Thể thao để sống đẹp ở một làng chài

Thứ Tư, 03/09/2014, 16:40
Làng chài Tân Lập, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị nằm bên bờ sông Thạch Hãn lịch sử. Cuộc sống của người dân nơi đây không chỉ là việc đánh bắt con cá con tôm để mưu sinh, mà còn luyện tập thể dục thể thao để sống đẹp với đời! Điều đặc biệt, chỉ với những chiếc mái chèo bằng gỗ đơn sơ, song họ đã giành nhiều chiến thắng lớn trong các cuộc đua thuyền quốc gia và một số nước ở khu vực Đông Nam Á, suốt nhiều năm nay.

Tôi đến làng chài Tân Lập để xem bà con luyện tập đua thuyền, tham gia vào giải đua thuyền truyền thống trên sông Bến Hải lịch sử, nhân dịp Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đặc khu Vĩnh Linh (25/8/2014).

Làng chài Tân Lập nổi tiếng đua thuyền từ gần 20 năm nay. Làng có 41 hộ dân với 181 nhân khẩu, thì có tới 40 thành viên tham gia thường xuyên vào đội đua thuyền. Đứng ở mũi một con thuyền để hướng dẫn các tay đua luyện tập, lão ngư Trần Loát đã ngoài 60 tuổi, từng hàng chục lần đưa đội tuyển của làng đi giật các giải lớn trong các cuộc đua thuyền quốc gia và khu vực, tự hào nói với tôi: “Ở làng tui, từ trẻ tới già, cả trai lẫn gái đều là những tay đua thuyền. Đua thuyền không để giật giải mà cốt để luyện tập thể dục thể thao, sống đẹp với đời!”.

Tân Lập xưa vốn là một nhóm cư dân quần tụ trên sông nước, đoạn qua xã Hải Lệ. Cư dân tứ xứ theo con nước làm ăn rồi chọn mảnh đất này để neo thuyền lại sau mỗi ngày xuôi biển, ngược nguồn đánh bắt cá tôm.

Năm 1986, nhóm cư dân này đã được chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ vật chất để lên bờ định cư. Từ đó, người Tân Lập không còn chuyên một nghề đánh cá trên sông mà còn bươn chải đủ nghề từ ruộng nương đến buôn bán để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Song cái chất sông nước lúc nào cũng còn nguyên vẹn trong họ!. Chuyện bơi lội hay chèo thuyền trở thành bản năng, không chỉ qua việc đánh bắt cá, tôm trên sông, mà còn qua những lúc đối mặt với thiên tai bão lụt hàng năm.

Đội đua thuyền làng chài Tân Lập.

Tôi hỏi lão ngư Trần Loát, trước khi chưa tham gia các giải đấu, các tay chèo có hay tổ chức đua thuyền không? Ông Loát cười hiền: “Nghề sông nước gắn với mái chèo và coi đó như là chuyện đi lại đương nhiên. Tuy nhiên, hàng ngày sau giờ kéo câu, cuốn lưới về nhà, chúng tôi đều có luyện tập, mục đích chỉ để rèn luyện sức khỏe, nâng cao tinh thần thể thao, chứ không ai nghĩ mình sẽ đem cái “gia sản” vốn có đi thi đấu bao giờ!”. “Lần đầu tiên nghe nói tới việc đua thuyền, bà con ở đây ai cũng bỡ ngỡ lắm! Về sau chúng tôi nghĩ, bà con sống bằng nghề nông nghiệp vốn chỉ quen với cái cuốc, cái cày mà cũng có thể xông pha xuống nước cầm cái mái chèo rẽ nước để đua, thì hà cớ gì mình quanh năm gắn bó với sông nước lại không dám thử sức xem!. Việc đua thuyền cũng từ đó mà hình thành, ban đầu là trong xã, lên thị xã, ra thành phố rồi vào đường đua tỉnh…”, ông Loát hồ hỡi kể tiếp.

Đội đua thuyền Tân Lập có nhiều tay đua tuổi còn rất nhỏ và trở thành thành viên của đội đua liên tiếp từ nhiều năm nay. Anh Trần Khánh là một ví dụ. Gần 30 tuổi đời, anh có thâm niên hơn 10 năm đua thuyền. “Em tham gia đội đua từ năm 17 tuổi. Em không nhớ rõ đến giờ đã cùng đội giành được bao nhiêu huy chương, phần thưởng, chỉ biết là ở giải lớn, giải nhỏ đều có huy chương. Với em, việc được cầm mái chèo cùng đồng đội đến đường đua để giao lưu với bạn bè khắp nơi là niềm vui rất lớn”, Khánh bộc bạch.

Có một điều khác nữa khiến nhiều người ngạc nhiên, các vận động viên của đội đua thuyền Tân Lập đều “thấp bé nhẹ cân” nhưng chưa từng chịu đầu hàng trước bất kỳ giải đấu nào! Trong số 40 thành viên toàn đội, thì có tới 9 cặp vợ chồng cùng là vận động viên. Khi đi thi đấu, họ đều phải gửi con cái cho các ông bà nội, ngoại chăm giữ. Hỏi về những kỉ niệm sau mỗi đợt tham gia thi đấu, anh Trần Lai, một vận động viên từng cùng đội nhà đoạt ngôi vô địch vận động viên đua thuyền truyền thống toàn quốc năm 2012 kể lại: “Năm 2011, đội nam tỉnh Quảng Trị đại diện Việt Nam tham gia thi đấu tại giải đua thuyền Thái Lan mở rộng. Dù chỉ đoạt giải 3 nhưng đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời mà bao năm qua tui không hề nghĩ tới. Chuyến đi hơi tiếc vì mình chưa quen đường đua, sự thay đổi thời tiết cũng làm sức khỏe không được tốt nhưng thời gian ở đó mình được gặp những con người thân thiện và mến khách, được học hỏi kinh nghiệm của các nước bạn”.

Tôi chia tay bà con ngư dân làng chài Tân Lập khi ánh mặt trời đã xuống thấp phía mặt sông. Lão ngư Trần Loát vẫn với chất giọng ồm ồm, mộc mạc của sóng gió: “Đời sống kinh tế của bà con còn khó khăn song người dân Tân Lập chưa bao giờ bỏ cuộc trong các kì đua thuyền. Chúng tôi giữ gìn nó như một nét đẹp truyền thống của quê hương, của tinh thần thể dục thể thao để sống đẹp với người, với đời!”

Thanh Bình
.
.
.