VPF đề xuất không có đội phải xuống hạng ở mùa giải 2013: Nhiều bất cập

Thứ Ba, 11/12/2012, 09:39
Quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, nhưng gần như chắc chắn sẽ khó có gì thay đổi phút chót về quy định không có đội xuống hạng ở mùa giải tới của VPF. Đây được xem là một giải pháp tình thế, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang có nhiều biến động. Tuy nhiên, chắc chắn nó sẽ mang đến nhiều rắc rối mà VPF khó có thể lường trước.

V.League trở thành... giải giao hữu

“Việc không có đội xuống hạng, thì ngoài 3 đội có huy chương, vị trí các đội còn lại đều như nhau hết. Với một giải đấu thi đấu đủ số vòng cho xong, thì tôi dám chắc nhiều đội sẽ chẳng cần phải mua sắm ngoại binh, thậm chí còn bán hết những ngôi sao để có thêm kinh phí duy trì hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay”, bầu Đệ (Thanh Hóa) nói.

Cùng quan điểm với bầu Đệ, Tổng giám đốc CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, chắc chắn việc không có đội xuống hạng sẽ khiến chất lượng V.League đi xuống trầm trọng. Không có sự cạnh tranh đã đành, khán giả và nhà tài trợ càng chán nản mà quay lưng, khiến các đội bóng vốn đang gặp khó khăn về tài chính thêm nguy khốn, khó vực dậy ở những mùa giải tới. Theo đề xuất của ông Thanh, V.League nên để tối thiểu 1 đội xuống hạng để cầu thủ có động lực thi đấu.

HLV Nguyễn Thành Vinh lại có lo lắng khác, khi cho rằng với một giải đấu được tổ chức như vậy, chẳng khác nào đá giao hữu. Không có sự cạnh tranh, không nỗ lực thi đấu, thì việc tạo điều kiện cho đội tuyển U22 tham dự V.League để tăng cọ xát, xem ra sẽ không hiệu quả.

Không có đội xuống hạng, V.League chắc chắn sẽ mất tính cạnh tranh. Ảnh: An Nhi.

Lý giải cho quyết định không có đội xuống hạng ở mùa giải 2013, Trưởng BTC giải Trần Duy Ly cho biết: “Việc lấy quân cho đội U22 nên các đội sẽ bị thiếu nhân sự. Do đó, mùa giải sẽ không có xuống hạng để các đội không bị áp lực”.

10 tỷ có cứu cả V.League?

VPF không phải không tính đến chuyện V.League sẽ mất tính cạnh tranh khi không có đội phải xuống hạng. Chính vì thế, lần đầu tiên VPF đã đưa ra mức tiền thưởng rất lớn để tạo động lực thi đấu cho các đội. Thực tế thì chức vô địch có tiền thưởng lên tới 10 tỷ, sẽ giúp các đội giảm bớt những khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, ngôi vô địch cũng chỉ có một và chẳng phải đội nào tham dự cũng đặt mục tiêu vô địch.

Điều đáng nói là trong nhiều năm trở lại đây, cuộc đua tới ngôi vị số 1 chỉ quanh quẩn ở vài đội bóng có tham vọng cao. Năm nay, trong xu hướng hầu hết các đội cắt giảm kinh phí, hạn chế tối đa mua sắm, thì cuộc đua tới ngôi vô địch được dự báo là sẽ ít kịch tính, căng thẳng.

Thực tế thì đây sẽ lại là cơ hội của một số đội đang muốn sở hữu chức vô địch sau nhiều năm “thèm muốn”. Nhưng điều mà nhiều người quan tâm, không còn là đội nào sẽ vô địch nữa mà chính là chất lượng của V.League sẽ ra sao nếu như không còn tính cạnh tranh.

Trong nhiều lo lắng về một giải đấu nhìn rõ là sẽ có nhiều “vấn đề” nếu như VPF không quy định đội xuống hạng, nhưng vẫn có một số ý kiến cho rằng đó lại là quyết định hợp lý ở hoàn cảnh hiện tại. Đáng ngại nhất là bóng đá Việt Nam đang mất lòng tin với người hâm mộ quá nhiều rồi, nên nếu V.League lại không vì khán giả, thì chẳng hiểu bóng đá Việt Nam sẽ đi tới đâu

An Nhi
.
.
.