Thầy ngoại "ca" V.League

Thứ Tư, 24/12/2014, 10:28
Có một thời nhiều fan hâm mộ Việt Nam bị cuốn theo suy nghĩ: "V.League là giải VĐQG số 1 Đông Nam Á" - cái thời mà cầu thủ đá V.League nhận lương ngất ngưởng và hàng loạt ngôi sao Thái Lan rủ nhau sang Việt Nam hành nghề. Nhưng vấn đề là những ông thầy ngoại quốc từng hành nghề ở V.League hoặc từng "ngửi mùi" V.League lại chưa bao giờ có những những nhận định thật sự ấn tượng về giải đấu này.

Không phải đợi tới bây giờ, khi HLV trưởng ĐT Việt Nam Miura mô tả V.League là "một giải đấu kinh khủng", mà như cắt nghĩa của ông thì "cầu thủ kém chất lượng, công tác điều hành, tổ chức qua loa" chúng ta mới phải ngỡ ngàng với những lời "nói thật", trước đó cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Henrique Calisto cũng có những nhận xét rất thật và rất đắng về giải đấu này. So với ông Miura, ông "Tô" chắc chắn là người hiểu V.League hơn, vì trước khi lên cầm ĐTQG, ông đã có gần một thập kỷ gắn bó với CLB Đồng Tâm Long An, cùng CLB này đoạt 2 chức vô địch liên tiếp. Sau khi rời Việt Nam thì ông "Tô" lại tắm mình trong môi trường T.League (giải vô địch quốc gia Thái Lan), khi làm HLV trưởng CLB Muang Thong United.

Ông "Tô" từng so sánh rằng ở V.League các CĐV thường yêu/ghét đội bóng một cách thất thường, cảm tính, còn ở T.League, các CĐV thường chuyên nghiệp, trung thành hơn. Và theo ông sự tồn tại bền bỉ của một CLB chỉ được xây dựng trên những giá trị chuyên nghiệp, trung thành như vậy. Ông cũng dẫn chứng về việc trước một trận đấu ở T.League, các CLB có kế hoạch giới thiệu, quảng bá rất cẩn thận, và cũng giống như nhiều trận đấu ở nhiều giải VĐQG châu Á, khi khán giả mua vé vào sân họ đồng thời cũng được phát cho những "bản tin nội bộ" của các CLB, trong đó ghi rõ chỉ số chuyên môn của từng cầu thủ.

Trước Miura, cựu HLV trưởng ĐTVN Calisto cũng từng chê V.League nặng nề. Ảnh: H.M.

Ở V.League, trước đây CLB Sài Gòn Xuân Thành (giờ đã giải thể) cũng từng thực hiện một "bản tin nội bộ" như vậy, và hình ảnh những CĐV Sài Gòn Xuân Thành vừa xem đội nhà thi đấu vừa theo dõi, kiểm chứng các thông tin, thông số kĩ thuật của cầu thủ trên "bản tin" cũng từng diễn ra. Tuy nhiên, đấy là trường hợp cực kỳ cá biệt.

Khi ngồi trò chuyện với người viết, ông Calisto thậm chí còn phàn nàn những điều tưởng là rất nhỏ nhặt, như việc các SVĐ V.League không được chăm bẵm, xây dựng một cách chuyên nghiệp. Ông từng hỏi giới báo chí một câu bất hủ: "Các anh xem, ngay cả mặt cỏ của SVĐ QG Mỹ Đình cũng có được chăm sóc một cách cần thiết, đủ tiêu chuẩn hay không?". Một trong những lý do khiến ông "Tô" quyết định từ giã bóng đá Việt Nam là vì ông cảm thấy bế tắc với một nền bóng đá với một giải vô địch quốc gia tưởng là "chuyên nghiệp" nhưng thực chất lại là một giải đấu rất nghiệp dư.

Trước ông "Tô" thì ông Alfred Riedl -  thầy ngoại từng nhiều lần cầm ĐTQG  cũng hơn một lần chỉ trích các cầu thủ V.League có lối đá "chặt chém" quá đà. Ông Riedl nói với các nhà báo: "Một đội bóng và một nền bóng đá chỉ phát triển lành lặn nếu các cầu thủ biết tôn trọng đôi chân của đồng nghiệp, nhưng ở đây mọi thứ không như vậy". Nên nhớ, ông Riedl nói những câu này vào cuối những năm 90 của thế kỷ 20, thế mà đến mùa giải năm ngoái, V.League vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng các cầu thủ đạp gầm giày vào ngực nhau, rồi đá gãy chân nhau.

Cảm giác như chưa một ông thầy ngoại nào là chưa phàn nàn kêu ca về V.League. Và nếu căn cứ vào những lời phàn nàn, kêu ca có hệ thống này, chúng ta sẽ hiểu giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong mắt người nước ngoài thực chất là một giải đấu như thế nào, có giá trị hay không?!

Diệp Xưa
.
.
.