World Cup 2010 trong sự đối chiếu với bóng đá Việt Nam

Thứ Tư, 14/07/2010, 10:20
Có quá nhiều ấn tượng về một kỳ World Cup ở Nam Phi. Và với bóng đá Việt Nam thì những ấn tượng ấy được khúc xạ với cả hai chiều nhận thức: Đáng học và không đáng học.

Không học bạo lực

9 thẻ vàng 1 thẻ đỏ - đấy là tổng số thẻ mà Hà Lan phải nhận trong trận chung kết. Và đấy cũng là con số điển hình chứng minh cho tư tưởng thực dụng của một trong những đội bóng thực dụng nhất World Cup. Với tư tưởng thực dụng ấy, nhiều trận đấu World Cup có nhiều thời điểm không khác gì những cuộc chiến trên võ đài, điển hình như hiệp 1 trận Hà Lan - Brazil. Có một điều rất lạ, trong thời gian diễn ra World Cup thì V.League 2010 ở Việt Nam cũng chạy đều đều, và ở trong cái quĩ đạo "chạy đều đều" ấy, người ta cũng phải thấy ngột ngạt với một thứ bóng đá bạo lực được một số cầu thủ thỏa sức triển khai.

Đã có câu hỏi đặt ra: Phải chăng cầu thủ nhà mình xem World Cup nên bắt chước "bóng đá bạo lực" ở World Cup? Thật ra thì chẳng cần đến World Cup, V.League của chúng ta những năm gần đây đã có nhiều màu sắc bạo lực. Nhưng đúng là khi sự bạo lực ở V.League đồng hành với sự bạo lực ở World Cup thì người ta lại càng có cơ sở để đối chiếu, ví von. Thôi thì hãy cùng bảo nhau: Chớ có học cái tư tưởng bạo lực ở World Cup đấy.

Không học sự ích kỷ

World Cup 2010 có không ít những hình ảnh "tố cáo" sự ích kỷ của những nhà cầm quân nổi tiếng. Chẳng hạn như hình ảnh HLV trưởng Domenech của Pháp nhất định không chịu bắt tay HLV Pareria của Nam Phi sau trận Pháp - Nam Phi với cái lý do rất trẻ con: "Trước giải đấu này, ông ấy đã lên án ĐT Pháp của chúng tôi". Cả nước Pháp sau đó phê phán Domenech là đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh lịch thiệp của văn hóa Pháp. Nhưng không chỉ có mỗi Domenech, World Cup này còn chứng kiến sự "thiếu lịch thiệp" của HLV Dunga (Brazil) khi ông này hất hàm hỏi một phóng viên người Bờ Biển Ngà một cách rất thiếu lịch sự trong phòng họp báo sau trận Brazil - Bờ Biển Ngà. Sau này, ông Dunga đã phải lên tiếng xin lỗi giới mộ điệu Bờ Biển Ngà.

Pha vào bóng quyết liệt của các tuyển thủ Hà Lan.

Ở Việt Nam chúng ta, cũng đã có cảnh những HLV không chịu bắt tay nhau sau một trận đấu. Rồi cũng có cả việc ông Alfred Riedl - cựu HLV trưởng ĐTVN mắng thẳng mặt một phóng viên bằng câu: "Sao anh lại hỏi tôi cái câu ngu ngốc như vậy". Thế nên khi chứng kiến những hành vi thiếu lịch sự của các HLV ở World Cup năm nay, một chuyên gia bóng đá Việt chia sẻ với chúng tôi: Nó là cái "lỗ đen" để những HLV nhà mình biết nhìn vào và không lặp lại.

Không học tư tưởng mê tín

Dù muốn hay không muốn cũng phải thừa nhận rằng "tư tưởng mê tín" ít nhiều đã được thể hiện ở World Cup năm nay. Chẳng hạn như việc cả nước Đức tin vào tài dự đoán của chú bạch tuộc Paul ở Viện Hải dương học sea life (Đức). Thực tiễn chứng minh, chú bạch tuộc này đã dự đoán trúng kết quả của tất cả các trận đấu ở World Cup có đội Đức và trận chung kết giữa Tây Ban Nha với Hà Lan. Nhưng thật ra đã có những nghiên cứu chứng minh rằng đấy hoàn toàn có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Tiếc thay người ta đã cố tình lờ đi cái vế "trùng hợp ngẫu nhiên" để đẩy vấn đề theo chiều hướng mê tín rất đỗi buồn cười. Chỗ này thì bóng đá Việt Nam cũng có rất nhiều phen tương đồng, mà nổi bật nhất chính là phi vụ "đi xem bói cho ĐTQG" của một số quan chức VFF năm 2003.

Rõ ràng là thế giới cho đến thế kỷ thứ 21 này vẫn có nhiều bí ẩn không thể lý giải được. Nhưng nếu vì thế mà dễ dàng sống và tin với những khuynh hướng mê tín trong bóng đá thì thật khó coi.

Học việc thích nghi với hoàn cảnh

Trái bóng Jabulani - trái bóng của các trận đấu World Cup năm nay đã bị người ta tố cáo đủ điều. Nhưng riêng ĐT Uruguay và chân sút Forlan đã chơi rất hay với cái trái bóng bị tố cáo đó. Người ta kết luận: Uruguay chính là đội bóng thích nghi với trái bóng Jabulani cao nhất World Cup năm nay.

Huy chương vàng là kết quả xứng đáng cho các tuyển thủ Tây Ban Nha.

Thật ra cứ cho là trái bóng "có vấn đề" thì rõ ràng là thay vì chỉ biết đứng lên để kêu ca, điều người ta cần làm là phải tìm cách thích nghi với nó. Người Uruguay đã làm rất tốt điều này, và có lẽ đó chính là một trong những lý do khiến một đội bóng không được đánh giá cao như họ rốt cuộc đã trở thành đội bóng duy nhất của Nam Mỹ lọt vào vòng bán kết.

Cầu thủ và các HLV Việt Nam lâu nay cũng hay có bệnh "đổ thừa" cho điều kiện khách quan, từ thời tiết, trái bóng, cho đến SVĐ. Nhưng hãy nhìn vào những gì Uruguay đã làm để biết phải hành động như thế nào ngay cả khi "điều kiện khách quan" không thật phù hợp với mình.

Học cách phản ứng trọng tài

World Cup 2010 có rất nhiều vụ các trọng tài sai những cái sai chết người, điển hình như việc ĐT Anh đã bị từ chối một bàn thắng hợp lệ, hay ĐT Mexico bị thua một bàn thua mà cầu thủ ghi bàn đã việt vị. Vấn đề là sau những tình huống này, cầu thủ Anh và Mexico chỉ tranh cãi rất nhanh với trọng tài, rồi lập tức thi đấu trở lại. Nó khác và khác một cách căn bản so với việc phản ứng trọng tài bằng những phương pháp mạnh, trong đó có việc bỏ ra ngoài, không thi đấu mà cầu thủ Việt Nam vẫn hay thể hiện ở sân chơi V.League.

Rõ ràng là xem World Cup, cầu thủ Việt Nam cần phải học cái cách phản ứng rất chuyên nghiệp của những cầu thủ đại diện cho những nền bóng đá chuyên nghiệp nhất hành tinh.

Học tinh thần quốc gia

Một cầu thủ Triều Tiên đã rơi nước mắt khi bản quốc thiều Triều Tiên vang lên trước trận Triều Tiên - Brazil. Ông HLV trưởng ĐT Ghana nhất quyết không ăn mừng sau khi Ghana đánh bại Seribia, đội bóng của quê hương ông. Đấy là những bằng chứng sống chứng minh "tình yêu tổ quốc" của những con người bóng đá. Những bằng chứng mà bất cứ nền giáo dục nào cũng có thể lấy ra để dạy học sinh của mình về tình yêu tổ quốc.

Và đấy cũng là những điều mà cầu thủ Việt Nam cần phải học và suy nghĩ. Ở Việt Nam đã từng có chuyện cầu thủ bán độ ở CLB, rồi ở cả ĐTQG. Và đấy rõ ràng là những hành vi không thể nào chấp nhận

Phan Đăng
.
.
.