Quần vợt Việt Nam trước SEA Games 28:

Vắng Lý Hoàng Nam, chỉ tiêu không đổi

Chủ Nhật, 24/05/2015, 12:37
Cũng như bóng bàn, dù không thuộc diện được giao chỉ tiêu đoạt Huy chương vàng SEA Games 28 nhưng quần vợt vẫn luôn có sức hút nhờ phong trào phát triển rộng và số người hâm mộ đông đảo. Không kể, quần vợt Việt Nam đang sở hữu một Lý Hoàng Nam có thể thành thương hiệu thể thao thay thế được đàn anh Nguyễn Tiến Minh bên cầu lông hay Lê Quang Liêm bên cờ vua. Nhưng có hay không có Lý Hoàng Nam tại SEA Games 28, chỉ tiêu của quần vợt Việt Nam vẫn là 2 Huy chương đồng.

Thực ra, quần vợt Việt Nam đã có một lịch sử huy hoàng tại Đông Nam Á và châu lục với sự xuất hiện của “trụ đồng” Võ Văn Bảy, người từng giành HCV đơn, đôi, đồng đội nam trong 7 kỳ SEA Games từ 1959 đến 1971. Đến năm 1972, khi đã 41 tuổi, ông còn đánh bại cả nhà vô địch châu Á và Nhật Bản là Sakai, kém tới 17 tuổi.

Sau Võ Văn Bảy, quần vợt Việt Nam không còn sản sinh được tay vợt nào có tài năng và thành tích tương tự. Khi thể thao Việt Nam trở lại đấu trường SEA Games từ năm 1989, quần vợt Việt Nam cũng có một số tay vợt có tài như Nguyễn Kim Trang, Ôn Tấn Lực, Trần Đức Quỳnh… nhưng chưa một lần bước lên ngôi cao nhất ở SEA Games.

Vấn đề không phải do quần vợt không thường xuyên xuất hiện trong chương trình thi đấu của SEA Games (tại SEA Games 27 năm 2013, quần vợt không trong chương trình thi đấu) mà trình độ của các tay vợt Việt Nam còn kém xa những nước đã phát triển quần vợt nhà nghề lâu dài, liên tục như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Thậm chí, trình độ quần vợt nữ Việt Nam ngày càng thụt lùi. Đến nỗi có đề nghị để đội nữ không dự SEA Games 28 vì khó có cơ hội đoạt huy chương, nhất là khi không có tay vợt số 1 Huỳnh Phương Đài Trang vì đang theo học văn hóa tại Mỹ.

Chỉ đến khi Nguyễn Hoàng Thiên được gia đình đầu tư theo một dự án triệu USD vài năm trước để tiến vào làng quần vợt nhà nghề thế giới thì quần vợt Việt Nam mới có những bước đi đột phá trong cách đào tạo tài năng, nhất là với các tay vợt nam.

Nguyễn Hoàng Thiên chưa có bước nhảy vọt về trình độ nhưng lứa đàn em, trong đó có Lý Hoàng Nam, đã có những bước tiến vững chắc để quần vợt Việt Nam hy vọng nhiều hơn ở sân chơi SEA Games.

Việc Lý Hoàng Nam trong 4 tháng đầu năm 2015 liên tục giành chức vô địch ở 2 giải trẻ tại Thái Lan và Malaysia, góp công lớn đưa ĐT quần vợt Việt Nam trở lại nhóm 2 Giải quần vợt đồng đội nam thế giới năm 2016, xếp thứ 14 quần vợt trẻ nam thế giới đã khiến các nhà quản lý đặt nhiều kỳ vọng vào anh tại SEA Games 28.

Quần vợt Việt Nam sẵn sàng đối mặt với phương án không có Lý Hoàng Nam ở SEA Games 28.

Tuy nhiên, những thông tin gần đây cho thấy Lý Hoàng Nam sẽ không thể góp mặt SEA Games 28, nhất là sau khi đơn vị chủ quản của tay vợt này đã có công văn gửi Tổng cục TDTT xin cho Lý Hoàng Nam không phải tham dự. Nguyên nhân là tay vợt này đã có lịch thi đấu tại giải trẻ Pháp mở rộng - cũng là vinh dự cho quần vợt Việt Nam.

Sau giải trẻ Pháp mở rộng, tay vợt này phải bắt tay chuẩn bị ngay cho giải trẻ Wimbledon (Anh) – cũng là giải trẻ danh giá khác của quần vợt thế giới vào giữa tháng 7.

Giữa hai giải đấu này là SEA Games 28 diễn ra trên mặt sân cứng trong khi giải Pháp mở rộng thi đấu trên sân đất nện, giải Wimbledon thi đấu trên sân cỏ.

Tổng cục TDTT cũng lên phương án mua vé máy bay để Lý Hoàng Nam đi thẳng từ Pháp sang Singapore nhằm sớm góp mặt cùng đội tuyển. Tuy nhiên, việc đi lại cập rập, tốn thời gian di chuyển từ châu Âu về Singapore rồi thi đấu ngay trên mặt sân khác được cho là không tốt, lợi bất cập hại cho sự phát triển của Lý Hoàng Nam.

Không kể, tại đấu trường SEA Games 28 quy tụ nhiều tay vợt nhà nghề cấp độ cao nhất chứ không phải là các tay vợt trẻ. Lý Hoàng Nam có thể tung hoành ở các giải trẻ nhưng ở những giải nhà nghề cấp độ cao hơn, anh vẫn là người học việc.

Khả năng giành chiến thắng, vào chung kết nội dung đơn nam SEA Games của Lý Hoàng Nam hầu như không có nên dự SEA Games cũng chỉ là để góp mặt, “đủ mâm đủ bát”. Hiểu theo cách khác, lúc này, SEA Games vẫn là đấu trường lớn với Lý Hoàng Nam.

Tuy nhiên, sự vắng mặt gần như chắc chắn của Lý Hoàng Nam, cũng không khiến quần vợt Việt Nam hạ chỉ tiêu đoạt 2 HCĐ tại SEA Games 28. Vì kể cả khi có Lý Hoàng Nam thì chỉ tiêu vẫn vậy. Giờ đây, nếu vắng Lý Hoàng Nam thì chỉ tiêu giành huy chương của quần vợt Việt Nam tập trung ở các nội dung đồng đội và đôi nam, đồng đội nữ và đôi nam nữ, thay vì thêm cả ở nội dung đơn nam. Chỉ tiêu trên cũng được đánh giá là vừa sức với thực lực quần vợt Việt Nam.

Chỉ có thể hy vọng vào 2 năm sau, tại SEA Games 29 khi lứa Lý Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Thiên, Phạm Minh Tuấn, hay Trịnh Linh Giang – đều mới qua tuổi 20, sẽ phát triển vượt bậc. Thực tế, họ đã được đầu tư tốt và bài bản trong thời gian qua. Và nếu được duy trì liên tục, thì quần vợt Việt Nam có thể hy vọng làm nên chuyện ở SEA Games 29 cũng như các kỳ sau.

Trịnh Linh Giang và sự xuất hiện vào phút 90

Ban đầu trong danh sách dự kiến của đội tuyển quần vợt quốc gia nam dự SEA Games 28, không có tay vợt Hà Nội 18 tuổi Trịnh Linh Giang.

Lý do là tay vợt này đã có những lời lẽ không lọt tai trên trang mạng xã hội facebook, liên quan đến Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Dù vậy, sau khi nhận lỗi, làm kiểm điểm, tay vợt này đã được trao cơ hội trở lại đội tuyển.

Trước đây, Trịnh Linh Giang đã được chuyên gia người Australia của đội tuyển Việt Nam đánh giá có tố chất còn hơn cả Lý Hoàng Nam, nhưng cần phấn đấu mạnh mẽ hơn, nhất là về ý chí và sự khổ luyện.

Minh Khuê

Minh Thùy
.
.
.