Tài năng thôi, chưa đủ!

Thứ Hai, 22/10/2012, 09:05
Có một thực tế khá buồn với thể thao Việt Nam (TTVN) chính là dù chúng ta có rất nhiều tài năng trẻ, nhưng đa số đều không thể vươn tới đỉnh cao khi bước vào môi trường chuyên nghiệp. Đó thực sự là một điều đáng tiếc và rất lãng phí, nhưng làm thế nào để giải được bài toán này, xem ra không hề đơn giản.

Từ câu chuyện của bóng đá...

Sớm được phát hiện tài năng và được đào tạo bài bản hẳn hoi, nhưng rất ít cầu thủ trẻ Việt Nam thành công. Thực tế, xuất phát điểm của các cầu thủ trẻ Việt Nam không hề thua kém so với bạn bè quốc tế, nhưng lại cứ lụi dần khi trưởng thành. Nguyên nhân thì ai cũng nhìn thấy: các cầu thủ trẻ không có cơ hội để thử sức, bên cạnh công tác tuyển chọn và đào tạo trẻ ở nhiều địa phương vẫn chưa được chú trọng.

Nhìn lại lứa cầu thủ trẻ mà Việt Nam đang có, không ít những cầu thủ rất có triển vọng, có thể kể đến cả chục cái tên như: Văn Quyết, Quốc Phương, Hải Huy, Hoàng Thịnh, Hà Minh Tuấn... Song, bất chấp sự tiến bộ không ngừng của các cầu thủ trẻ thời gian qua, nhưng cơ hội để những cầu thủ này tại V.League vẫn gần như không có, khi mà các CLB vẫn chạy theo thành tích. Đây chính là nguyên nhân chính khiến các cầu thủ trẻ không có môi trường để trưởng thành, khiến cho công tác huấn luyện khi được gọi lên đội tuyển gần như bắt đầu từ con số không. Dưới thời HLV Calisto, ông từng than thở: “Không biết ở CLB các cầu thủ được họ đào tạo như thế nào mà lên tuyển lại yếu kém như vậy”.

Bóng đá không có chỗ cho những cầu thủ thiếu bản lĩnh, ít kinh nghiệm. Điều đó càng đúng khi áp vào bóng đá Việt Nam, cụ thể là V.League. Giải đấu này ngày càng tỏ rõ cuộc đua thành tích, cuộc đua mà những ông chủ đội bóng ít khi sử dụng những cầu thủ trẻ vì thiếu an toàn, mà thay vào đó là những gương mặt đã từng được khẳng định. Nhiều năm trở lại đây, phong trào “tây hóa” với việc mua sắm ngoại binh, cũng như nhập tịch tràn lan đang “bóp chết” các nhân tố trẻ trong nước. Có lò đào tạo trẻ hàng đầu như SHB.ĐN hay SLNA cũng chỉ cho cầu thủ trẻ của mình vào sân với mục tiêu “học hỏi là chính”. Tất nhiên đó là những trận đấu vô thưởng, vô phạt, hay tỷ số đã an bài.

Một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam thất bại tại sân chơi SEA Games nhiều năm vừa qua, chính là bởi các cầu thủ trẻ hầu như không được trao cơ hội thử lửa ở sân chơi trong nước và thi đấu cọ xát quốc tế.

...Đến thể thao thành tích cao

Người hâm mộ quần vợt Việt Nam còn đang hoan hỉ với kỳ tích của tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam tại giải VĐQG với chức vô địch đơn nam, thì tuần này tay vợt người Bình Dương đã thất bại đau đớn tại giải vô địch trẻ châu Á. Đau đớn ở chỗ, chính Hoàng Nam đã phải thừa nhận: “Mình thua toàn diện, thua tâm phục khẩu phục, mình chưa là gì với người ta, còn phải tập luyện nhiều...”.

Như chúng tôi đã từng đề cập, chuyện Hoàng Nam vô địch giải VĐQG mới chỉ là sự khởi đầu. Mừng thì có mừng, nhưng tất cả vẫn ở phía trước. Hoàng Nam đi vào lịch sử làng quần vợt Việt Nam khi giành ngôi vô địch VĐQG ở tuổi 15. Tuy nhiên đi ra nước ngoài mới biết, đó cũng là chuyện rất bình thường. Nổi đình nổi đám ở sân chơi trong nước, nhưng thứ hạng của Hoàng Nam hiện tại vẫn chỉ là 297 trẻ ITF.

Nhìn sang các môn khác, Nguyễn Ngọc Trường Sơn từng là một trong 10 kỳ thủ được phong Đại kiện tướng quốc tế trẻ nhất thế giới khi mới 14 tuổi 10 tháng, do không được chăm sóc, đầu tư đến nơi đến chốn, nên nhiều năm qua cứ lụi dần. Việc ngân sách được rót hạn chế, còn công tác xã hội hóa mờ nhạt đã và đang khiến cho các tiềm năng lớn ở môn cờ vua, kể cả với các tuyển thủ quốc gia, chưa được phát huy, thậm chí phần nào là đang lãng phí.

Lời kết

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, cựu trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh từng dự đoán sau 5 năm nữa TTVN sẽ cạn sạch tài năng trẻ. Để chứng minh cho nhận định của mình, ông Minh đã chỉ ra những hạn chế lớn về công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ hiện nay. Đặc biệt theo ông Minh, nhiều nhà quản lý thể thao nước nhà chủ yếu làm kiểu tư duy nhiệm kỳ, ăn xổi.

Ý kiến của ông Minh không phải không có cơ sở. V.League hiện tại đang phải chịu hậu quả từ cách làm đó, khi mà khâu đào tạo trẻ đang thực sự báo động ở nhiều CLB. Thậm chí, nhiều CLB V.League hiện nay còn không có đội trẻ, chủ yếu mua quân về đá hết giải rồi tính tiếp. Trong khi đó ở các môn đỉnh cao, tài năng trẻ không hiếm nhưng sự yếu kém trong khâu tìm kiếm tài trợ và sự định hướng còn rất thiếu chuyên nghiệp.

TTVN đang phải nhận những nỗi đau khi nhiều tài năng trẻ đang lụi dần vì không được chăm bẵm đến nơi đến chốn. Đúng là chỉ gieo hạt mầm thôi chưa đủ, những cây non đó cần có một môi trường tốt để phát triển. Thế mới hy vọng vào tương lai sáng sủa của thể thao nước nhà

An Nhi
.
.
.