳ World Cup. Và 4 năm nữa, chúng ta rồi sẽ được kiểm chứng xem, những con người mà hôm nay từng đứng ở cùng một vạch xuất phát rồi sẽ đối diện với những hiện thực nào?

Những xúc cảm trôi qua từng khoảnh khắc

Giao hưởng World Cup năm nay được bắt đầu bằng trường đoạn mang đầy sự ám ảnh, sợ hãi đến mức tuyệt vọng, đầy tai ương của Tây Ban Nha, Italia, Anh. Tiếp đó là những khúc thăng hoa đầy tươi sáng với những niềm kì vọng của Hà Lan, Argentina. Rồi những nốt nhạc bi kịch, những nỗi đau sầu thảm của Brazil... Ngày chia tay, Đức lên ngôi, nó giống như một lời kết hợp lí nhất, hoàn hảo nhất, công bằng nhất để tạo nên bản giao hưởng World Cup đầy quyến rũ.

Không chỉ ấn tượng về World Cup, tôi còn có nét nhạc riêng cho mình. Đó chính là nơi những con chữ này chạy nhảy. Chưa bao giờ tôi cộng tác với một tờ "Tin nhanh", sản phẩm tưởng như chỉ còn trong lịch sử. Nhưng nó đã tái hiện ở đây, chỉ với 8 trang và 38 số. Là tờ báo chưa từng tham gia chiến dịch World Cup nói riêng và thể thao nói chung, nhưng Tin nhanh của Báo CAND lại xuất hiện và để lại dấu ấn đậm nét với sự khác biệt, chuyên sâu và góc cạnh của mình, với một ê kíp gọn gàng, chuyên nghiệp như thể họ đã gắn bó, “chạy” với World Cup từ lâu lắm rồi. Họ đã tạo ra một “dàn nhạc” tuyệt vời để có thể chơi một cách ngọt nhất, hoàn hảo nhất bản giao hưởng World Cup 2014.

Ngày vui qua mau

Lại vẫn là tiêu đề của cuốn tiểu thuyết do nhà văn Tuấn Huy viết: “Ngày vui qua mau”. Tôi rất thích mấy chữ ấy, ngày vui qua mau. Bởi, có ngày vui nào mà không qua mau.

Trưa, tôi đang nhìn lá rơi trong công viên Tao Đàn thì Phan Đăng gọi: “Anh viết “Facebook của tôi” cho Tin nhanh báo mình nhé”. Tất nhiên, với Phan Đăng thì không thể từ chối. Nhưng, vẫn ngại ngùng. Tôi chưa viết thể thao lần nào, lại càng chưa có ý niệm xem bóng đá để tìm chi tiết lẩy mà viết.

Chơi với mấy anh em chuyên mảng thể thao, biết ai cũng giỏi, biết ai cũng am tường. Mình ngoại đạo, viết láo nháo anh em cười. Chắc chữ còn độ, nên bài viết ra nhận được phản hồi từ đồng nghiệp, từ độc giả không đến nỗi nào.

Rạng sáng qua, người Đức đã giành Cúp Vàng, ngày vui qua mau, mọi thứ khép lại rồi. Dẫu vậy, nỗi háo hức về những đêm chong mắt xem để thưởng thức, xem để viết vẫn còn tươi mới như khi xem Brazil đá trận khai mạc với Croatia vậy.

Tôi vẫn biết, báo in đang khó, dạng báo mùa vụ như Tin nhanh World Cup còn khó hơn. Thế nhưng, tôi vẫn nghĩ đời người quan trọng nhất là sự trải nghiệm.

Có trải nghiệm thì mới có dư vị, đời sống không có dư vị thì nhạt lắm. Và chắc chắn, dư vị của mùa World Cup năm nay sẽ theo tôi mãi cho đến tận khi tôi không còn viết được
.
.
.