Ứng xử với dư luận

Thứ Tư, 19/11/2014, 10:07
"Nếu không có nghi án tuổi tác của Công Phượng chắc tụi em giờ đang bị "soi" lắm anh nhỉ" - đấy là câu nói của một cầu thủ ĐTVN với người viết trong một cuộc trao đổi ngày hôm qua. Một câu nói mang tính cá nhân, nhưng cũng đáng nhìn nhận, mổ xẻ ở nhiều góc độ.

Về nghi án tuổi tác của Công Phượng, nhiều độc giả thắc mắc rằng tại sao Báo CAND gần như không đề cập, phản ánh gì. Câu trả lời là: tại vì chúng tôi không muốn tham gia vào câu chuyện đang có rất nhiều tranh cãi và cả những động cơ trái chiều phía sau từng tranh cãi. Nhưng đến thời điểm này, khi câu chuyện đi dần vào hồi kết (mà cũng mong là nó kết sớm) chúng tôi buộc phải thừa nhận nó là câu chuyện "hút" tất cả sự quan tâm của làng bóng vào đó. Bản thân Công Phượng, gia đình Công Phượng quan tâm - dĩ nhiên. CLB Hoàng Anh Gia Lai, VFF cũng quan tâm - dĩ nhiên. Và báo chí, người hâm mộ cũng quan tâm từng li từng tí một. Sự quan tâm đổ dồn vào một cầu thủ đã khiến hàng loạt sự kiện bóng đá khác gần như bị lãng quên, hoặc chỉ được quan tâm một cách nhỏ giọt, mà việc ĐTVN chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2014 là một dẫn chứng điển hình.

Hãy thử tưởng tượng, nếu không có vụ việc của Công Phượng thì hàng loạt vấn đề của ĐTVN sẽ bị nhận diện và mổ xẻ ra sao? Một hàng phòng ngự với sự kết hợp của cặp trung vệ một trẻ, một già chơi như mơ ngủ trước những cầu thủ tấn công Malaysia không lấy gì làm xuất sắc, một hàng tiền vệ liên tục chuyền ngang và chuyền sai, trong đó có cả những quả chuyền thẳng vào chân đối thủ - đấy rõ ràng là những vấn đề lớn đối với một đội bóng chuẩn bị bước vào một giải đấu, mà nói như HLV trưởng thì: "Chúng tôi mong muốn đoạt cúp vàng". Nhưng may cho ĐT là "nghi án Công Phượng" đã khiến hàng loạt vấn đề ấy trở thành thứ yếu, và như thừa nhận của chính các cầu thủ, thì nó lại là một hoàn cảnh tốt, một sự tĩnh lặng cần thiết để họ yên tâm sửa chữa, hoàn thiện bản thân. 

Vụ việc của Công Phượng khiến hàng loạt vấn đề của ĐTVN không được quan tâm như vốn có.Ảnh: H.M.

Chúng tôi đồng tình với suy nghĩ rất thật của các tuyển thủ, nhưng ở đây cũng phải đặt ra một khía cạnh: khả năng chịu áp lực của họ đã được tôi luyện và chuẩn bị một cách tốt nhất hay chưa? Đâu phải lúc nào cũng có những sự kiện nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận làng bóng để mình luôn luôn được che chắn như bây giờ? Đâu phải lúc nào cũng có thể may mắn không bị dư luận, truyền thông "soi xét" như bây giờ?

Và ngay cả Nguyễn Công Phượng - đối tượng "soi xét" lúc này cũng vậy, em đang đối diện với hoàn cảnh hiện tại như thế nào? Chắc chắn câu chuyện về tuổi tác của Công Phượng sẽ là nguồn cơn dẫn tới hàng loạt tranh cãi sau này. Và chắc chắn là trong quá trình thi đấu, trưởng thành của mình, Công Phượng còn phải đối diện với nhiều cơn bão dư luận khác. Vì vậy bản thân Công Phượng và cả những người ở gần, có nhiệm vụ dạy dỗ, uốn nắn Công Phượng cũng phải giúp em học cách ứng xử với dư luận một cách tốt nhất, qua đó có thể vững vàng, bản lĩnh nhất trong những "cơn sóng soi xét" không như ý muốn của mình.

Ở nước ngoài, các cầu thủ bóng đá luôn được dạy cách ăn nói, ứng xử với dư luận ngay từ khi mới chập chững bước vào cuộc đời thi đấu. Và ở Việt Nam, với một đời sống bóng đá cùng một đời sống truyền thông không ngừng phát triển như bây giờ thì đấy cũng phải là một công việc được đặc biệt lưu tâm.

"Nếu không có nghi án tuổi tác của Công Phượng chắc tụi em giờ đang bị "soi" lắm anh nhỉ" - câu nói ấy rất thật, nhưng câu nói ấy đồng thời cũng thể hiện sự yếu đuối của một bộ phận cầu thủ Việt Nam khi phải đối đầu với những hoàn cảnh truyền thông - hoàn cảnh dư luận không như ý mình.

Mà ở đời, sao có thể bắt buộc mọi thứ lúc nào cũng phải diễn ra như ý mình!  

Chuyên gia tâm lý - nên chăng?

Ở các CLB và các ĐTQG chuyên nghiệp người ta thường thấy sự xuất hiện của các chuyên gia tâm lý - những người luôn có thể giúp các cầu thủ giữ được một trạng thái tinh thần ổn định nhất trước biển cả dư luận. Ở Việt Nam, kể cả ĐTQG lẫn ĐT U.19 người ta chỉ thấy sự xuất hiện của những chuyên gia thể lực, chuyên gia y tế chứ chưa bao giờ có một chuyên gia tâm lý như vậy cả. Với bóng đá Việt Nam - "vai trò tâm lý" được khoán trắng cho HLV trưởng, dù phần lớn các vị HLV trưởng thường chỉ giỏi chuyên môn bóng đá, chứ không giỏi... làm tâm lý. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về vai trò của các chuyên gia tâm lý thể thao trong các đội bóng của mình, đặc biệt là ở cấp độ ĐTQG. (Ngọc Anh)

Diệp Xưa
.
.
.