Chuyển nhượng của VĐV thể thao thành tích cao:

Tiền tỉ là ước mơ

Thứ Tư, 30/09/2015, 06:33
Tính theo cách đầu tư, đã có ý kiến cho rằng, việc Công Phượng (bóng đá) được đội bóng hạng nhì tại Nhật Bản mời về khoác áo đạt phí 100.000 USD (khoảng hơn 2,1 tỉ đồng) là mức tiền quá thấp. Buồn thay, trong làng thể thao thành tích cao (ngoài môn bóng đá), chưa VĐV nào có được phí chuyển nhượng như vậy. Tất cả đều chỉ là mơ ước.

Đỉnh nhất vẫn là Hữu Hà?

Chủ công Nguyễn Hữu Hà (bóng chuyền) vẫn đang được xem là VĐV thể thao thành tích cao (ngoài bóng đá) có phí chuyển nhượng cao nhất, dựa trên con số được công bố. Năm 2011, sau khi vụ tranh chấp giữa CLB Tràng An Ninh Bình và phía Gia Lai khép lại, Hữu Hà đã được đơn vị chủ quản cũ là Tràng An Ninh Bình giải phóng hợp đồng, với phí 1 tỉ 350 triệu đồng.

Bóng chuyền sau vụ Hữu Hà còn có nhiều cuộc chuyển nhượng khác giữa các đội bóng trong nước ở một số VĐV nam, nữ. Thế nhưng, mức phí khi tìm hiểu, chưa ai vượt qua con số hơn 1 tỉ đồng. Điển hình là nhóm cầu thủ nữ của đội Vietsov Petro sau khi giải thể, đã xin đầu quân về nhiều đội bóng nữ trong nước và người cao thì chỉ khoảng 400-500 triệu đồng.

Bóng bàn là môn diễn ra nhiều cuộc chuyển nhượng lớn nhỏ. Điển hình nhất là năm 2009, khi vừa ra mắt, đội Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đã chi phí 500 triệu đồng lót tay mời tay vợt Đoàn Kiến Quốc về thi đấu. Lúc đó, Kiến Quốc đang là ngôi sao số 1 của bóng bàn Khánh Hòa và bóng bàn nam Việt Nam. Hợp đồng đã kéo dài 3 năm. Sau này, do chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị chủ quản, đội bóng bàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đã giải thể. Hiện tại, Công ty Petrosetco (thuộc ngành Dầu khí) là đơn vị đầu tư quản lý một đội bóng bàn nữ. Họ từng mất phí để đưa về các tay vợt nữ tốt nhất của TP Hồ Chí Minh (trong đó có Mai Hoàng Mỹ Trang). Mức phí không được tiết lộ là bao nhiêu. Làng quần vợt Việt Nam cũng là nơi có nhiều cuộc chuyển nhượng đi, về nhất. Tuy nhiên, chưa một lần số tiền chuyển nhượng dành cho VĐV quần vợt khi hoàn tất hợp đồng được hé lộ.

Ngoài VĐV thuộc nhóm các môn bóng thì VĐV của võ thuật cũng được chuyển nhượng nhiều. Mới nhất có Lừu Thị Duyên (boxing) từ Lào Cai về đầu quân nơi mới là TP Hồ Chí Minh. Phí chuyển nhượng không nói ra nhưng mức lương Duyên nhận khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng. Văn Ngọc Tú sau khi rời đơn vị Gia Lai đã được Nam Định mời về thi đấu năm 2014. Tuy nhiên, trường hợp của Tú chỉ ký kết ngắn gọn trong 1 năm nhằm đảm bảo thành tích huy chương vàng tại Đại hội TDTT toàn quốc 7/2014. Lương bổng và phí lót tay gần như được gói gọn trong một con số cụ thể, nhưng chỉ Tú và đơn vị Nam Định biết được.

Tiến Minh từng đạt phí chuyển nhượng gần 1 tỉ đồng để tới Ấn Độ thi đấu. Ảnh: Minh Hoàng.

Tiền thật hay tiền ảo

Chúng ta đưa ra một số ví dụ cụ thể trên để thấy, trong chuyển nhượng VĐV thể thao thành tích cao, chỉ số ít hợp đồng được thông báo cụ thể về tiền. Đại đa số, chuyển nhượng như thế nào được giữ kín. Thể thao thành tích cao mang đặc thù riêng, đấy là cơ chế doanh nghiệp quản lý vẫn chưa nhiều. Đa phần, VĐV và HLV vẫn do các Sở VH-TT-DL từng địa phương quản lý và Trung tâm TDTT của địa phương ấy là nơi đào tạo, ký hợp đồng với họ. Điều ấy ở mặt nào đó vẫn bó buộc VĐV và họ sẽ phải gắn bó cả đời với nơi mình được đào tạo từ trẻ. Một số trường hợp xin ra đi, nhưng tranh cãi về tiền đào tạo và chuyển nhượng không hợp lý đã không dễ dàng. Đơn cử như Hữu Hà. Để có được mức phí 1 tỉ 350 triệu đồng trên, chủ công này đã bị đơn vị cũ Ninh Bình “giam” gần 2 năm cho ngồi không, rồi mới đưa ra mức phí cụ thể.

Mặt khác, các con số đưa ra lại không được kiểm chứng rằng đấy là khoản VĐV được nhận hay là đơn vị chủ quản có được. Vô hình chung, tất cả chỉ gọi bằng những từ mỹ miều: phí chuyển nhượng hay khoản lót tay. Đồng thời, khi tranh chấp chuyển nhượng được cởi nút thắt và mức lương đưa ra được thỏa đáng, thì VĐV cũng dễ thỏa hiệp không muốn nhắc lại nhiều.     

VĐV Việt Nam có thể được chuyển nhượng cao ở nước ngoài

Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) chính là điển hình cụ thể nhất. Năm 2012, Tiến Minh được đội Pune Vijetas (Ấn Độ) mời về khoác áo tranh tài trong một giải quy tụ các ngôi sao hàng đầu thế giới tại Ấn Độ. Mức phí trả cho Tiến Minh là 44.000 USD (gần 1 tỉ đồng). Từ năm 2000 trở lại đây, VĐV thể thao thành tích cao của Việt Nam đầu tiên ra nước ngoài thi đấu là Ngô Văn Kiều (bóng chuyền).

Kiều đã được đi Indonesia thi đấu, nhưng trong hợp đồng trao đổi từ đội bóng Khánh Hòa với đối tác. Mức lương của Kiều khi đấu tại Indonesia khoảng 2.000 USD/tháng. Hiện tại, gương mặt của thể thao Việt Nam thi đấu nổi bật ở nước ngoài là Nguyễn Thị Ngọc Hoa (bóng chuyền). Cô đang khoác áo đánh thuê cho đội Bangkok Grass (Thái Lan). Trước đó, Hoa cũng khoác áo một đội khác tại Thái Lan là Ayutthaya. Hoa chắc chắn được nhận phí chuyển nhượng từ các đội bóng Thái Lan trên, nhưng phía Long An và tay đập này chưa bao giờ nói ra cụ thể.

Người trong giới đoán định, Ngọc Hoa là cầu thủ có chuyên môn và chiếm ngay vị trí chính thức của đội bóng, phí chuyển nhượng dành cho cầu thủ này phải vài chục nghìn USD. Như vậy mới tương xứng giá trị của VĐV.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.