Từ việc HLV vĩ đại Ferguson chính thức về hưu: Tài năng và thời đại...

Thứ Sáu, 10/05/2013, 09:39
Lướt qua các trang báo thể thao (cả quốc tế cũng như trong nước) hai hôm nay dễ thấy những thông tin tràn ngập về sự kiện HLV huyền thoại Alex Ferguson chia tay M.U sau 27 năm gắn bó. Cũng dễ hiểu thôi, vì M.U là một tượng đài, Ferguson là một tượng đài và những câu chuyện xung quanh họ cũng xứng đáng là những… tượng đài ngôn ngữ.

Người ta tính rằng trong 27 năm qua đã có cả thảy 24 HLV đến rồi đi ở Real Madrid, 19 HLV đã đến rồi đi ở Inter Milan, 18 HLV đã đến rồi đi ở Chelsea… Ấy thế mà ở M.U chỉ có một: một Ferguson và… chấm hết.

Thực tế thì cũng có những lúc phòng thay đồ M.U nổi sóng giống như phòng thay đồ ở Real, ở Inter, ở Chelsea, hay ở bất kỳ CLB nào khác,  nhưng vấn đề là trong tất cả những vụ nổi sóng như thế Ferguson luôn là người chiến thắng sau cùng.

Người ta không quên những va chạm lớn của ông với những cầu thủ mà đã có lúc được nhìn nhận như “biểu tượng đương thời” của M.U, mà điển hình là David Beckham với phi vụ “chiếc giày bay” nổi tiếng (báo chí Anh cho rằng Ferguson đã bực tức tới độ đá văng chiếc giày vào mặt… Becks). Và sau những va chạm như thế, những người chống lại Ferguson trước sau gì cũng phải ra đi.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao Ferguson có thể thực thi một thứ quyền lực tuyệt đối trong ròng rã gần 3 thập kỷ như vậy? Vì ông là một tài năng, thậm chí một… nhà độc tài tích cực? Chẳng có ai nghi ngờ điều đó cả, nên chẳng việc gì phải giải thích nhiều cho… mất thời gian. Nhưng thử nhìn sang Mourinho trong những năm tháng ở Chelsea và Real Madrid mà xem – Mourinho cũng là một nhà “độc tài tích cực” đấy chứ, vậy thì tại sao ông ta vẫn bị đá văng khỏi CLB chỉ sau 3 mùa giải cầm quyền?

Có lẽ vấn đề nằm thời điểm mà 2 con người này xuất hiện và nguyên tắc hoạt động của những hệ thống mà 2 con người này gắn bó. Có một sự thực thế này: Ferguson đến M.U năm 1986, và đã cùng M.U trải qua 3 mùa giải trắng tay.

Hãy thử tưởng tượng xem, nếu ở thời đại bây giờ, một HLV như Mourinho, như Guardiola hay ai đó đã khiến một CLB tầm cỡ trắng tay 3 mùa giải thì điều gì sẽ xảy ra? Có lẽ đừng nói là 3 mùa giải, chỉ cần 1 mùa giải trắng tay thôi họ đã phải đối diện với nguy cơ mất việc rồi.

Nhưng bóng đá Anh những năm 1986 nói chung và một M.U khủng hoảng thời 1986 nói riêng không phải là một hệ thống “cạn tàu ráo máng” với các HLV. Trái lại, ở đó luôn tồn tại một sự kiên nhẫn phảng phất sắc màu bảo thủ theo đúng tính cách của người Anh. Và chính sự kiên nhẫn ấy đã “cứu” Ferguson sau một khởi đầu bết bát.

HLV Ferguson đã để lại rất nhiều hình ảnh đẹp trong lòng các fan bóng đá.

Tất nhiên, mỗi thời đại đều có những nguyên tắc khác nhau, kéo theo những cái hay cái dở khác nhau, thành thử mọi so sánh đều chỉ mang tính tương đối. Nhưng trong cái tương đối của lịch sử phát triển bóng đá, người ta hiểu rằng: bóng đá Anh những thập niên 80, 90 của thế kỷ 20 có chỗ cho sự kiên nhẫn, còn bóng đá thế giới đương đại – nơi mà mỗi trận thắng của đội bóng luôn ảnh hưởng tối nghiêm trọng đến chiến lược kinh doanh, đến sự tăng – giảm của giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán thì sự kiên nhẫn dường như không tồn tại. Bây giờ một đội bóng gặp phải một trục trặc nhỏ nào đó, người ta tất yếu phải nghĩ ngay tới một biện pháp thay đổi, và sự thay đổi dễ thực hiện nhất chính là: đổi ghế HLV.

Như đã nói, con người Ferguson vốn dĩ là một tài năng -  cái tài của một ông thầy mà trong tư cách một “chiến thuật gia” (người cầm quân đánh từng trận đánh cụ thể) cũng giỏi mà một “chiến lược gia” (người gây dựng các thế hệ, vạch ra các chiến lược đường dài) cũng rất tài. Nhưng nếu không có sự cộng hưởng của thời đại thì một “tài năng Ferguson” rất khó có thể trở thành một “huyền thoại Ferguson” như đã có.

Đề cập tới yếu tố thời đại và xem nó như một yếu tố quan trọng để tạo nên một HLV vĩ đại như Ferguson không phải để làm con người vĩ đại đó mất đi phần bóng bẩy, mà để thấy rằng sự vĩ đại đó chắc chắn sẽ không thể được lặp lại ở thời đại bây giờ.

Người phụ nữ của Ferguson

Người ta có câu “Sau thành công của một người đàn ông là hình ảnh một người phụ nữ” – và câu nói đó ứng nhiệm với trường hợp của Alex Ferguson hơn bất cứ ai.

Như thừa nhận của chính ông trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây thì người vợ Cathy Ferguson – người đã gắn bó với ông suốt 50 năm nay là một hậu phương vững chắc giúp ông có thể toàn tâm toàn ý cho công việc ở M.U. Ferguson nói về vợ mình: “Bà ấy quán xuyến gần như tất cả các công việc trong nhà, từ nội trợ đến nuôi dạy con cái. Cả 3 cậu con trai của tôi đều được bà ấy nuôi dưỡng một cách ân cần, kỷ luật, và bây giờ thì chúng đều đã thực sự trưởng thành”.

Khác hẳn với phu nhân của những HLV và những cầu thủ nổi tiếng ở Anh, bà Cathy gần như đoạn tuyệt với truyền thông, thế nên hàng chục năm qua gần như không tờ báo nào tiếp cận và khai thác được những thông tin về bà. Và theo đánh giá của báo giới Anh thì đấy cũng là một cách mà người đàn bà này hy sinh cho chồng mình.

Ferguson từng nói về bà như sau: “Bà ấy đưa ra nguyên tắc là khi cả gia đình về nhà và ngồi ăn cơm tối thì tất cả tuyệt đối phải vứt công việc đi. Khi ấy cả nhà tôi thường chỉ nói đến những vấn đề văn hoá, lịch sử hay… đua ngựa – môn thể thao mà tôi và con trai tôi ưa thích”.

Rồi Ferguson tiết lộ: “Bà ấy gần như không quan tâm đến bóng đá, ngoại trừ một lần bà ấy khuyên tôi nên tiếp tục dẫn dắt M.U sau khi tôi định chia tay đội bóng năm 2002”.

Thế thì các fan M.U có lẽ phải cảm ơn bà Cathy rất nhiều vì kể từ năm 2002 đến giờ M.U đã đoạt tới 6 chức vô địch giải Ngoại hạng Anh và 1 chức vô địch Champions League.

Tuấn Thành

Diệp Xưa
.
.
.