Thành tích tại SEA Games: Hãy nhìn nhận cho chính xác

Thứ Ba, 10/12/2013, 16:09
Dù chúng ta có giành được thứ hạng cao tại SEA Games thì thành tích đó không hẳn đã phản ánh sự phát triển của nền thể thao nước nhà. Do vậy, để đánh giá sự phát triển của thể thao nước nhà thì thành tích SEA Games cần được xem xét một cách "chừng mực".

Cũng giống như các nước chủ nhà của nhiều SEA Games trước, năm nay Myanmar được dự đoán là sẽ đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Phải chăng chính lợi thế chủ nhà quyết định phần lớn thành tích?. Lợi thế chủ nhà được cụ thể bằng nhiều cách nhưng phổ biến nhất là khi người ta đưa vào những môn thi đấu không có ở Olympic hoặc thậm chí rất ít được biết đến.

Trước hết phải nói rằng, Đông Nam Á vốn là một "vùng trũng" của thể thao thế giới, nhiều năm rồi người ta đã quen với việc cả vùng đất vốn được xếp vào một  trong những khu vực có nền kinh tế năng động hàng đầu thế giới nhưng lại có thành tích thể thao ở Olympic thua cả một nước nhiều năm "đóng kín" CHDCND Triều Tiên. Và không biết đến khi nào thì mới có một đội tuyển bóng đá quốc gia của khu vực này góp mặt trong vòng chung kết của World Cup.

Việc một số quốc gia như Philippines cho nhập tịch các cầu thủ ngoại quốc, hay Singapore có những vận động viên bóng bàn gốc Trung Quốc có thể giúp họ nâng cao thành tích trong sân chơi khu vực hoặc cao hơn nữa là châu lục nhưng ở tầm thế giới thì vẫn chưa đủ.

Gần nhất là trong kỳ Omlypic 2012 vừa qua tại Anh, chỉ có 4 nước Đông Nam Á là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore là giành được huy chương trong đó không có huy chương vàng nào, quốc vạn đảo Indonesia đã vượt qua Thái Lan - nền thể thao số 1 khu vực về số huy chương với 1 bạc và 1 đồng. Việt Nam, thậm chí đã không có nổi một huy chương.

Ảnh: Minh họa.

Thành tích nghèo nàn đó trái ngược hẳn với hàng chục huy chương vàng tại các kỳ SEA Games mà các nước này giành được. Tất nhiên, sân chơi SEA Games không thể so sánh với một sân chơi đẳng cấp thế giới như Olympic, nhưng cũng phải thấy rằng đừng nhìn vào thành tích ở các kỳ SEA Games để đánh giá mức độ phát triển thể thao của nước nhà.

Với thể thao Việt Nam, hiện nay chúng ta đang xếp thứ 2 tại chỉ sau nước chủ nhà Myanmar và nếu giữ được vị trí này đến khi SEA Games kết thúc thì đây cũng cũng có thể coi là thành công. Không phủ nhận công sức thi đấu của các vận động viên cũng như như chi phí do nhà nước bỏ ra để đào tạo và đưa họ đi thi đấu nhưng có lẽ để đánh giá sự phát triển của thể thao nước nhà thì thành tích SEA Games nên được xem xét một cách đúng đắn

Bình Nguyễn
.
.
.