VFF gửi văn bản đề nghị VPF tôn trọng quyền lợi của AVG

Thứ Bảy, 31/12/2011, 09:22
Sau hơn 10 năm trong sân chơi chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam (BĐVN), với những đối tượng giàu học thức, giàu quyền lực hẳn hoi, vẫn diễn ra hành động “lấy cái sai để chữa cho cái hớ”. Nó diễn ra trong vấn đề bản quyền truyền hình, và diễn ra trong mối quan hệ phức tạp giữa VFF – VPF – AVG.
>> AVG sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình

Chuyện diễn ra cách đây khoảng 10 năm, khi bóng đá Việt Nam (BĐVN) chập chững bước lên sân chơi chuyên nghiệp: Cầu thủ Liêm Thanh sau khi ký hợp đồng thi đấu với một CLB, và nhận ra đấy là một hợp đồng hớ, đã lập tức nỉ non: “Cho em mượn lại bản hợp đồng xem một tí”. Sau đó, Liêm Thanh ra ngoài, xé toạc bản hợp đồng làm đôi – một hành động cực kỳ sai trái. May mà chuyện sau đó được cho qua, chứ không Liêm Thanh sẽ phải trả một cái giá cực đắt cho hành vi lấy cái sai để chữa cái hớ của mình. Ấy thế mà 10 năm sau, vẫn trong từ trường BĐVN, và với những đối tượng giàu học thức, giàu quyền lực hẳn hoi, hành động “lấy cái sai để chữa cho cái hớ” vẫn được diễn ra. Nó diễn ra trong vấn đề bản quyền truyền hình, và diễn ra trong mối quan hệ phức tạp giữa VFF – VPF – AVG.

Từ những dấu hiệu của một hợp đồng hớ

“Các anh ký một bản hợp đồng truyền hình dài tới 20 năm, trong khi một nhiệm kỳ của các anh chỉ kéo dài 5 năm là điều không thể nào chấp nhận” – ông bầu Nguyễn Đức Kiên của CLB bóng đá Hà Nội tung ra những câu như dao chém đá ấy tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2011. Ông Kiên sau đó còn nói đi nói lại rằng ở trên thế giới, chẳng đâu có một bản hợp đồng kỳ lạ như vậy cả. Trong quan điểm của ông Kiên, sự kỳ lạ không những nằm ở độ dài – ngắn, mà còn nằm ở giá trị của hợp đồng khi mà AVG chỉ phải trả VFF 6 tỷ đồng/năm, sau đó lũy tiến 10% mỗi năm tiếp theo. Sự thực bản hợp đồng mà VFF đã ký với AVG có lạ và có hớ không?

Theo chúng tôi, câu trả lời là “có thể có”. Bởi thứ nhất, mức giá nền 6 tỷ đồng/ năm mà VFF nhận từ AVG có thể cao hơn mức giá nền 4 tỷ/năm mà họ nhận từ VTV trước đây, nhưng nó chưa chắc đã cao hơn những mức giá khác, của những đối tượng truyền thông khác. Thứ hai, phần lũy tiến 10% tưởng là nhiều, kỳ thực chẳng thấm vào đâu so với mức độ trượt giá nói chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên dễ thấy rằng hớ hay không hớ thì hợp đồng xét cho cùng cũng đã được ký kết, nói theo cách nói dân dã là “bút sa gà chết”. Với một môi trường làm ăn chuyên nghiệp và trong một “xã hội giao thương pháp quyền” không thể vì nhận ra cái hớ mà sẵn sàng xé đôi bản hợp đồng như cách làm của cầu thủ Liêm Thanh mà chúng tôi đã viện dẫn ở đầu bài viết. Trong trường hợp này, cách làm khôn ngoan nhất để mong có sự thay đổi (chỉ là “mong có sự thay đổi”, chứ không phải “chắc chắn sẽ thay đổi” là hãy đề nghị đối tác ngồi lại để cùng thương thảo lại với mình.

 Thực tế thì những ông chủ ở VPF – Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam thay VFF điều hành giải VĐQG Việt Nam thoạt tiên cũng đã tính đến việc ngồi lại cùng thỏa thuận như vậy. Bằng chứng là ngay sau khi VPF ra đời, PCT Nguyễn Đức Kiên đã ngay lập tức đụng đến vấn đề… truyền hình và nói rõ mong muốn sẽ giảm hợp đồng từ 20 năm xuống còn 3-4 năm, đồng thời tăng giá trị hợp đồng từ 6 tỷ đồng/năm lên ít nhất 10 tỷ đồng/năm.

Đến lúc này, những gì ông Kiên nói cũng chỉ dừng lại ở góc độ “mong muốn” và nếu mọi thứ tạm dừng lại ở đây thì tất cả mọi đối tượng, trong đó có AVG đều không có lý do gì để lên án, chỉ trích ông. Trái lại, người ta thậm chí còn ngầm ủng hộ ông vì những suy nghĩ có thể được xem là “vì bóng đá Việt Nam” – “vì quyền lợi của người hâm mộ Việt Nam” mà ông là tác giả. Và nếu những mong muốn nói trên được thể hiện bằng hành động một cách mềm mại, tỉnh táo, đúng luật pháp thì sự ủng hộ ấy có khả năng sẽ còn tăng cao.

Tất cả các đài truyền hình chỉ được phép truyền hình trực tiếp các trận đấu khi có xác nhận cho phép của AVG. Ảnh: Quang Minh.

Đến việc chữa cái hớ bằng cái sai

Nhưng tiếc là vấn đề lại bị ông Kiên đẩy đi xa quá mức, xa tới chỗ cách đây 2 hôm VPF đã phát đi một công văn do chính ông ký, có nội dung cho phép VTV truyền hình các trận đấu tại giải Ngoại hạng. Công văn này chẳng khác gì việc chính thức loại AVG khỏi cuộc chơi. Và sau đó, thì ông Kiên khi trả lời báo chí cũng nói rất rõ rằng, ông không cần biết, không quan tâm tới bản hợp đồng đã ký trước giữa AVG với VFF.

Trong cuộc trao đổi với người viết ngày hôm qua, chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói rằng ông Kiên tuyên bố như vậy là đại dở. Ông Hỷ phân tích: “Tính đến lúc này, VFF chưa chuyển giao hợp đồng truyền hình cho VPF thì VPF làm gì có quyền tuyên ngôn về nó”. Khi chúng tôi hỏi rằng thời điểm nào VFF mới chính thức chuyển hợp đồng cho VPF thì ông Hỷ trả lời: “Tới đây, VFF sẽ mời đại diện VPF và cả đại diện của AVG tới làm việc. Khi nào cả 3 bên cùng thống nhất về việc chuyển giao, và sự thống nhất được cụ thể hóa bằng văn bản thì VPF mới có tiếng nói chính thức trong vấn đề này được.

Theo ước tính của tôi, để đảm bảo đúng lộ trình thì nhanh nhất cũng phải 1 tháng nữa mọi việc mới xong xuôi”. Như vậy là đã rõ, VPF của những ông bầu như bầu Kiên tính đến thời điểm này hoàn toàn chưa có quyền đàm phán về bản quyền truyền hình với AVG. Khi mà mình còn chưa có được ngay cả cái quyền đàm phán cơ bản ấy mà bỗng nhiên lại phát đi một công văn cho phép VTV sở hữu bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng thì rõ ràng VPF đã rao bán (và thực tế là đã cả gan bán) một món đồ mà mình còn chưa có trong tay. Đấy là một hành vi sai trái ở cả góc độ luật pháp lẫn góc độ lý tình.

Như đã nói ngay từ đầu, bản hợp đồng 20 năm mà VFF ký với AVG có nhiều dấu hiệu của một… bản hợp đồng hớ. Nhưng khi những ông chủ của VPF quyết định chữa cái hớ bằng cái sai thì đấy lại là một quyết định dở chưa từng thấy. Bởi khi chữa cái hớ bằng cái sai – thậm chí là sai trắng trợn thì người ta sẽ đánh mất đi hình ảnh, uy tín cùng gần như tất cả những thiện cảm tốt đẹp mà mình chẳng dễ gì tạo dựng nên. Và hơn thế, khi chữa cái hớ bằng cái sai thì không loại trừ khả năng sẽ bị rơi vào một cuộc kiện cáo hao tâm, tốn của, nhức đầu. Trong một bối cảnh mà quả bóng giải Ngoại hạng đã chính thức lăn mà những người điều hành cuộc chơi như VPF lại phải lao vào một cuộc tranh chấp, kiện tụng như vậy thì e là mọi vấn đề quan trọng khác của một giải đấu sẽ khó có thể được quan tâm, bao quát một cách chỉn chu.

Tóm lại, việc quyết định chữa cái hớ trong một bản hợp đồng cũ bằng cái sai trong một công văn mới phát đi, với lãnh đạo VPF  là một quyết định… dở đủ đường, dở chưa từng thấy.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc AVG – Truyền hình An Viên:

Việc VFF sớm ra công văn khẳng định bản quyền truyền hình thuộc AVG là đúng đắn, kịp thời

Ngày 30/12, Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) đã nhận được Công văn số 1102/CV-LĐBĐVN của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ký gửi Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thể hiện quan điểm chính thức của VFF về vấn đề bản quyền truyền hình các giải đấu thuộc VFF.

VFF một lần nữa khẳng định AVG là chủ thể hợp pháp và duy nhất về bản quyền truyền hình các giải bóng đá thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đến năm 2030, trong đó có 4 giải đấu: Giải bóng đá Ngoại hạng quốc gia, Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia, Giải bóng đá Cup quốc gia và trận siêu Cup quốc gia.

VFF nêu rõ: “Liên đoàn Bóng đá Việt Nam yêu cầu Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và các Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp tiếp tục thực hiện bản quyền truyền hình mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ký với Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) trong quá trình tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2012 và những năm tiếp theo; tất cả các đài truyền hình chỉ được phép truyền hình trực tiếp các trận đấu khi có xác nhận cho phép của AVG như mùa giải năm 2011”.

AVG hoan nghênh động thái này của VFF, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc AVG – Truyền hình An Viên - cho biết: “Việc VFF sớm ra công văn khẳng định bản quyền truyền hình thuộc về AVG là đúng đắn, kịp thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho AVG - đơn vị nắm giữ hợp đồng bản quyền truyền hình có giá trị pháp lý với VFF; giữ gìn được uy tín và vị thế của đơn vị đang sở hữu bản quyền các giải đấu”.

Đến chiều 30/12, AVG đã hoàn thành việc thỏa thuận với Đài Truyền hình Việt Nam và một số đài phát thanh – truyền hình các tỉnh, thành phố, nâng tổng số đài hợp tác với AVG trong lĩnh vực bản quyền bóng đá lên trên 40 đài. Riêng với VTV,  tại vòng 1 Giải bóng đá quốc gia ngoại hạng  VTV được AVG cấp xác nhận bản quyền để ghi hình phát sóng hai trận: Trận Hoàng Anh Gia Lai gặp Vicem Hải Phòng vào lúc 16h00 ngày 31/12/2011; trận CLB Hà Nội gặp Hà Nội T&T vào lúc 16h00 ngày 1/1/2012 (hai trận này phát sóng trên VTV3); VTV cũng được AVG cấp xác nhận bản quyền để ghi hình phát sóng trận khai mạc Giải bóng đá quốc gia ngoại hạng giữa Sông Lam Nghệ An gặp Thanh Hóa vào lúc 16h10 ngày 1/1/2012 (phát trên Truyền hình cáp - VCTV).

AVG và VTV còn thống nhất tạo điều kiện thuận lợi để VTV chọn số trận nhiều hơn. VTV cam kết sẵn sàng chia sẻ sóng sạch cho các đài có nhu cầu phát sóng.
Về phần mình, AVG  đã cùng với Công ty Viễn thông Liên tỉnh (VTN) và Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI)  đảm bảo tường thuật với chất lượng cao nhất các trận đấu của hai giải nêu trên qua hệ thống truyền dẫn cáp quang của VTN và hệ thống truyền dẫn vệ tinh của VTI  theo chuẩn nén MPEG4, cho hình ảnh chất lượng cao.

PV

Phan Đăng
.
.
.