V.League 2015: Tôn vinh giá trị “hàng nội”?

Thứ Bảy, 03/01/2015, 12:29
Đã có những thời kỳ V.League ồ ạt xuất hiện "hàng ngoại", và nguy hiểm hơn: giá trị ngoại được tôn vinh tuyệt đối. Nhưng mùa giải 2015 dự đoán sẽ diễn ra một xu thế khác: giá trị nội sống lại, và sẽ khẳng định dấu ấn của mình.

Cách đấy 2 mùa giải, khi The Vissai Ninh Bình đấu với Sài Gòn Xuân Thành - cả hai đội bóng hiện giờ đều đã giải thể, thì nhiều người có cảm giác đấy không phải là trận đấu của hai đội bóng Việt Nam. Bởi lẽ ngoại trừ sự xuất hiện của 3 cầu thủ ngoại ở mỗi đội, còn có sự xuất hiện ồ ạt của các cầu thủ ngoại nhập tịch. Dĩ nhiên, cầu thủ ngoại nhập tịch vẫn có thể nói tiếng Việt nhưng khi bóng lăn, ngôn ngữ giao tiếp chính của những cầu thủ này lại là tiếng Anh. Và đến cả ông HLV trưởng nhiều lúc cũng phải gào thét vào sân bằng tiếng Anh.

Đấy là một thời kỳ mà trong nhóm 4 đội dẫn đầu V.League, đâu đâu người ta cũng có thể tìm thấy ít nhất 1 tiền đạo ngoại, 1 tiền vệ trung tâm ngoại, 1 trung vệ ngoại - nghĩa là chất ngoại bao phủ những vị trí sống còn của một đội bóng. Và đấy cũng là thời kỳ mà VFF định siết lại sự dâng cao ồ ạt của "hàng ngoại" bằng cách chỉ cho phép các đội bóng tung ra sân cùng lúc khoảng 2 cầu thủ nhập tịch. Tuy nhiên từ những tác động ngấm ngầm của các ông bầu, mà có cả một chiến dịch "đánh" VFF, đánh nặng nề mạnh mẽ của dư luận, khiến ý tưởng này không được thực thi.

Bây giờ, khi nền kinh tế suy thoái, nhiều ông bầu rút chân khỏi làng bóng, nhiều ông bầu lại chuyển hướng không ném tiền vào hàng ngoại như trước đây thì cũng là khi VFF và VPF ra quy định mỗi đội bóng chỉ được đưa vào sân tối đa 2 ngoại binh và 2 cầu thủ nhập tịch. Và đến lúc này thì chẳng ai còn "đánh" VFF nữa. Xung quanh chuyện này đã có những câu hỏi được đặt ra: Phải chăng luật lệ cuộc chơi đã bị dẫn dắt theo quyền lợi của các ông bầu? Và nếu đúng thế, những thay đổi xét cho cùng là để phục vụ sự phát triển nền bóng đá, hay phục vụ lợi ích của các ông bầu tuỳ theo từng bối cảnh?

Nhưng bỏ qua những câu hỏi tế nhị này, có thể tin chắc rằng với việc "siết" lại những quy định về cầu thủ ngoại, rồi sẽ không còn những trận đấu của toàn những cầu thủ da đen, da trắng, và thứ ngôn ngữ phổ biến trong những trận đấu là tiếng Anh (thay vì tiếng Việt) như trước nữa. Năm nay, nhiều đội bóng cũng đã đôn các cầu thủ nội ở tuyến trẻ lên đá V.League, và trong những cuộc trao đổi với báo chí, nhiều HLV cùng bày tỏ quan điểm sẽ tạo điều kiện tối đa cho những cầu thủ này thử sức mình.

Vì các chân sút ngoại mà Công Vinh trước đây thường xuyên phải lùi xuống, đá dạt biên. Ảnh: H.M.

Nhưng không chỉ ở khía cạnh các cầu thủ, ngay cả ở khía cạnh HLV, dễ thấy là V.League 2015 chỉ còn một thầy ngoại duy nhất: HLV Guillaume Graechen của CLB Hoàng Anh Gia Lai. Nó khác xa cái thời mà luôn có cùng lúc 6, 7 ông thầy ngoại với 6, 7 trường phái, tư tưởng khác nhau. Những đội bóng điển hình cho tư tưởng chuộng thầy ngoại như Bình Dương, Đồng Tâm Long An đều đã khẳng định sẽ trung thành với phương án thầy nội. Có lẽ sau hàng loạt những bài học xương máu trong quá khứ, giờ phần lớn các đội bóng đều hiểu để một thầy ngoại có thể thích nghi và gặt hái thành công ở một môi trường bóng đá có quá nhiều dị biệt như V.League, là điều cực kỳ nan giải.

Năm ngoái, V.League có một trưởng giải người Nhật và ở những vòng đấu cuối cùng thì những ông trọng tài Nhật cũng được cậy nhờ. Nhưng năm nay chúng ta đã trở lại với phương án trưởng giải nội - ông Nguyễn Minh Ngọc. Và năm nay, Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi cũng cho biết: "Việc sử dụng trọng tài ngoại chưa có trong kế hoạch của chúng tôi".

Rõ ràng, nhìn ở tất cả các phương diện, dễ thấy chất nội đang dần dần quay trở lại. Hy vọng là sự lên ngôi của chất nội, sẽ khiến các thượng đế bóng đá hào hứng hơn, khi quyết định tới sân vào mỗi cuối tuần.

Hiệu ứng hai chiều từ ĐTQG

AFF Suzuki Cup 2012, khi sơ đồ 4-2-3-1 của ĐTVN nhiều thời điểm tỏ ra bế tắc, chúng tôi từng đặt câu hỏi cho tiền vệ Phạm Thành Lương: "Liệu ĐT có thể tìm thấy sức sống mới từ sơ đồ 4-4-2". Câu trả lời của Lương: "Đấy là một điều gần như không thể, vì ở các CLB, chúng tôi đã quá quen với những tiền đạo ngoại. Giờ phải tìm ra cùng lúc 2 tiền đạo nội đủ chất lượng và đủ sự nhuần nhuyễn ở ĐTQG là rất khó". Thực tế thì đến thời thầy ngoại Toshiya Miura, ĐT Việt Nam đã từ bỏ sơ đồ 3-2-3-1 để trở lại sơ đồ 4-4-2, và trong sơ đồ này, các cặp tiền đạo nội đều đã ít nhiều thể hiện sức sống của mình.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều HLV V.League cho hay chính lời cổ vũ từ ĐTQG, đã khiến họ thêm phần tự tin khi sử dụng các tiền đạo nội ở đội bóng của mình. Và ở chiều ngược lại, có thể tin rằng khi các cầu thủ nội được đặt niềm tin, thì ông Miura sẽ có nhiều chọn lựa hơn cho ĐTQG trong thời gian tới.

Ngọc Anh

Hiếu Hà
.
.
.