Vai trò của các Liên đoàn thể thao VN: Quá mờ nhạt!

Chủ Nhật, 21/10/2012, 12:27
Trong 23 tổ chức xã hội nghề nghiệp hiện tại, các Liên đoàn hoạt động hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... Với các Liên đoàn còn lại, dù đã có chủ trương xã hội hóa trong nhiều năm qua, nhưng vai trò vẫn hoàn toàn mờ nhạt, không để lại dấu ấn gì. Không khó để giải thích thực tế này, khi bộ phận không nhỏ các nhà quản lý ở các liên đoàn này không có đủ năng lực trong công tác đẩy mạnh xã hội hóa.

Sự có mặt của các doanh nghiệp ngay lập tức tạo nên một một bức tranh sáng sủa cho sự phát triển ở các liên đoàn. Giờ đây, 1 tay vợt hàng đầu như Kiến Quốc (bóng bàn) có thu nhập lên tới vài chục triệu đồng. Những VĐV ở môn bóng chuyền, cầu lông... đa số cũng đều sống khỏe bằng nghề. Dưới sự tài trợ của những “Mạnh Thường Quân”, nhiều tài năng của TTVN như Tiến Minh, Lê Quang Liêm... có cơ hội tham dự nhiều giải đấu quốc tế. Song, xét về tổng thể, những thành công đó chỉ như điểm sáng hiếm hoi trong tổng số hơn 40 môn thể thao ở Việt Nam. Phải thẳng thắn thừa nhận, công tác xã hội hóa ở các môn phi bóng đá vẫn còn hạn chế, khi mà còn gặp nhiều vướng mắc trong khâu quản lý cũng như trình độ của đội ngũ lãnh đạo. Các doanh nghiệp có thừa độ “máu” nhưng họ lại không được Liên đoàn định hướng rõ ràng, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để 2 bên cùng có lợi.

Đề án xã hội hóa thể thao đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 1999, nhưng sau hơn một thập kỷ thực hiện, hiệu quả mang lại vẫn chưa xứng với tiềm năng vốn có của nền thể thao nước nhà. Hầu hết các liên đoàn hiện nay, đều rất khó kiếm được nhà tài trợ, có chăng chỉ là nhờ những mối quan hệ cá nhân, nhưng cũng chẳng gắn bó được lâu dài.

Cứ nhìn vào kỳ Olympic vừa rồi, TTVN có tới 18 suất tham dự chính thức nhưng hầu hết những chuyến tập huấn, thuê HLV ngoại... của số VĐV này, chủ yếu phải dựa vào ngân sách của ngành Thể thao, chứ chưa thể đứng trên đôi chân của mình là các nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, mà đáng lẽ ra các liên đoàn phải làm tốt.

Một giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực thể thao đã đưa ra nhận xét về sự yếu kém ở các liên đoàn: “Thực trạng dễ nhận thấy là công tác thực hiện xã hội hóa thể thao còn nhỏ lẻ và tự phát, nhiều chính sách và giải pháp đi vào đời sống thể thao thiếu đồng bộ, hiệu quả. Thiếu sót này nằm ở khâu triển khai, mà trách nhiệm trực tiếp thuộc về ngành Thể thao”.

Rất ít Liên đoàn làm tốt công tác xã hội hóa như bóng chuyền. Ảnh: An Nhi.

Thực tế, không phải môn nào cũng dễ thu hút tài trợ như bóng đá, bóng chuyền. Thế nhưng, với chủ trương xã hội hóa hơn chục năm nay, đáng lẽ các liên đoàn cũng phải cho thấy sự thay đổi, đi lên về nguồn tài chính, qua đó thúc đẩy sự phát triển môn của mình.

Sự kém phát triển của hầu hết các liên đoàn xuất phát từ bộ máy BCH không đặt khâu điều hành, quản lý, nhất là việc tìm kiếm nguồn tài trợ, chạy lo kinh phí cho các hoạt động chuyên môn lên hàng đầu.

Còn nhớ, tại Đại hội nhiệm kỳ 2006-2010, nguyên Chủ tịch Liên đoàn bóng bàn Việt Nam Đinh Hạnh đã đưa ra yêu cầu cần phải thay máu toàn diện đội ngũ lãnh đạo cũ để hướng tới một sự mới mẻ về cách làm, tư duy, con người. Theo ông Hạnh, với những con người cũ, luôn có tư duy liên đoàn chỉ là cho có, nên gặp rất nhiều hạn chế về kêu gọi sự tài trợ của các đơn vị, cá nhân, các Mạnh Thường Quân, công tác xã hội hoá còn rất yếu.

Tuy nhiên cũng chẳng hiểu vì sao, đến hơn 2 năm nay Đại hội khóa mới của Liên đoàn bóng bàn vẫn chưa được tiến hành.

Từ thực trạng của Liên đoàn bóng bàn, có thể suy ra nhiều liên đoàn khác hiện nay, cũng trong cảnh trì trệ, không có người đủ tâm, đủ tầm gánh vác.

Những khó khăn là rõ ràng nhưng chẳng phải vì thế mà sự phát triển của các liên đoàn cứ giậm chân tại chỗ như vậy mãi được!

Giao hữu ĐTVN – Malaysia trên sân Mỹ Đình ngày 3/11

Sau khi VFF và Liên đoàn Bóng đá Malaysia thống nhất, trận giao hữu lượt về giữa ĐTVN và Malaysia sẽ diễn ra và ngày 3/11 tới đây trên sân Mỹ Đình. Vài ngày qua, đã có một số thông tin cho rằng VFF có kế hoạch tổ chức trận giao hữu ở sân khác, cụ thể là sân Lạch Tray hay Chi Lăng, Nha Trang. Tuy nhiên chiều qua, TTK VFF Ngô Lê Bằng khẳng định trận đấu vẫn được tổ chức trên sân Mỹ Đình. Được biết sau trận giao hữu giữa ĐTVN và Indonesia bị hoãn hôm 22/9, phía Ban quản lý sân Mỹ Đình đã phải bỏ ra 60 triệu đồng cho công tác chuẩn bị. Số tiền này, sẽ được VFF hỗ trợ một nửa. Còn trận gặp Malaysia tới đây, VFF sẽ phải thuê sân với mức giá 200 triệu đồng.

Hữu Tú

Đối thủ của Việt Nam trong trận chung kết là Malaysia đã có chiến thắng nhẹ nhàng 1-0 trước Thái Lan. Dù không có nhiều bàn thắng nhưng sức mạnh của Malaysia là rất đáng nể. Đặc biệt, khả năng tổ chức tấn công của Malaysia rất đa dạng và khó lường.

Trận chung kết giữa Việt Nam và Malaysia sẽ diễn ra vào lúc 18h chiều nay (21/10). Trước đó sẽ là trận tranh hạng ba giữa Sydney và Thái Lan (15h30).

Tiến Dũng

An Nhi
.
.
.