Vì sao nước mắt nên được xem là một điều xa xỉ?

Thứ Ba, 15/07/2014, 14:14
Vì bóng đá là một trò chơi vui vẻ, và bao giờ cũng luôn còn có một ngày mai.

1. Một lần nữa, như một lời nguyền chưa thể hóa giải, màu áo xanh lại đẫm lệ tango. Song, không chỉ những kẻ chiến bại rơi nước mắt, các chiến binh Teutonic cũng chẳng còn lý do gì để kiềm chế những ngọn "Hỏa Diệm Sơn" cảm xúc.

Nhưng sau đó, với người Đức là một khúc hoan ca. Sau đó, những cổ động viên áo sọc xanh - trắng đứng dậy, lau mắt, và tạo nên những tiếng sóng gầm trên các khán đài. Họ vẫn dồn dập gọi tên tổ quốc, như khi chứng kiến Maradona bước lên “Cửu trùng đài” năm 1986.

Những người Brazil cũng đã tìm lại được nụ cười, cho dù chỗ của họ  là ở ngoài rìa sân khấu vĩ đại này.

2. Người chiến thắng có thể hạnh phúc đến phát khóc, nhưng nước mắt không làm nên chiến thắng. Chiến thắng này là nụ cười của số mệnh ban cho những vệt máu nam nhi hằn trên gò má Bastian Schweinsteiger, cho những lần nghiến răng gượng dậy sau những cú đòn triệt hạ, cho khí phách sắt đá, quật cường giữa bao bất công và vận hạn. Với tất cả thứ ánh sáng đó, nước mắt trở thành những viên kim cương, nạm quanh vương miện của những vì tân "thiên tử". 

Một khoảng trắng kéo dài từ EURO 2000 đã được khép lại, khi Loew hồi sinh một thói quen đã bị lãng quên: Bất cứ HLV trưởng nào của Die Mannschaft cũng rời cương vị với ít nhất một danh hiệu.

3. Có điều, Loew không tạo nên pha kết thúc gọn ghẽ mang dáng dấp Klinsmann của Goetze, cũng như Sabella không phải là người mang đến những cú dứt điểm vụng về của Higuain hay Palacio. Nước Đức đã mất 24 năm vun đắp mới có được thế hệ huy hoàng này, trong khi Argentina càng lúc càng khan hiếm tố chất của những nhà vô địch. Không chỉ họ, những vấn đề của cả một bộ máy cũng đang thách thức Brazil - một người khổng lồ Nam Mỹ khác.

Lý thuyết “còn nửa ly nước đầy” có thể được nhắc đến ngay từ bây giờ, với tấm gương và những bài học từ người Đức. Một cuộc chinh phục khép lại, nghĩa là, những hành trình khác sẵn sàng bắt đầu. Những niềm tin về một ngày mai tươi sáng sẽ lại được nhen lên, như chính cách con người vượt qua mọi biến cố cuộc đời.

Song, trong những khoảng thời gian đợi vết thương lành sẹo, mọi giọt nước mắt đều vô nghĩa. Chúng nên được dành dụm cho một thời điểm thật đặc biệt, sau những khoảnh khắc của máu và rất nhiều mồ hôi...

Đông Phong
.
.
.