Từ câu chuyện cử hành quốc thiều tại Olympic

Thứ Hai, 13/08/2012, 11:30
Olympic, có thể nói, là thước đo chính xác nhất cho sự phát triển về thể thao nói riêng ở một đất nước nào đó. Và có thể nói một cách tổng quát hơn, mỗi kỳ Thế vận hội cũng như một hàn thử biểu đánh giá sự phát triển về kinh tế cũng như độ ổn định về xã hội của một quốc gia nhất định.

Olympic 2012 đã đi đến hồi kết. Những cuộc tranh tài hấp dẫn, những khoảnh khắc vinh quang, những giọt nước mắt xúc động, tất cả đã làm nên một kỳ Olympic đáng nhớ. Thế giới ghi nhận nỗ lực tổ chức của nước chủ nhà Vương quốc Anh khi duyệt chi một khoản kinh phí tương đối lớn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Không như Ba Lan hay Ukraina vẫn đang kêu ca về vấn đề "giải quyết hậu quả" sau khi tổ chức kỳ Euro 2012 vừa rồi, người Anh có thể tự tin đã có một kỳ Olympic thành công cả trong lẫn ngoài sân đấu…

Những người hâm mộ nước Anh còn có thêm một lý do nữa để mà tự hào, đó là việc đoàn thể thao Anh đạt thành tích rất cao ở kỳ Olympic lần này, trong đó có những chức vô địch được đánh giá là "Huy chương vàng thế kỷ", ví dụ như việc Andy Murray giành Huy chương vàng đơn nam môn quần vợt.

Không chỉ riêng nước chủ nhà, nhiều đất nước khác cũng có thể hân hoan vì thành tích mà những người đồng hương vừa đạt được trên đất khách. Đoàn thể thao Mỹ và Trung Quốc chia nhau các vị trí dẫn đầu, trong khi Nga, Hàn Quốc, Đức hay Pháp cũng có vị trí khả quan, nằm trong top 10 xếp hạng chung cuộc.

Tất nhiên, thành tích của các vận động viên là rất đáng khích lệ, đặc biệt khi các kỷ lục thế giới hay kỷ lục Olympic liên tục bị phá ở các môn thể thao khác nhau. Nhưng có lẽ, đằng sau những tấm huy chương danh giá, những cuộc đua tranh quyết liệt, còn là vấn đề vị thế hay tầm vóc của mỗi quốc gia.

Olympic, có thể nói, là thước đo chính xác nhất cho sự phát triển về thể thao nói riêng ở một đất nước nào đó. Và có thể nói một cách tổng quát hơn, mỗi kỳ Thế vận hội cũng như một hàn thử biểu đánh giá sự phát triển về kinh tế cũng như độ ổn định về xã hội của một quốc gia nhất định.

Nhìn vào bảng tổng sắp huy chương ở những kỳ Olympic, dễ nhận thấy, những vị trí dẫn đầu luôn thuộc về các nước có nền kinh tế phát triển, những cường quốc trước tiên là về kinh tế sau đó mới đến thể thao. Những vận động viên đến từ những nước kém phát triển, tất nhiên vẫn có thể có huy chương, nhưng những chiến công này chỉ mang tính cục bộ, chứ chưa mang tính biểu thị cho vị thế trên chính trường hay thương trường của đất nước mình. Logic rất đơn giản, nước phát triển sẽ đầu tư nhiều hơn cho các vận động viên, đầu tư nhiều sẽ đạt thành tích cao, và mỗi tấm huy chương giành được có thể xem như một sự bảo chứng cho tầm vóc của đất nước.

Một quốc gia đứng đầu về thể thao ở nhiều kỳ Olympic như Mỹ chắc chắn cũng sẽ đứng đầu trên nhiều lĩnh vực khác, và vì thế, việc giành Huy chương vàng đối với các vận động viên Mỹ gần như một nghĩa vụ đối với Tổ quốc, nghĩa vụ duy trì và nâng cao vị thế. Trung Quốc, dù chưa đạt được một sự phát triển rực rỡ và bền vững như Mỹ, nhưng họ cũng có những lợi thế riêng, như việc huy động tiềm lực khá dễ dàng do là nước đông dân nhất thế giới, hay như nhiều bài báo đăng tải gần đây cho thấy, họ áp dụng một chế độ rèn luyện còn hơn cả kỷ luật quân đội cho những vận động viên có tiềm năng từ khi còn rất nhỏ. Nga (hay Liên Xô trước đây) cũng có một nền thể thao đa dạng và tương đối phát triển, và minh chứng là họ thường xuyên đứng top 5 trong bảng tổng sắp huy chương ở các kỳ Olympic.

Vì thế, có thể nói rằng, những tấm huy chương, hay những kỷ lục ở kỳ Olympic lần này, ngoài tính chất cá nhân là mang vinh quang về cho các vận động viên, còn mang tính chất tập thể cao quý hơn rất nhiều, khi đó là lời khẳng định cho tầm vóc của những cường quốc. Hay đơn giản hơn, khi một vận động viên đoạt huy chương, đó cũng là lúc mà đất nước của họ được nhắc đến, được ca ngợi hay thậm chí được thán phục bởi bạn bè quốc tế. Nếu Usain Bolt không phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác ở môn điền kinh, mấy ai để ý đến đất nước Jamaica nhỏ bé? Có những lợi thế mang tính bản năng, có những tài năng là do rèn luyện, nhưng tất cả đều thi đấu vì một mục đích: Khẳng định vị thế của đất nước mình, hay là để Tổ quốc được một lần cất tiếng nói trên đấu trường quốc tế.

Hình ảnh của một đất nước sẽ chỉ được ghi nhận khi gắn liền với những đỉnh cao, và thương hiệu quốc gia được tạo ra từ chính những con người chinh phục những kỷ lục. Và có lẽ, cũng đã đến lúc chúng ta bắt buộc phải đầu tư, không chỉ về thể thao mà còn trên nhiều lĩnh vực khác, để dù cho không thể có được một đội ngũ tài năng hùng hậu, thì ít nhất cũng sở hữu những cá nhân có khả năng vượt mức bình thường. Chính những con người này sẽ góp phần nâng tầm vị thế của đất nước, và khi tiếng nói ở tầm quốc tế đã có trọng lượng hơn, những đối tác sẽ phải nhìn chúng ta bằng một con mắt khác. Đấy chính là lợi thế cần được nhìn nhận của những quốc gia có ít nhiều vị thế, và đẳng cấp đôi khi có thể được tạo nên bởi những điều đơn giản hơn những bài toán vĩ mô rất nhiều

Thái Hưng
.
.
.