Từ chức có hẳn đã tốt?

Thứ Năm, 26/06/2014, 14:50
Đức Hoàng: HLV Cesare Prandelli đã đệ đơn từ chức ngay sau khi Italia thua Uruguay. Và không chỉ có ông, cả Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italia cũng từ chức luôn.

NS. Hà Quang Minh: Một nền bóng đá lớn như Italia, chuyện lần thứ hai liên tiếp bị loại từ vòng bảng World Cup là một nỗi xấu hổ. Ông chủ tịch liên đoàn từ chức là hành động cuối cùng có thể, để cứu vãn danh dự của chính ông. Còn Prandelli từ chức thì tôi hơi tiếc.

Đức Hoàng: Anh có nhớ lần gần nhất một HLV trưởng và một chủ tịch cùng từ chức sau một thất bại là từ bao giờ không? Tôi thì nhớ mãi không ra. Cách đây chỉ vài ngày, HLV Roy Hodgson của Anh, người cùng cảnh ngộ với Prandelli ở Italia đã tuyên bố không từ chức đấy.

NS. Hà Quang Minh: Người Anh luôn là những người tỏ ra lịch lãm, cao thượng, vậy mà có vẻ lần này cả Roy Hodgson lẫn Chủ tịch FA cùng “bảo thủ”, tức là “bảo nhau thủ ghế”. Nếu Hoàng là Roy Hodgson, Hoàng có từ chức không?

Đức Hoàng: Tôi nghĩ đấy là quyền lựa chọn của mỗi người. Trong một vài trường hợp, người ta có thể cho rằng đó là quân tử, dám làm dám chịu. Trong trường hợp khác, đó lại là sự trốn chạy. Về việc Prandelli, đấy là quân tử hay trốn chạy, theo anh?

NS. Hà Quang Minh: Phân tích một cách lý tính nhé, thì rõ ràng việc Prandelli từ chức cũng như trốn chạy khỏi một con tàu đắm khi ông biết cái tập thể ấy khó làm nên chuyện tại Euro 2016. Nhưng lý tính của mình lúc nào chẳng chủ quan. Thế nên, cứ nghĩ về người khác tốt đẹp đi đã. Tôi vẫn quả quyết là Prandelli làm thế là quân tử, là vì danh dự.

HLV Cesare Prandelli đã đệ đơn từ chức ngay sau khi Italia thua Uruguay.

Còn Roy Hodgson, tại sao Hoàng không nghĩ việc ông ấy không từ chức cũng chính là ông ta CỐ TÌNH TRỐN CHẠY KHỎI SỰ THẬT LÀ ÔNG TA BẤT TÀI nhỉ?

Đức Hoàng: Hẳn anh còn nhớ, Trappatoni là người đã cương quyết không rời khỏi Bayern Munich bằng hành động từ chức. Ông ta ép CLB phải sa thải mình để nhận tiền bồi thường hợp đồng. Chúng ta đều biết rằng khi đội bóng thất bại, lỗi không hoàn toàn ở HLV. Ông ta có quyền được nhận tiền bồi thường nếu ra đi. Liệu chúng ta có thể nghĩ về Roy Hodgson theo hướng này?

NS. Hà Quang Minh: Tôi cho rằng cương vị HLV trưởng ĐTQG và HLV trưởng 1 CLB là khác nhau. Một bên còn trách nhiệm, danh dự, còn một bên nhiều khi đơn thuần chỉ là làm công ăn lương.

Nếu một ông chủ có tình, có lý, nhân viên có thể sẽ từ chức khi thấy xấu hổ vì mình không hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu một ông chủ “đểu”, nhân viên sẽ có phản kháng, như kiểu “thích thì chơi tới cùng”. Trường hợp Prandelli, khi ông nộp đơn, Chủ tịch LĐBĐ Italia ngỏ ý muốn ông suy nghĩ lại trong khi chính vị chủ tịch ấy lại ra đi. Còn ở Anh, Hodgson nộp đơn, LĐBĐ Anh có thể sẽ cho nghỉ luôn. Văn hóa từ chức, theo tôi, nó chỉ có thể tồn tại trong một môi trường có văn hóa.

Đức Hoàng: Không thể tuyệt đối hóa tinh thần thể thao của người Italia như thế và bảo họ tốt hơn người Anh được. Hodgson và Prandelli đều thua như nhau mà.

NS. Hà Quang Minh: Tôi không cho rằng người Italia có tinh thần trách nhiệm hơn người Anh hay ngược lại. Tôi đánh giá tài năng của Prandelli cao hơn Hodgson bởi tôi nhìn vào quá trình làm việc của cả hai.

Đức Hoàng: Tôi cũng đồng ý là Prandelli đã làm không tồi công việc của ông. Nhưng tôi vẫn lo rằng, việc tung hô quá đà một hành động từ chức sẽ tạo thành định kiến. Mỗi năm, có bao nhiêu HLV mất việc oan uổng trên thế giới, đó là điều đã được nói đến rất nhiều.

Và nếu tôn vinh việc ra đi ngay sau thất bại, đó có thể là điều có hại cho cái nghề này, tạo nên sức ép cho bất kỳ ai từ HLV ở Việt Nam cho đến Premier League. Anh có tin rằng sau hôm nay, sau những thất bại của Đội tuyển Việt Nam, sẽ có một cây viết, một CĐV hay ai đó trên Facebook nhắc đến Prandelli như một lời bỉ bôi dành cho HLV trưởng không?

NS. Hà Quang Minh: Nhiều khi người ta mắc bệnh tung hô hay hạ bệ rất nhanh, và hồn nhiên, và ào ào theo trào lưu chung. Tôi nghĩ, cứ coi nó là việc bình thường. Cảm thấy mình không đảm đương nổi thì nghỉ thôi. Còn ở Việt Nam, vì từ chức là một thứ hiếm hoi nên người ta khoái nhìn thấy nó lắm, dù chẳng hiểu được rằng phương án từ chức có hẳn là phương án tốt nhất hay không?

Đức Hoàng: Chính anh cũng đang bị ám thị: Có lẽ anh và nhiều người Việt mong chờ cái sự "từ chức" trong các lĩnh vực khác nên mới nghĩ ngay rằng Prandelli giỏi, Prandelli quân tử. Nếu giỏi, thì ở lại chịu trách nhiệm đi. Nếu không giỏi, thì từ chức là rất giản đơn, sao phải tung hô?

NS. Hà Quang Minh: Nhưng quan trọng là ở Việt Nam mình có thực sự tồn tại người vừa giỏi, vừa quân tử, lại được tồn tại trong môi trường văn hóa đúng nghĩa để có văn hóa từ chức hay không?

HQM (ghi)
.
.
.