Vấn đề: Tuổi 19 - mật độ và áp lực

Thứ Bảy, 18/10/2014, 09:37
Ngay sau khi kết thúc giải U.19 châu Á, 10 cầu thủ của ĐT U.19 Việt Nam thuộc Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG lại chuẩn bị dự giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên. Câu hỏi đặt ra: Liệu mật độ thi đấu của các cầu thủ có bị đẩy tới mức quá tải, và với một mật độ như thế, tuổi 19 liệu có bị "vắt kiệt" hay không?

Ngay sau khi kết thúc giải U.19 châu Á, 10 cầu thủ của ĐT U.19 Việt Nam thuộc Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG lại chuẩn bị dự giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên. Câu hỏi đặt ra: Liệu mật độ thi đấu của các cầu thủ có bị đẩy tới mức quá tải, và với một mật độ như thế, tuổi 19 liệu có bị "vắt kiệt" hay không?

Cần nhắc lại là ngày 23/8, ĐT U.19 Việt Nam đá chung kết giải U.22 Đông Nam Á với U.19 Myanmar, và chỉ chưa đầy 2 tuần lễ sau, thì ĐT lại đá khai mạc giải U.19 Đông Nam Á với Australia. Đến ngày 13/9 thì chúng ta đá chung kết giải đấu này với Nhật Bản, và chưa đầy một tháng sau lại tiếp tục đá trận đầu tiên tại VCK U.19 châu Á với Hàn Quốc. Nếu tính từ trận đấu cuối cùng của giải đấu này, hoà Trung Quốc 1-1 (ngày 13/10) đến trận đấu đầu tiên ở giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên, gặp U.21 Malaysia (ngày 21/10 tới đây) thì khoảng cách cũng chỉ chưa đầy nửa tháng...

Ở giải U.22 Đông Nam Á, trước trận chung kết với Myanmar, HLV trưởng Guilaume Graechen đã nói rất rõ ràng: "Chúng tôi phải thắng để đoạt cúp vàng". Đến trước trận chung kết giải U.19 Đông Nam Á với Nhật Bản, ông Graechen lại tiếp tục khẳng định điều này. Chỉ đến trước thềm giải U.19 châu Á thì ông mới "thòng" theo câu: "Chúng tôi có thể thắng, có thể thua, những với bất luận kết quả nào thì cũng mong là người hâm mộ sẽ ủng hộ các cầu thủ một cách có lý trí". Ông Graechen nói thế nhưng chắc chắn là các học trò của ông và bất cứ fan hâm mộ nào của bóng đá Việt Nam cũng hiểu rằng giấc mơ lọt vào top 4 VCK U.19 châu Á là một giấc mơ vĩ đại, và ai cũng mong mỏi các cầu thủ hoàn thành giấc mơ. Bây giờ trước thềm giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên, ông Graechen lại tiếp tục nói: Chúng tôi muốn vô địch.

Công Phượng (phải) và các đồng đội ở ĐT U.19 đã phải thi đấu với mật độ quá dày. Ảnh: H.M.

Có một thực tế dù không muốn vẫn cần phải nhắc lại rằng: Sau một loạt giải đấu đã qua thế hệ U.19 vẫn chưa đoạt được bất cứ chiếc cúp nào, thậm chí còn ít nhiều bị ám ảnh bởi chuyện thường xuyên để thua bàn ở những phút cuối, rồi thường xuyên thất bại ở những trận đấu then chốt cuối cùng. Ở một góc độ nào đó thì những thất bại liên tiếp ấy giống như một sự trải nghiệm tích cực để các cầu thủ thấy và thấm được sự không như ý của cuộc đời. Nhưng ở góc độ giáo dục con người thì sau một lộ trình như vậy, nếu chúng ta vẫn "ép" các cầu thủ phải thi đấu liên tiếp và vẫn đặt lên họ những mục tiêu nặng nề thì mọi thứ liệu có nảy sinh tác dụng ngược hay không?

Ở góc độ tâm lý, việc một hoặc một nhóm cầu thủ trẻ bị thi đấu tới mức bội thực rất có thể sẽ rất đến tình trạng bị khô khan cảm hứng. Ở góc độ chuyên môn, việc phải thi đấu với phong độ tốt nhất, mục tiêu cao nhất ở tất cả các giải đấu mình tham dự có thể sẽ khiến ĐT bị chệch "điểm rơi", không có được một trạng thái thể lực tốt nhất ở những giải đấu thực sự có ý nghĩa với mình. Và với những cầu thủ còn rất trẻ, những người mà phải ở mùa giải 2015 mới chỉ lần đầu tiên được đưa lên đá V.League thì một quá trình vào đời "không như ý" hoàn toàn có thể để lại những sang chấn tâm lý không tốt cho sự phát triển.

Tất nhiên, HLV trưởng Guilaume Graechen với giáo án huấn luyện của JMG trên toàn cầu là điển hình cho sự bài bản, chuyên nghiệp, và với một phong cách huấn luyện chuyên nghiệp ấy thì việc các cầu thủ đá bao nhiêu trận, mật độ các trận đấu ra sao đều đã được tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên từ kinh nghiệm và những bài học rút ra sau quá trình làm việc của các đời thầy ngoại ở Việt Nam có thể thấy rằng có những giáo án rất phù hợp với cầu thủ nước ngoài nhưng chưa chắc đã phù hợp với tâm sinh lý cầu thủ Việt.

Rất mong là mật độ thi đấu và áp lực thi đấu của các cầu thủ tuổi 19 đầy hy vọng hiện nay sẽ được tính toán một cách thực sự chuẩn xác, để các cầu thủ được phát triển một cách tối ưu.

Nên có sự kết hợp hài hoà

Những người làm công tác tuyển chọn nhân sự cho Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG nhận xét rằng HLV - tuyển trạch viên Guilaume Graechen cực kỳ chuyên nghiệp và bài bản với những bài test của mình. Tuy nhiên có những đặc thù rất Việt Nam, mang nặng màu sắc "chủ nghĩa kinh nghiệm Việt Nam" thì ông không thể nào nắm bắt được. Thế nên đã có những cầu thủ bị ông thải loại nhưng các HLV của các lứa trẻ Hoàng Anh vẫn giữ lại đào tạo, và thực tế ĐT U.19 Việt Nam vừa qua đã có sự đóng góp tích cực  của những cầu thủ thuộc dạng này. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy việc phát hiện, đào tạo và nuôi dưỡng các cầu thủ Việt Nam nên diễn ra với sự kết hợp hài hoà giữa phương pháp hiện đại châu Âu với những đặc thù Việt Nam mà các phương pháp này chưa tính đến.

Diệp Xưa
.
.
.