Vũ khí tinh thần của người Sông Lam

Thứ Tư, 22/04/2015, 13:02
Không riêng gì giới quan sát, ngay chính cầu thủ Sông Lam cũng không tránh khỏi cảm giác choáng khi nhìn lên bảng xếp hạng V.League sau 10 vòng đầu tiên, nơi mà cái tên "Sông Lam Nghệ An" chễm trệ đứng ở vị trí thứ 2, chỉ kém đội dẫn đầu Bình Dương 2 điểm.

Còn nhớ hồi đầu mùa giải, khi HLV trưởng, công thần của bóng đá xứ Nghệ trong nhiều năm nay là Nguyễn Hữu Thắng đột ngột từ chức với lý do "phải ra nước ngoài tu nghiệp" thì ai cũng nghĩ một cơn khủng hoảng sẽ ập đến với bóng đá xứ này. Ý nghĩ ấy càng được củng cố khi ngay ở vòng 1 V.League, Sông Lam Nghệ An dưới trướng Ngô Quang Trường đã vỡ đến 3 bàn trước Hải Phòng ngay ở thánh địa Vinh.

HLV Ngô Quang Trường cũng bất ngờ với thành công của các học trò. Ảnh: H.M..

Trận đấu này thể hiện tất cả sự non nớt của dàn cầu thủ trẻ Sông Lam, và như nhận định của chính một lãnh đạo Sông Lam thì có cả sự non nớt trong việc cầm quân, điều chỉnh thế trận của tướng Ngô Quang Trường. Công bằng mà nói thì những cầu thủ mới được đôn lên đá V.League như Văn Thành, Ngọc Toàn, Tấn Tài... non hơn hẳn so với mặt bằng cầu thủ V.League nói chung, những cầu thủ còn lại như Mạnh Hùng, Ngọc Hải, Hoàng Thịnh cũng chỉ ở diện già dặn hơn lứa đàn em chút ít, chứ cũng chưa đạt tới đẳng cấp của những cầu thủ trụ cột.

Thế mà thật lạ, càng đá Sông Lam càng ổn định, để rồi vừa trải qua chuỗi 5 trận thắng liên tiếp. Điều đáng nói là xem Sông Lam đá ở mùa giải năm nay, người ta không còn thấy hình ảnh của thứ bóng đá chém đinh chặt sắt vốn vẫn được nhìn nhận như một tính cách không thể khác của bóng đá xứ Nghệ. Vòng 9 khi V.League, khi dàn nội binh Sông Lam đấu với dàn U.19+ đầy tài năng của Hoàng Anh Gia Lai trên sân Vinh thì người ta đã nghĩ đến chuyện Sông Lam sẽ dùng cái phương án mà rất nhiều đội V.League khác vẫn dùng để phá Hoàng Anh, đó là chủ động xây dựng một đội hình phòng ngự chiều sâu, và không ngại va chạm mạnh làm chùn chân đối thủ.

Vậy mà không, Sông Lam chủ động nhập cuộc nhanh, đá tấn công toàn diện. Và trong thế trận này thì chính những cầu thủ Sông Lam, chứ không phải những cầu thủ nổi tiếng là giàu kĩ thuật của Hoàng Anh mới có thể cầm bóng, ban bật, phối hợp tới tận... khung thành đối phương.

Để giải thích cho điều này, HLV Ngô Quang Trường cho rằng: "Tất cả nằm ở sự đoàn kết. Các cầu thủ Sông Lam đều là người Sông Lam, đã cùng ăn, cùng tập với nhau nhiều năm nay. Chính vì thế tất cả rất hiểu nhau, và rất biết phải đoàn kết với nhau, vượt qua gian khó"... Nhìn cái cách những Tuấn Tài, Hoàng Thịnh lăn xả trong từng pha bóng, cái cách mà cả một tập thể chụm vào nhau ăn mừng, và cả cái cách mà Tuấn Tài ăn mừng bàn thắng bằng cách kéo chiếc áo ngoài lên cao, để hở một dòng chữ được viết ở áo trong: "Con yêu mẹ nhiều lắm" có thể cảm nhận rõ cái tình phía sau một trận đấu, một guồng chân...

Trong tương quan so sánh với các đội V.League hiện nay, xét về năng lực cá nhân rõ ràng cầu thủ Sông Lam khó có thể sánh với Bình Dương hay Quảng Ninh, nhưng khi chụm lại thành một tập thể có cảm giác rằng tập thể Sông Lam lúc này không ngại bất cứ đối thủ nào...

Nguồn cầu thủ dồi dào

Chiến thắng 2-0 một cách thuyết phục của Sông Lam Nghệ An trước Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 9 V.League không chỉ là chiến thắng đơn thuần trong một trận đấu, mà còn có ý nghĩa như một chiến thắng của một lò đào tạo cầu thủ nội với một lò đào tạo được áp dụng theo công nghệ nước ngoài.

Thực tế thì nhiều cầu thủ của lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG, trong đó có "cánh chim đầu đàn" Công Phương cũng đã được "nhặt" từ mảnh đất Nghệ An.

Nói như TGĐ Công ty cổ phần bóng đá Sông Lam Nguyễn Hồng Thành thì: "Hiện tại chúng tôi không buồn vì để mất Công Phượng, mà lo lắng vì sẽ phải làm gì để không bỏ lỡ những người như Công Phượng". Ông Thanh tin rằng Sông Lam đã và vẫn là một trong những địa phương bóng đá giàu nội lực nhất của bóng đá Việt Nam lúc này.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.