Thủ lĩnh - anh ở đâu?

Thứ Sáu, 17/10/2008, 10:33
ĐTVN đang thiếu trầm trọng một thủ lĩnh, một người có khả năng xốc dậy tinh thần  thi đấu cùng ngọn lửa con tim cầu thủ. Nhưng thủ lĩnh trên sân, đấy mới chỉ là một mặt của vấn đề…

Trên sân: Ảm đạm

ĐTVN ở mỗi thời kỳ luôn có một thủ lĩnh, một người đóng vai trò cầm nhịp và dẫn dắt trận đấu. Thời "thế hệ vàng", chúng ta có Hồng Sơn với những pha đi bóng thông minh và tinh quái. Thời "thế hệ bạc" lại có Hữu Thắng - một người giỏi tỳ đè, thu hồi bóng, và sau này là Quốc Vượng - một cầu thủ năng nổ, có khả năng mở cánh rất nhanh.

Nhưng bây giờ, nhìn vào khu trung tuyến của ĐTVN người ta không biết ai là thủ lĩnh. Tài Em, Minh Phương có kinh nghiệm, nhưng người đang chấn thương, người đánh mất ưu thế thể lực. Minh Châu, Việt Cường có sức trẻ nhưng Châu thì chỉ giỏi "băm bổ" còn Cường - một cầu thủ vốn chỉ quen chạy cánh được đứng ở vòng tròn trung tâm đã là một bất ngờ của bất ngờ.

Sau trận Việt Nam - Singapore (14/10), chính ông Calisto phải thừa nhận rằng hàng tiền vệ của ĐT đang rất có vấn đề, và vì thế ông buộc phải gọi bổ sung Trần Trường Giang.

Thế nhưng Trần Trường Giang, một cầu thủ đã ở bên kia sườn dốc khi lên tuyển liệu có trở thành thủ lĩnh của tuyển được không? Năm 2002, Trường Giang đã rất thăng hoa trong màu áo ĐT, cái ĐT mà do chính Calisto dẫn dắt, để sau đó đoạt HCĐ Tiger Cup. Thế nhưng kể từ sau giải đó thì Giang "chìm". Và cái "chìm" về mặt chuyên môn không đáng nói bằng cái "chìm" về mặt tinh thần khi mà sau này cứ mỗi lần lên tuyển là một lần Giang lại xin về với lý do… đau dạ dày. Nhưng lạ là cứ về tới CLB là bệnh "đau dạ dày" của Giang lại hết và anh lại chạy rất nhiệt tình.

Nhiều người nhìn vào "hiện tượng" này để suy ra "bản chất": "Trường Giang đã có tuổi, đã cạn lửa cống hiến rồi, giờ chỉ muốn yên ổn trong màu áo CLB mà thôi", lời của một quan chức VFF.

Một cầu thủ như thế bây giờ lại được gọi lên tuyển, và được kỳ vọng sẽ trở thành một thủ lĩnh ở tuyển, nó thực sự là điều hết sức viển vông.

Trong khu kĩ thuật: Bế tắc

Nếu trên sân, người đóng vai thủ lĩnh là cầu thủ thì trên khu kĩ thuật, người đóng vai thủ lĩnh đương nhiên là thuyền trưởng Calisto. Nhưng thời gian gần đây, ông Calisto đã có hàng loạt dấu hiệu của sự bế tắc và mệt mỏi.

Ông bế tắc vì ĐT của ông đá 7 trận rồi vẫn không thắng. Ông mệt mỏi vì ông càng thay đổi, càng thử nghiệm thì chất lượng đội bóng lại càng xấu đi. Trong cuộc họp báo sau trận Việt Nam - Singapore, Calisto thậm chí đã thừa nhận trước mặt đông đảo phóng viên: "Hiện nay cuộc sống của tôi đang có những khó khăn nhất định".

Chính vì những đặc điểm này nên người ta dễ dàng nhận ra, Calisto đã bế tắc trong rất nhiều thời điểm. Ông bế tắc với việc đưa Bảo Khanh lên đá hộ công với Công Vinh để rồi cả Khanh lẫn Vinh đều đánh mất mình. Ông bế tắc với việc "nhét" Việt Cường vào vị trí trung tâm hàng tiền vệ, để rồi sau đó Việt Cường "tối nước". Và ông bế tắc với việc đưa Quang Cường vào biên phải, đẩy Quang Thanh sang biên trái, để rồi cả hai rốt cuộc đều đá chán hơn so với chính mình.

Rõ ràng, ông Calisto đã xoay và đã vặn. Nhưng ông càng "xoay" và càng "vặn" thì sự bế tắc càng lộ nguyên hình.

Phía sau hậu trường: Nhạt nhoà

Ở ĐT lâu nay, vai trò của ông trưởng đoàn có một ý nghĩa rất lớn. Ông trưởng đoàn phải là người biết "thu va hà vén" nơi hậu trường để cả đội bóng trở thành một khối.

Tiger Cup năm 1996, sau trận Việt Nam suýt thua Lào, ông Weigang đòi đuổi 4 cầu thủ về nước thì nội tình ĐT biến động trông thấy. Nhưng tất cả những biến động, những mâu thuẫn đã được giải quyết nhờ "tài năng" của ông trưởng đoàn Tô Hiền. Ông Hiền hồi ấy đã đem cành khế vào một buổi họp với ý nói "quê hương là chùm khế ngọt…", từ đó kích thích các cầu thủ đoàn kết hơn, và chơi bóng máu lửa hơn.

Bóng đá Việt Nam bây giờ thiếu trầm trọng một ông trưởng đoàn như thế. Hiện tại trưởng đoàn ĐT là ông Trần Quốc Tuấn. Nhưng ai cũng biết, ông Tuấn là TTK VFF, có vô số việc đối nội, đối ngoại phải lo, nên ở vai trò trưởng đoàn, một cách tất yếu ông không thể sâu sát với các cầu thủ và nắm bắt được tâm tư, tình cảm của cầu thủ.

Thủ lĩnh: Anh ở đâu?

Nhìn từ trên sân, nhìn sang khu kĩ thuật rồi nhìn cả về phía sau hậu trường, dễ nhận thấy: Ở vị trí nào và trong "khung trời" nào thì chúng ta cũng đang thiếu trầm trọng một thủ lĩnh.

Vì thiếu, nên đội bóng nhiều lúc cứ thi đấu theo kiểu "mạnh ai nấy chạy".

Vì thiếu, nên đội bóng nhiều lúc cứ diễn ra tình trạng "anh nghĩ một đằng, tôi theo một nẻo".

Và vì thiếu nên chúng ta đã không thể chứng tỏ được một thứ bóng đá quả cảm, hết mình đúng như truyền thống của chúng ta.

Thật đau với một ĐTQG mà sau hàng tháng trời tập luyện vẫn phải vắt tay lên trán tự hỏi: Thủ lĩnh - anh ở đâu?

Diệp Xưa
.
.
.