Thấy gì từ việc bầu Hiển tặng đội bóng cho các địa phương?

Chủ Nhật, 17/05/2020, 08:55
Bầu Hiển đã tặng U21 Hà Nội cho Câu lạc bộ Phú Thọ với mục tiêu 3 năm thăng 3 hạng như cách mà ông từng bắt đầu làm bóng đá chuyên nghiệp. Đó là điều khiến bóng đá Việt Nam sôi động nhưng sẽ để lại không ít hệ quả.

Đầu năm 2018, khi CLB Hà Nội chuẩn bị thực hiện cuộc chuyển giao đội B cho CLB Hà Tĩnh ở giải hạng Nhất đã bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam “tuýt còi” vì vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hội khi đó vẫn đương nhiệm chức Chủ tịch CLB Hà Nội lúc đó đã bày tỏ quan điểm mong muốn VFF tạo điều kiện để Hà Nội có thể chuyển đổi đội trẻ của mình vì cái chung của bóng đá Việt Nam. 

Bầu Hiển có mặt tại lễ chuyển giao U21 Hà Nội cho Phú Thọ, mong các cầu thủ quyết tâm khi chuyển đến đội bóng mới. Ảnh: TH

Theo quan điểm của ông Hội, việc các địa phương phát triển bóng đá có lợi cho bóng đá Việt Nam nên cần ủng hộ, quy chế có thể sửa. Điều này sẽ tốt cho bóng đá chuyên nghiệp và cả nền bóng đá sau này. Điều này cũng xuất phát từ nguyện vọng của tỉnh Hà Tĩnh mong muốn có đội bóng chuyên nghiệp để gây dựng lại. Hà Nội sẽ giúp đỡ Hà Tĩnh từ kinh nghiệm làm bóng đá, xây dựng và phát triển... 

Ông Hội chia sẻ rằng, Hà Nội có tuyến trẻ tốt nên mỗi khi lên hạng lại gặp tình cảnh “dở khóc dở cười” là phải chuyển giao, vì theo quy chế không cho phép 2 đội bóng cùng một giải.

Cuối cùng, Hà Nội và Hà Tĩnh phải chờ đến hết mùa giải 2018 mới có thể chuyển giao đội bóng cho nhau một cách đúng luật.  Hà Nội chuyển giao thành công đội B cho Hà Tĩnh với cái tên Câu lạc bộ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh dưới dự dẫn dắt của một người Hà Nội là HLV Phạm Minh Đức. Sau mùa giải 2019, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã thăng hạng và góp mặt ở V.League 2020.

Mới đây, đội bóng U21 Hà Nội đã chính thức được bàn giao cho Phú Thọ tham gia thi đấu giải hạng Nhì 2020. U21 Hà Nội giành chức vô địch giải U21 Quốc gia 2019 chính là nòng cốt của đội U21 Việt Nam đăng quang giải U21 quốc tế. Trước đó, lứa cầu thủ này cũng vô địch giải U19 quốc gia 2018. Những gương mặt trẻ nổi bật ở các giải đấu cấp độ trẻ như Vũ Đình Hai, Trần Văn Đạt, Đỗ Sỹ Huy, Quan Văn Chuẩn… dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Dương Hồng Sơn là lực lượng nòng cốt của Câu lạc bộ Phú Thọ.

Là người trực tiếp có mặt tại buổi bàn giao, bầu Hiển cho biết Công ty CP Thể thao Hà Nội T&T tặng đội bóng cho Phú Thọ chứ không có sự mua bán. Và mục tiêu của Phú Thọ là giành quyền lên chơi ở giải hạng Nhất 2021 sau đó là V.League 2022. Hà Nội sẽ hỗ trợ về chuyên môn cho đội bóng non trẻ này, trong khi ngân sách hoạt động do tỉnh Phú Thọ lo. Mục tiêu 3 năm thăng 3 hạng được đặt ra, điều này đồng nghĩa với việc nếu các đội bóng liên quan đến bầu Hiển cùng góp mặt ở V.League đó sẽ mang đến nhiều hệ lụy.

Thực tế, những cuộc chuyển giao đội bóng của Hà Nội mang đến một làn gió mới cho phong trào bóng đá các địa phương, đặc biệt là những địa phương chưa có điều kiện phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các địa phương kêu gọi nguồn lực tài trợ cho bóng đá. 

Tuy nhiên, theo như nguyên Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng từng phân tích thì,  không phải tự nhiên mà quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định như thế, địa phương muốn có phong trào bóng đá phát triển phải làm căn cơ, từ gốc chứ không phải đi tắt phần ngọn như vậy. Theo quy chế sửa đổi mới nhất, mục đích của điều khoản này là để khắc phục hiện tượng chuyển giao ồ ạt như giai đoạn trước đây. Bới trong lịch sử, đã có những trường hợp mang đến hệ lụy xấu như CLB Sài Gòn Xuân Thành hay Navibank Sài Gòn.

Do đó mà việc Hà Nội chuyển giao đội bóng cho các địa phương nhưng liệu có phát triển bền vững hay không khi bắt đầu “xây nhà từ nóc”? Bên cạnh đó, chuyện một ông chủ liên quan đến nhiều đội bóng vốn là vấn đề khiến dư luận bức xúc chưa hồi kết tại V.League.  Nhất là khi số đội bóng liên quan đến bầu Hiển sẽ lại tăng lên và cuộc chơi V.League vì thế sẽ bị tiếp tục nhìn nhận không công bằng.

Những người làm bóng đá hiểu, ý thức việc cần phải đầu tư căn cơ, bài bản từ đầu. Nhưng với nhiều địa phương có tính chất đặc thù, sẽ khó tạo ra sức hút cho những tài năng trẻ muốn có cơ hội theo bóng đá nếu không có đội chuyên nghiệp. Để xây dựng từng bước thì trước mắt cần có đội bóng để các cầu thủ trẻ được thi đấu và cũng tạo ra sức hút để phong trào bóng đá phát triển. 

Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn xây dựng một chân đế vững chắc, thay vì cho tặng đội bóng hãy phát triển từ các giải phong trào, giải hạng Ba, hạng Nhì theo những cách khác nhau. Việc bầu Hiển tặng một địa phương không phải bây giờ mới có, và đó là chuyện quá đơn giản với CLB giàu tiềm lực như Hà Nội. Thế nhưng, hãy nhìn cách mà tất cả đang vận hành trong bối cảnh chung của bóng đá Việt Nam thì còn nhiều bất cập.   

Công Phượng có thể mở quán café ở TP Hồ Chí Minh

Ngày 16/5, Công Phượng đã có cuộc gặp gỡ tình cờ với Anh Đức, khi cùng đến sự lễ khai trương quán café Ông Bầu lớn nhất tại Bình Dương. 

Đây là thương hiệu café được bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức), bầu Thắng (Võ Quốc Thắng) và ông Trần Thanh Hải (Chủ tịch công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood) cùng chung tay xây dựng. Cả ba ông đều có chung đam mê với môn thể thao vua, đóng góp nhiều cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. 

Được biết ngoài việc phát triển, quảng bá cafe sạch thì thông qua việc kinh doanh, 3 ông bầu này sẽ trích doanh thu đóng góp vào quỹ phát triển tài năng Việt Nam.

Công Phượng cho biết: “Lúc này tôi cùng với Đông Triều đang cùng nhau kinh doanh nhà hàng bánh tráng thịt heo. Sắp tới, các chú có hỗ trợ để mở quán café Ông Bầu. Tôi nghĩ rằng việc giới cầu thủ kinh doanh là rất tốt, bởi giúp có thêm khoản thu nhập ngoài bóng đá”. Sắp tới nhiều khả năng chân sút đang khoác áo TP Hồ Chí Minh sẽ mở một quán cafe tại TP Hồ Chí Minh để thỏa sức kinh doanh. Trước đó, anh đã có kinh nghiệm khi kiếm tiền từ 2 quán tại Gia Lai và Hà Nội.

Hưng Hà
.
.
.