Tư duy kiểu "Hội làng"

Thứ Tư, 16/02/2011, 09:26
Khi một quốc gia chủ nhà muốn đưa những môn mà mình có lợi thế vào thi đấu trong kỳ SEA Games do mình tổ chức thì "mánh khóe" hay dùng để nắn gân các nước khác là dọa loại một số môn thi cơ bản của đại hội. Sea Games 26 Iần này Indonesia cũng đang muốn loại bóng đá nữ. Một tư duy kiểu "Hội làng".

Cả Đông Nam Á sửng sốt trước thông tin chủ nhà SEA Games 26 Indonesia muốn loại bóng đá nữ khỏi chương trình thi đấu của Đại hội với lý do là điều kiện sân bãi ở đất nước vạn đảo không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng cùng lúc các trận đấu của cả bóng đá nam lẫn bóng đá nữ. Câu chuyện nửa bi nửa hài này một lần nữa tố cáo cái bản chất "hội làng" của kỳ thể thao lớn nhất khu vực, được tổ chức 2 năm một lần.

Tất cả đều đã biết, chủ nhà các kỳ SEA Games có quyền ưu tiên chọn các môn thi đấu, và chỉ cần các môn chủ nhà chọn nhận được từ 3 sự đồng thuận trở lên là tức thì môn đó sẽ được đưa vào Đại hội. Thế mới có chuyện trước thềm SEA Games 22, chủ nhà Việt Nam đã vận động "người anh em Lào" tham dự môn đá cầu vốn là "môn ruột" của mình, rồi chủ nhà SEA Games 23 Philippines cũng đã vận động Campuchia tham dự môn võ gậy - vốn là môn mà chỉ Philippines mới có.

Muốn nhận được sự ủng hộ cho các môn thi đấu có lợi với mình, các nước chủ nhà SEA Games hoặc là dùng biện pháp "vận động hành lang" như vừa kể trên, hoặc là đưa ra những điều kiện đánh đổi mà chỉ cần "ngửi" qua là người ta đã có thể đọc ra vấn đề.

Chẳng hạn như vẫn ở kỳ SEA Games 23 tại Philippines, nước chủ nhà lúc đó thậm chí còn đưa ra ý tưởng gạt bóng đá nam khỏi chương trình thi đấu. Ai cũng biết, thời điểm ấy, bóng đá nam Philippines rất yếu kém (chứ chưa mạnh mẽ nhờ phương án nhập tịch cầu thủ như bây giờ), thế nên bóng đá với Philippines lúc đó là một cái thua nhìn thấy rõ.

Bóng đá nữ là thế mạnh của Đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh: Quang Minh.

Nhưng bóng đá vốn là môn thể thao vua, không thể vắng mặt trong các kỳ Đại hội thể thao từ khu vực đến châu lục, đến cả tầm thế giới. Mặt khác, bóng đá cũng là môn thế mạnh của nhiều QG ĐNA khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam. Kết quả là để môn bóng đá được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội theo mong mỏi của số đông thì hàng loạt các nước khác đã buộc phải chấp nhận những môn thể thao rất lạ mà chỉ riêng Philippines mới có. Vậy nên cái ý tưởng "không tổ chức bóng đá" sau đấy đã được nhận định chỉ là một lời dọa dẫm, để từ đó nước chủ nhà dễ bề "nói chuyện" với các nước khác trong khu vực mà thôi.

Bây giờ thì tình trạng tương tự có vẻ đang lặp lại với chủ nhà Indonesia - một nước cũng không mạnh, nếu không muốn nói là yếu ở môn bóng đá nữ. Nhưng bóng đá nữ cùng với bóng đá nam vốn là những môn mà cả ĐNA đều mong muốn sẽ được tổ chức. Và trong lịch sử các kỳ SEA Games, ngoại trừ SEA Games 20 tại Brunei - một nước không có ĐT bóng đá nữ thì môn thi đấu này cũng không bao giờ vắng mặt. Thế nên người ta có rất nhiều lý do để tin rằng trước sau gì thì bóng đá nữ cũng sẽ phải được tổ chức ở kỳ SEA Games năm nay.

Và vì thế cái tuyên bố có khả năng loại bóng đá nữ khỏi chương trình thi đấu rất có thể chỉ là một lời "nắn gân" - một điều kiện đánh đổi, để ít hôm nữa, khi các nước ngồi với nhau chốt lại các môn thi đấu cuối cùng thì nước chủ nhà sẽ dễ bề đưa những môn riêng của mình vào chương trình thi đấu mà thôi.

Hôm qua, trò chuyện với chúng tôi, một quan chức thể thao Việt Nam - người rất am hiểu "mánh khóe" của các nước chủ nhà SEA Games cho biết: "Tôi tin là bóng đá nữ rồi vẫn sẽ diễn ra ở SEA Games năm nay thôi. Nhưng đổi lại việc đưa bóng đá nữ vào SEA Games, phần còn lại của ĐNA rất có thể sẽ phải chấp nhận những môn thể thao lạ huơ lạ hoắc của Indonesia - những môn mà nhờ nó rất có thể họ sẽ đứng vị trí nhất toàn đoàn".

Ngay cả các nữ tuyển thủ Việt Nam - những người đang tích cực tập luyện dưới sự chỉ đạo của HLV Trần Vân Phát người Trung Quốc cũng hiểu được thực tiễn này. Thế nên sau sự hốt hoảng, lo lắng ban đầu, cuối cùng họ cũng đã tự bảo ban nhau hãy cứ tập luyện hết mình với mục tiêu bảo vệ bằng được ngôi hậu SEA Games.

Nhưng qua câu chuyện này, một câu hỏi cần thiết phải đặt ra: Thể thao ĐNA rồi sẽ đi tới đâu nếu cái tư duy "Hội làng" với những kiểu ăn - thua rất "hội làng" cứ mãi thâm căn cố đế trong đầu óc những nhà lãnh đạo?

Diệp Xưa
.
.
.