Trước thềm AFF Suzuki Cup 2012: Kèo trên - kèo dưới

Chủ Nhật, 18/11/2012, 11:05
Khi được báo chí Thái Lan đặt câu hỏi: “Ai sẽ là đối thủ khó chịu nhất của ĐT Thái tại AFF Cup này?”, HLV trưởng Winfried Schafer trả lời ngay: “Việt Nam”. Vẫn với câu hỏi tương tự, HLV trưởng ĐT Philippines, ông Michael Weiss cũng chọn phương án “Việt Nam” làm đáp án của mình. Và cái khó cho thầy trò Phan Thanh Hùng nằm ở chỗ ấy - ở cái chỗ mà bóng chưa lăn nhưng chúng ta đã “bị” đối thủ đặt ở thế… kèo trên!

Lịch sử bóng đá Việt Nam hai chục năm qua cho thấy, cứ khi nào chúng ta bị đặt ở thế kèo trên là các cầu thủ lại vào trận với trạng thái căng cứng, và khi ấy luôn có những kết quả không như mong đợi xảy ra. Đã có những phân tích rằng với thể hình thể lực hạn chế so với những đội bóng “dày cơm” như Singapore, Malaysia hay những đội bóng gồm phần lớn những cầu thủ nhập tịch như Philippines, cầu thủ Việt Nam thường chỉ phát huy tối đa sức mạnh của mình khi nằm ở thế “kèo dưới” và đá theo kiểu phòng ngự - phản công. Còn khi buộc phải tấn công dồn ép đối thủ, nhất là khi đối thủ đã đề phòng trước những miếng đánh nhỏ - nhuyễn vốn được coi là “đặc sản của bóng đá Việt Nam” là y như rằng cả một hệ thống lại rơi vào bế tắc. Trận thua Philippines 0-2 ở vòng bảng AFF Suzuki Cup 2010 rồi trận bán kết lượt đi thua Malaysia 0-2 cũng trong kỳ AFF Cup ấy là những minh chứng hùng hồn cho nhận định trên.

Hy vọng các tuyển thủ Việt Nam không bị say đòn bởi những lời “bốc thơm” của đối phương. Ảnh: Quang Minh.

Nói đến chuyện “kèo trên – kèo dưới” và những tranh cãi về chuyện “chọn kèo” ít ai biết rằng trước trận bán kết lượt đi AFF Cup 2010 giữa Việt Nam với Malaysia, khi thuyền trưởng Calisto nói cứng với báo giới Malaysia rằng Việt Nam sẽ tấn công, dồn ép đối phương ngay từ nhịp 1 thì TTK VFF Trần Quốc Tuấn khi ấy đã… giật thót mình. Ông Tuấn sau đó đã vào phòng ông “Tô” hỏi cho ra nhẽ đấy là một tuyên bố thật hay là một tuyên bố theo kiểu… hỏa mù binh thì được trả lời rằng: “Tôi nói thật”. Và thế là giữa ông Tuấn với ông “Tô” đã có những tranh cãi nảy lửa khi một người cho rằng chúng ta chỉ có thể đá tốt khi đá phản công, còn một người thì cứ khư khư với quan điểm: “Chúng ta đang là ĐKVĐ AFF Cup, nên phải đá ở thế kèo trên để bảo vệ hình ảnh của nhà vô địch”. Sau khi ĐTVN thua đau Malaysia ở trận bán kết với tư tưởng “kèo trên” ấy, ông Calisto đã bị đưa lên bàn mổ, và ông Trần Quốc Tuấn trong tư cách trưởng đoàn cũng bị “vạ lây”. Nhiều lần ngồi tâm sự với chúng tôi về sự kiện này, ông Tuấn vẫn hay chép miệng tiếc rẻ: “Trận ấy mà đá thủ, giành một trận hòa, rồi giải quyết Malaysia ở trận lượt về trên sân Mỹ Đình thì thắng chắc. Thế mà…”.

Trở lại với những tuyên bố của HLV trưởng ĐT Thái Lan và ĐT Philippines về việc “Việt Nam chính là đối thủ khó chịu nhất của chúng tôi”. Có thể hai ông thầy này nghĩ đúng như mình tuyên bố, vì họ biết Việt Nam đang sở hữu một thế hệ cầu thủ giàu kĩ thuật, có khả năng tạo đột biến ở bất cứ khoảnh khắc nào của một trận đấu. Nhưng cũng không loại trừ khả năng họ nói thế để đưa chúng ta vào thế “kèo trên”, và khi đã vào cái thế ấy rồi thì chúng ta lại trở thành “con mồi” cho họ dễ tung đòn.

Khi trả lời báo chí, HLV trưởng Phan Thanh Hùng nói rằng ông đã nghiên cứu rất kĩ băng hình những trận đấu gần đây của Thái Lan và Philippines – 2 đối thủ cứng cựa của chúng ta ở vòng đấu bảng (đối thủ còn lại là Myanmar bị nhận diện là đội “lót đường” tại bảng đấu này). Và ông Hùng nhận xét rằng Thái Lan tuy không còn mạnh như thời Dusit, Kiatisak ngày xưa nhưng vẫn rất sắc sảo với những pha tấn công theo kiểu “vỗ mặt khung thành”, và nếu hàng công dứt điểm tốt hơn thì họ phải thắng Malaysia tới 3 bàn, chứ không phải 1 bàn như trong một trận giao hữu gần đây.

Ông Hùng cũng đánh giá Philippines rất cao, không chỉ vì Philippines mới có 2 trận giao hữu thắng oanh liệt Singapore, mà vì cách vận hành của đội bóng này được ông đánh giá là “khó chịu”. Theo chúng tôi những đánh giá “biết người, biết ta” như thế là rất cần thiết ở một cuộc chơi mà trước khi bắt đầu, tất cả các bên đều không ngại tung ra nhiều “đòn thế” về nhau. Vấn đề là các học trò của ông Hùng có đồng cảm và chung suy nghĩ với những điều ông nói hay không.

Nếu không có một sự đồng cảm như thế, mà cứ cuốn theo những phát ngôn của đối thủ để tự đặt mình vào thế “kèo trên”, không loại trừ khả năng chúng ta sẽ phải trả giá, như đã hơn một lần phải trả giá trong quá khứ!

Phan Đăng
.
.
.