Từ vòng 1 V.League đến mục tiêu SEA Games: Bỗng nhiên giật mình!

Thứ Sáu, 08/03/2013, 09:33
Giật mình - đó là cảm giác chung của nhóm phóng viên bóng đá chúng tôi khi ngồi “mổ băng”, tổng kết lại vòng 1 V.League 2013.

Giật mình không hẳn vì ngoại trừ sân Đồng Nai, các sân bóng còn lại phần lớn đều vắng vẻ, cũng không phải vì “công tác trọng tài” và cả “công nghệ đổ lỗi cho trọng tài” đã nổ xung thiên ngay từ giai đoạn chạy rốt-đa. Mà giật mình còn vì: Từ trận địa V.League, tưởng tượng đến trận địa SEA Gaems cuối năm nay mà cứ chờn vờn mông lung với một câu hỏi: Rốt cuộc chúng ta có thể “chiến” SEA Games bằng những vũ khí nào?

Từ sự áp đảo của sao ngoại…

Hỏi thế là bởi cả 6/6 trận đấu đã qua, bói mỏi con mắt cũng chưa tìm thấy một gương mặt U.23 nào mới mẻ. Trái lại, vẫn là sự áp đảo của những cầu thủ nội cựu trào, hoặc những cầu thủ “gốc ngoại” như những mùa giải trước đây. Cá biệt, trận đấu Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn với Becamex Bình Dương có tổng cộng tới 12 “ông Tây”, gồm cả Tây “xịn” lẫn Tây nhập tịch.

Ở trên ghế VIP sân Thống Nhất, ngồi xem một cuộc đấu với chất lượng chuyên môn trung bình của 12 “ông Tây” ấy, không hiểu những quan chức Tổng cục TDTT và cả các quan chức VFF có cảm thấy ngột ngạt không? Cũng không hiểu những nhà tính toán chiến lược SEA Games của Bóng đá Việt Nam có thấy phấp phỏng, lo lắng gì không?

Nên nhớ rằng trước mùa giải năm nay, VPF từng có ý tưởng “ép” các đội phải đưa vào sân từ một đến ba cầu thủ nằm trọng diện U.23 để các nhà tuyển trạch có thể nhìn vào đó mà tuyển quân cho đội tuyển (ĐT).

Nhưng cái ý tưởng ấy đã bị đồng loạt các đội bóng “đánh phủ đầu” với lý do: Trong bối cảnh nền bóng đá đi xuống, khán giả ngại đến sân, nếu phải đưa vào sân cùng lúc nhiều cầu thủ trẻ, thì chất lượng giải đấu chắc chắc sẽ đi xuống.

Trận XM.XT.SG – B.BD có những thời điểm chỉ là cuộc chơi riêng của các “ông Tây”. Ảnh: Quang Minh.

Và thế là cuối cùng VPF chỉ có thể “giải cứu ĐT U.23” bằng cách đề nghị mỗi đội bóng đăng ký ít nhất 3 cầu thủ U.23 mỗi trận. Với đề nghị này thì các đội lập tức “OK”, bởi họ hiểu giữa việc “đăng ký cầu thủ” với việc “cho cầu thủ ra sân” là hai chuyện hoàn toàn cách xa nhau.

…Đến việc bức tử trung phong nội

Sau khi xem xong vòng 1 V.League, một chuyên gia lão làng đặt câu hỏi với người viết: “Đố anh bói được một trung phong cho ĐT?”. Nghĩ đi nghĩ lại, thấy câu hỏi đáng suy nghĩ lắm, bởi có tới 11/12 đội bóng V.League bây giờ sử dụng trung phong ngoại. Ngay cả một trung phong tầm cỡ như Lê Công Vinh cũng phải lùi xuống đá tiền vệ cánh – cái vị trí mà trước đây Công Vinh từng công khai cho biết mình không ưa thích gì.

Chỉ có duy nhất CLB ĐT.LA của ông Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng là sử dụng trung phong nội Nguyễn Việt Thắng, nhưng cảm giác như họ chỉ sử dụng Việt Thắng khi không tìm được một trung phong ngoại ưng ý. Và nếu Thắng không phát huy hiệu quả, khả năng đội bóng “sử dụng trung phong nội duy nhất” này sẽ quay sang dùng “hàng ngoại” ở giai đoạn 2 V.League là hoàn toàn có thể.

Thực tế đó khiến cho ĐT Việt Nam và cả ĐT U.23 Việt Nam  “đói” trung phong trầm trọng. Và căn bệnh “đói” trung phong – đói một cầu thủ có khả năng  bứt tốc, tỳ đè, khuấy đảo hàng thủ đối phương đã khiến chúng ta thất bại ê chề như thế nào tại AFF Suzuki Cup 2012 là điều mà cả làng cả nước đều sáng tỏ.

Có lẽ trong hoàn cảnh này chỉ còn biết trông đợi vào giải hạng Nhất Quốc gia, giải đấu chỉ có 1 đội xuống hạng, nhưng lại có tới 3 đội sẽ được đôn lên V.League – cái cơ cấu lên/xuống mà với nó người ta hy vọng các đội bóng sẽ sử dụng nhiều cầu thủ trẻ hơn vì tính cạnh tranh đỡ quyết liệt hơn.

Nhưng mọi thứ cũng chỉ là “hy vọng”, bởi ở bối cảnh khủng hoảng con người như thế này, mong tìm được “nhân tài hạng Nhất” như năm 2002 (thời điểm HLV Calisto gọi một loạt cầu thủ hạng Nhất vào ĐT và giúp ĐT gặt HCĐ Tiger Cup) là cực khó!

Vì tất cả những lý do như thế, bây giờ mà nghĩ tới sân chơi SEA Games, đặc biệt là nghĩ tới cái mục tiêu “phải lọt vào chung kết SEA Games” mà Tổng cục TDTT đặt ra, có lẽ chỉ có những người “điếc không sợ súng” mới… không giật mình!

Diệp Xưa
.
.
.