Tạm biệt các anh hùng

Thứ Ba, 15/07/2014, 18:12
Đức Hoàng: Có lẽ, ít khi nào như trận chung kết đêm qua: Kẻ thắng và người thua khóc nhiều như nhau. Anh Minh này, cái sự khóc của Đức hẳn là hợp lý rồi, vì họ đã chờ đợi cả một thế hệ cùng vỡ òa. Nhưng hôm qua, khi xem lễ trao giải, vợ tôi hỏi: Tại sao người Argentina phải khóc, thua xứng đáng thế có gì phải khóc? Tôi cũng không trả lời được.

NS. Hà Quang Minh: Khóc là phản ứng bình thường mà. Không khóc được nữa mới đáng sợ. Argentina cũng chơi tốt, chứ không dở.

Đức Hoàng: Anh có vẻ tiếc cho Argentina. Anh có tiếc cho Lionel Messi không, anh ta đã nhận giải Quả bóng Vàng một cách đầy vô nghĩa và thậm chí, nhiều người còn cho rằng không xứng đáng.

NS. Hà Quang Minh: Không hẳn là tôi tiếc cho Argentina đâu. Nếu hôm qua, Đức thua Argentina 0-1 với kịch bản như thế, tôi cũng sẽ có cảm giác tương tự cho Đức. Tôi thấy hai đội bóng đều xứng đáng cả, dù Đức nhỉnh hơn hẳn, tính theo cả quá trình kiên trì xây dựng một đội bóng hướng tới mục tiêu cụ thể.

Còn Messi ư? Tôi thấy nhiều người thắc mắc về danh hiệu ấy. Nhưng tôi nghĩ, FIFA dựa trên cơ sở cậu ấy vào tới tận chung kết và đã có 4 trận được bình chọn xuất sắc nhất. Theo Hoàng, nếu không phải Messi thì ai xứng đáng đây?

Đức Hoàng: Không bàn đến những Robben, Lahm hay Kroos, thật ra trong đội hình Argentina còn một người xứng đáng hơn, là Javier Mascherano. Mascherano dù sao vẫn là hiện thân của một tinh thần tập thể, người điều tiết lối chơi tập thể cho Argentina, chứ không phải là "linh hồn lưu lạc" như Messi, chỉ đơn phương tỏa sáng mà không giúp gì cho lối chơi chung của đội bóng anh ta đang khoác áo.

Niềm vui của các cầu thủ Đức.

NS. Hà Quang Minh: Thực tế, mỗi người xem bóng đá đều có ngôi sao riêng của lòng mình. Vì thế, có thể họ không công nhận ngôi sao khác. Nhưng tôi thấy cũng thật lạ kỳ là World Cup này không ngôi sao nào thực sự tỏa sáng đến mức lấn át các ngôi sao còn lại. Và tôi càng ngạc nhiên hơn khi một Messi thấm nhuần triết lý bóng đá châu Âu từ năm 13 tuổi tới giờ lại có lối chơi khá ích kỷ như thế.

Đức Hoàng: Tôi muốn diễn đạt lại ý anh một chút: World Cup này không phải là "không có ngôi sao nào thực sự tỏa sáng", mà dường như nó đưa ra hồi cáo chung với thứ "chủ nghĩa ngôi sao", thứ chủ nghĩa lãng mạn, nơi người ta tin vào những anh hùng bách chiến bách thắng một mình "cân" cả số phận. Hình ảnh Messi ủ dột lên nhận danh hiệu Quả bóng Vàng đầy vô nghĩa nói lên tất cả. Nó cũng giống những giọt nước mắt của Ronaldo, Neymar hay Suarez trước đó.

NS. Hà Quang Minh: Thì đấy. Hoàng có nhớ World Cup 2010 ngôi sao nào tỏa sáng nhất không? Thực tế là không có ngôi sao nào sáng VƯỢT TRỘI so với phần còn lại. Và càng không có chuyện một anh tài "cân" cả đội bóng đến thành công. Thời của hình mẫu anh hùng cá nhân trong bóng đá đã qua lâu rồi. Zidane hồi 2006 cũng khó có thể chơi tốt nếu không có sự hỗ trợ của đồng đội và ở trận chung kết, không có Zidane thì Pháp vẫn lấn át Italia đó thôi.

Đức Hoàng: Thế mà cuối cùng, trong các cuộc bầu chọn cá nhân, người ta vẫn cố tìm cách tôn vinh những cá nhân tỏa sáng đơn lẻ, ngay cả khi anh ta không giúp đội bóng của mình đi đến vinh quang, là sao anh nhỉ?

NS. Hà Quang Minh: Tôi cho rằng, nó có những ý nghĩa khác nhau Hoàng ạ. Thế này nhé, vào đến bán kết có nghĩa là 4 đội bóng được chơi trọn vẹn 7 trận (tối đa) của World Cup đúng không nào. Tới đích đó thì cầu thủ quan trọng nhất của 4 đội bóng đều ngang cơ nhau để nhận giải cá nhân đúng không nào? Vậy tại sao, khi đội vô địch không có cầu thủ được giải mà lại cứ phải trao cho đội giải nhì mà không xét tới giải ba hay giải tư? Nhưng Messi là ai hả Hoàng? Anh ấy là đại sứ thương hiệu Adidas, đối tác chiến lược của FIFA.

Đức Hoàng: Vậy chúng ta thống nhất rằng, danh hiệu ấy là vô nghĩa, bất cần biết nó có xứng đáng hay không. Tôi hỏi anh một câu khác: Nếu như Messi-huyền-thoại, kỷ lục gia của các kỷ lục gia, cũng không còn đóng vai người hùng ở World Cup được nữa, không thể một mình làm nên những điều thần kỳ nữa, anh có tin rằng, cái kịch bản ấy, giấc mơ ấy, thứ anh hùng chủ nghĩa ấy, đã chết vĩnh viễn rồi không?

NS. Hà Quang Minh: Đúng là chủ nghĩa anh hùng cá nhân đã chết, nhưng không vĩnh viễn. Sẽ một lúc nào đó, một con người siêu việt xuất hiện để đạt đến tầm của một anh hùng dẫn dắt cả đội bóng. Khi mà các bên đối diện nhau chỉ là tập thể đấu với tập thể, chặt chẽ đấu với chặt chẽ thì chắc chắn sẽ cần một cá nhân xuất chúng giải quyết bế tắc chứ. Và hơn nữa, trẻ con rất cần hình tượng anh hùng cá nhân để mộng mơ, Hoàng ạ

HQM (ghi)
.
.
.