Thóa mạ trọng tài - Bóng chuyền "noi gương" bóng đá?

Thứ Năm, 07/04/2011, 11:20
Dân bóng chuyền Việt Nam đang bàn tán rất nhiều về vụ thóa mạ trọng tài của chủ công Văn Phương (Thể Công) trong trận đấu Thể Công - Tập đoàn DKVN tại giải vô địch bóng chuyền toàn quốc đang diễn ra ở Hà Nội và Thái Nguyên. Vụ việc này khiến nhiều người đặt dấu hỏi: Có phải bóng chuyền đã "noi gương" bóng đá?

Chỉ nhắc nhở, rồi… hết

Ở ván thứ 3 của trận đấu, thời điểm đang bị đối phương dẫn trước (hai ván trước, Thể Công cũng đã thua trắng), một cầu thủ Thể Công bật nhảy, dứt điểm nhanh. Ngay lập tức, trọng tài Hoàng Hà kết luận bóng đã ra ngoài vạch thi đấu. Thế là cũng ngay lập tức, chủ công Văn Phương nổi trận lôi đình, tiến về phía trọng tài để chửi thề rồi phản ứng dữ dội, buộc trọng tài phải rút thẻ đỏ, đuổi khỏi sân.

Những tưởng sự việc đến đây sẽ kết thúc, nhưng không, khi ra ngồi ngoài, Văn Phương vẫn tiếp tục có những lời lẽ không hay đối với trọng tài. Và sau khi trận đấu kết thúc lại đến lượt một thành viên khác của CLB Thể Công lao về phía trọng tài gây gổ, quát tháo ầm ĩ. Đối với các VĐV bóng chuyền, việc phản ứng trọng tài xưa nay đã từng xảy ra, nhưng phản ứng thái quá như thế thì có thể coi đây là lần đầu tiên.

VĐV Thể Công (phải) đã có những biểu hiện rất phản văn hóa trên sân bóng chuyền. Ảnh: V.C..

Ở đây, phải thấy rằng ngay cả khi trọng tài Hoàng Hà quyết định sai thì những phản ứng của Văn Phương cùng một vài thành viên Thể Công cũng là điều không thể chấp nhận. Đằng này, theo giám sát trọng tài cùng rất nhiều chuyên gia theo dõi trận đấu thì trọng tài không sai, thế nên những phản ứng từ phía Thể Công đã tạo ra sự phản cảm tột độ. 

Hôm qua chúng tôi đã đặt tất cả những vấn đề phản cảm trên đây với ông Trần Đức Phấn - TTK Liên đoàn BCVN thì được ông Phấn cho biết: "Theo luật bóng chuyền, một VĐV nhận thẻ đỏ thì chỉ phải nghỉ ở chính trận đấu ấy, chứ không phải nghỉ thêm 1 hay 2 trận đấu sau đó như bóng đá. Vì vậy ở trận đấu tiếp sau của Thể Công, Văn Phương có quyền thi đấu như bình thường".

Khi chúng tôi tiếp tục đặt vấn đề: "Những thành viên Thể Công liệu có phải chịu thêm một hình thức chế tài nào trước những biểu hiện phản ứng kém văn hóa hay không?" thì ông Phấn nói rằng, ngay sau sự cố, BTC giải và LĐ BCVN đã khiển trách, nhắc nhở các thành viên Thể Công. BTC giải chỉ thành lập hội đồng kỷ luật xem xét mức độ đúng - sai, nặng - nhẹ của các sự cố khi những sự cố ấy gây nên những tác hại về mặt an ninh, tính mạng.

Với những gì ông Phấn nói, có thể hiểu VĐV Văn Phương cùng một vài thành viên quá khích khác của Thể Công chỉ bị nhắc nhở rồi… chấm hết (?).

Sự lây lan đáng sợ

Trong suốt thời gian qua, sân bóng đá Việt Nam đã nổ ra hàng loạt sự cố liên quan đến trọng tài, cầu thủ, HLV. Nào là HLV chửi trọng tài là không biết thổi còi, nào là cầu thủ dọa giết trọng tài, rồi trọng tài cũng bốp chát ngược trở lại với cầu thủ bằng những ngôn ngữ rất chợ búa. Thật ra với bóng đá Việt Nam, đây cũng chẳng phải là điều gì mới mẻ, nhưng vấn đề là mọi thứ đang phát lộ một cách đáng báo động.

Cách đây 2 hôm, trong lá đơn khiếu nại gửi lên "bản tòa VFF" xung quanh án phạt bị treo giò đến cuối giải, cầu thủ Đặng Ngọc Tùng (CLB TPHCM) đã thuật lại nguyên văn hai câu chửi bới giữa mình với trọng tài chính trong trận TPHCM - HN như sau: "ĐM. Ông bắt thế giết chết đội tôi/ ĐM mày. Mày nói nữa, ông đuổi khỏi sân".

Đặng Ngọc Tùng buộc phải thừa nhận những câu nói rất phi văn hóa này với mục đích nhận một tội nhỏ để tránh tội lớn (trước đó Tùng bị cho là đã dọa giết trọng tài). Và vì thế đây là lần đầu tiên ban kỷ luật VFF có thể xử phạt kiểu ăn nói chợ búa của một cầu thủ (thậm chí là của chính trọng tài) mà không mắc phải cái rào cản "lời nói gió bay".

Hôm qua, trong một cuộc trao đổi riêng với người viết, rất nhiều nhà hoạt động thể thao lão thành đã đặt ra vấn đề: Phải chăng những thói xấu trong ứng xử giữa con người với con người trên sân bóng đá đã bắt đầu lây lan sang bóng chuyền, và có nguy cơ sẽ lây lan sang cả nhiều môn thể thao khác? Sự lây lan ấy nếu là có thật, chắc chắn sẽ làm ô uế một nền thể thao đang trên đà phát triển.

Để ngăn chặn sự ô uế đáng sợ ấy, mong là từ bóng đá sang đến bóng chuyền, những biểu hiện ngôn ngữ và những biểu hiện hành động thiếu văn hóa cần phải được nghiêm trị!

Ngọc Anh
.
.
.